Nghiên cứu trên 68 quốc gia: 'Không có mối liên hệ rõ ràng' giữa tỷ lệ tiêm chủng và sự gia tăng các trường hợp COVID-19 mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu gần đây khảo sát dữ liệu trên 68 quốc gia, bao gồm 2.947 quận ở Hoa Kỳ, đã không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng nào giữa tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine COVID-19 và việc gia tăng số lượng các ca xét nghiệm dương tính. Kết quả này gợi lên nghi vấn về khái niệm tiêm chủng bắt buộc là cách để cứu thế giới khỏi đại dịch. 

Theo Vision Times, dựa trên dữ liệu tổng hợp từ Our World in Data, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Harvard và một nhà nghiên cứu từ Trường Trung học Turner Fenton ở Canada đã thực hiện nghiên cứu và công bố vào ngày 30/9 trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu.

Trong phần mở đầu, nghiên cứu nêu rõ lý do việc xem xét lại dữ liệu: “Vaccine hiện là chiến lược giảm thiểu chính để chống lại COVID-19 trên toàn thế giới. Ví dụ, tường thuật liên quan đến sự gia tăng liên tục của các ca bệnh mới ở Hoa Kỳ (US) được cho là do các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp”.

Tuy nhiên, nghiên cứu lưu ý rằng, ngay cả ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Đức, Vương quốc Anh và Israel, một quốc gia được ca ngợi về “tỷ lệ tiêm chủng nhanh chóng và cao”, tình trạng gia tăng đáng kể trong các ca mắc COVID-19 cũng đang xảy ra.

Nghiên cứu tập trung vào 68 quốc gia thỏa mãn các tiêu chí “đã có sẵn dữ liệu về vaccine liều thứ hai; có sẵn dữ liệu trường hợp mắc COVID-19; đã có sẵn dữ liệu dân số; và lần cập nhật dữ liệu cuối cùng là trong vòng 3 ngày trước hoặc vào ngày 3/9/2021”.

Các nhà nghiên cứu viết: “Trong 7 ngày trước ngày 3/9/2021, chúng tôi đã tính toán số ca COVID-19 trên 1 triệu người cho mỗi quốc gia cũng như tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ”.

Trong dữ liệu về các quận của Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu chính thức từ nhóm COVID-19 của Nhà Trắng, không bao gồm các quận “không báo cáo dữ liệu % dân số được tiêm chủng đầy đủ”. Kết quả là họ thu được 2.947 điểm dữ liệu cho phân tích của mình.

Hai nhà khoa học cũng lưu ý rằng nghiên cứu đã tính toán tỷ lệ phần trăm các ca mắc COVID gia tăng "dựa trên sự khác biệt về số các trường hợp trong 7 ngày cuối cùng và 7 ngày trước đó".

Kết quả phân tích thu được hoàn toàn trái ngược với tường thuật về tác dụng của vaccine được các tác giả trích dẫn trong phần mở đầu của nghiên cứu: “Ở cấp quốc gia, dường như không có mối quan hệ rõ ràng nào giữa tỷ lệ phần trăm dân số được tiêm chủng đầy đủ và các trường hợp COVID-19 mới trong 7 ngày qua”.

Họ viết thêm: “Trên thực tế, đường xu hướng cho thấy một mối liên quan đôi chút rõ ràng là các quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ cao hơn có tỷ lệ các trường hợp mắc COVID-19 trên 1 triệu người cao hơn”.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục: “Đáng chú ý, Israel với hơn 60% dân số được tiêm chủng đầy đủ đã có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trên 1 triệu người trong 7 ngày qua”.

“Việc thiếu mối liên hệ có ý nghĩa giữa tỷ lệ phần trăm dân số được tiêm chủng đầy đủ và các ca nhiễm COVID-19 mới được minh chứng rõ ràng hơn, chẳng hạn khi so sánh giữa Iceland và Bồ Đào Nha. Cả hai quốc gia đều có trên 75% dân số được tiêm chủng đầy đủ và có nhiều trường hợp mắc COVID-19 trên 1 triệu người hơn so với các quốc gia như Việt Nam và Nam Phi chỉ có khoảng 10% dân số được tiêm chủng đầy đủ”.

Sau đây là dữ liệu về một số trường hợp cụ thể:

  • Hoa Kỳ - 3.039 ca / 1 triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 51,91%
  • Israel - 6.224 ca / 1 ​​triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 62,51%
  • Mông Cổ - 4.745 ca / 1 triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 62,99%
  • Síp - 1.800 ca / 1 triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 58,85%
  • Hy Lạp - 1.661 ca / 1 triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 55,43R
  • Iceland - 1.202 ca / 1 triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 76,82%
  • Ấn Độ - 182 ca / 1 ​​triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 10,9%
  • Việt Nam - 820 ca / 1 ​​triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 2,78%
  • Đài Loan - 2,2 ca / ​​1 triệu dân - tỷ lệ tiêm chủng 3,93%

Hiện tượng tương tự ở các quận của Hoa Kỳ

Nghiên cứu đã chỉ ra một hiện tượng tương tự trong phân tích các quận của Hoa Kỳ: "Đáng chú ý là cũng có sự thay đổi đáng kể của các quận trong các trường hợp COVID-19 mới theo tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ”.

Trong một biểu đồ dữ liệu, nghiên cứu cho thấy rằng số ca trên 100.000 người trong 7 ngày trước đó là từ 600 đến 1.000 ở các quận có tỷ lệ tiêm chủng vaccine từ 50 đến 70% trở lên.

Hai nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng dữ liệu nguy cơ lây truyền dịch bệnh của chính Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) mâu thuẫn với báo cáo chính thức của tổ chức này: “Trong số 5 quận hàng đầu có tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ cao nhất (99,9–84,3%), CDC xác định 4 trong số đó là “các quận có khả năng lây truyền 'Cao'”.

“Ngược lại, trong số 57 quận đã được CDC phân loại là các quận có khả năng lây truyền thấp, 26,3% (15 quận) có tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ dưới 20%”.

Để bổ chính lại kết quả nghiên cứu khi cân nhắc rằng tình trạng tiêm chủng đầy đủ dự kiến ​​chỉ được tính từ ngày thứ 14 sau khi nhận được liều thứ hai, các nhà nghiên cứu “đã tiến hành phân tích độ nhạy bằng cách sử dụng độ trễ 1 tháng trên tỷ lệ phần trăm dân số được tiêm chủng đầy đủ ở các quốc gia và các quận của Hoa Kỳ”.

Lần này, các nhà khoa học vẫn quan sát thấy không có mối liên hệ rõ ràng giữa các trường hợp COVID-19 mới và mức độ tiêm chủng đầy đủ.

Hai nhà nghiên cứu kết luận, “Các biện pháp can thiệp dùng thuốc và không dùng thuốc khác có thể cần được thực hiện cùng với việc tăng tỷ lệ tiêm chủng. Việc điều chỉnh quá trình như vậy, đặc biệt là liên quan đến câu chuyện chính sách, trở nên quan trọng với bằng chứng khoa học mới nổi về hiệu quả thực tế của vaccine”.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu dựa trên một nghiên cứu từ Bộ Y tế Israel cho thấy việc tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Pfizer chỉ có hiệu quả 39%, thấp hơn rất nhiều so với 96% được chứng minh trong thử nghiệm.

Trích dẫn một nghiên cứu đăng ngày 25/8 đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe ẩn danh từ một trong 4 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bắt buộc của Israel, bài báo cho biết: “Cũng đang nổi lên rằng khả năng miễn dịch có được từ vaccine Pfizer-BioNTech có thể không mạnh bằng khả năng miễn dịch có được thông qua quá trình phục hồi từ virus COVID-19”.

Kết luận cũng bày tỏ mối quan ngại với những phát hiện gần đây rằng loại vaccine liệu pháp gen mới chỉ có thể cung cấp kháng thể trong vòng sáu tháng.

Các nhà khoa học cảnh báo: “Tóm lại, ngay cả khi cần nỗ lực để khuyến khích người dân đi tiêm chủng, thì điều đó cũng nên được thực hiện với sự khiêm tốn và tôn trọng. Việc kỳ thị dân chúng có thể gây hại nhiều hơn lợi”.

Hai nhà khoa học đã kết thúc nghiên cứu với việc nhấn mạnh vào việc tiếp cận một cách hợp lý với dịch bệnh: “Điều quan trọng là các nỗ lực phòng ngừa không dùng thuốc khác (ví dụ: tầm quan trọng của vệ sinh sức khỏe cộng đồng cơ bản liên quan đến việc duy trì khoảng cách an toàn hoặc rửa tay, những việc này có thể đẩy mạnh thường xuyên dễ hơn và rẻ hơn các hình thức xét nghiệm) cần được đổi mới để đạt được sự cân bằng giữa việc học cách sống chung với COVID-19 giống như cách chúng ta tiếp tục sống 100 năm sau với các biến đổi theo mùa khác nhau của vi rút Cúm 1918”.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu trên 68 quốc gia: 'Không có mối liên hệ rõ ràng' giữa tỷ lệ tiêm chủng và sự gia tăng các trường hợp COVID-19 mới