Người Solegas - bộ tộc cùng tồn tại hòa hợp với hổ như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ tộc người bán du mục Solega từ trước tới nay đã có thể chung sống với các loài động vật hoang dã trong nhiều thế kỷ. Điều khiến người ta không khỏi kinh ngạc là bí quyết để sống an toàn với động vật hung dữ đặc biệt là hổ.

Nơi sinh sống của người Solega, giữa thảm thực vật dày đặc của đồi Biligiriranga ở Ấn Độ, được bao quanh bởi hệ động thực vật đa dạng sinh học nhất. Những người bán du mục này từ xưa đã có thể chung sống với các loài động vật hoang dã trong nhiều thế kỷ nhờ vào kiến ​​thức sinh thái học phong phú của họ.

Mối nguy hiểm tiềm tàng mà động vật hoang dã gây ra đối với con người dường như không gây ảnh hưởng gì đáng kể đối với người dân Solega. Sau nhiều năm quan sát thiên nhiên, bộ tộc hiểu được vai trò quan trọng của từng loài động vật - hổ, báo, voi và gấu lười - đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn khu rừng. Họ ủng hộ và thúc đẩy sự gia tăng dân số của các loài vật đó, đặc biệt là loài hổ.

Người Solegas tin rằng động vật đại diện cho các vị Thần riêng biệt

Theo văn hóa dân gian và truyền thống của Solega, mọi thứ trong tự nhiên đều sống động và mang ý nghĩa tâm linh riêng biệt. Người Solegas tin rằng động vật là biểu hiện của các vị thần và việc làm hại chúng tương đương với một tội lỗi lớn có thể mang lại rắc rối và hình phạt cho kẻ gây án.

“Về loài hổ, chúng tôi tin rằng đó là con vật của Thần Madeswara (thần tạo ra người Solegas). Nếu chúng ta làm hại con vật đó, chính Madeswara sẽ trừng phạt chúng ta. Nếu chúng tôi giết con vật đó, Madeswara sẽ trừng phạt chúng tôi. Hãy để động vật sống yên ổn”, một thành viên của Solega nói trong một cuộc phỏng vấn cho một bài báo nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và động vật hoang dã.

Đối với Solegas, con hổ là Đấng Tạo hóa của họ, Madeswara.
Đối với Solegas, con hổ là Đấng Tạo hóa của họ, Madeswara. (Hình ảnh: Pixabay qua Pexels)

Động vật không chỉ đại diện cho các vị thần riêng biệt, mà còn giúp cho chúng giữ được nét đặc trưng của mình. Người Solegas đã thấy rằng mỗi khi họ mắc lỗi, động vật sẽ tiến lại gần họ và chúng sẽ không rời đi cho đến khi họ thực hiện một nghi lễ xoa dịu để ăn năn trước các vị Thần. Họ tin rằng nếu họ sống một cuộc sống trung thực không có tội lỗi, các vị thần của họ sẽ ban thưởng và bảo vệ họ khỏi những loài động vật nguy hiểm.

Sống trong rừng đã giúp cho người Solegas sở hữu kiến ​​thức bách khoa về động vật hoang dã. Với kinh nghiệm dày dặn, họ có thể xác định mùi của hầu hết các loài động vật và hiểu được tâm trạng của một con voi qua cách nó biểu hiện qua cái vòi của mình.

Trong cuộc trò chuyện với những con chim, người Solega biết khi nào chim gõ kiến ​​đang cảnh báo họ rằng có một con vật nguy hiểm đang ở gần đó hoặc hướng dẫn họ đi theo một con đường an toàn. Trong tình huống này, người Solegas đáp lại bằng một tiếng huýt sáo để cảm ơn và biểu lộ tình cảm với con chim.

Trong văn hóa dân gian Solega, chim là loài vật đầu tiên báo hiệu sự có mặt hay vắng mặt của kẻ săn mồi. Đặc biệt, loài chim gõ kiến ​​phát ra âm thanh gõ khi bộ lạc chuẩn bị đi tới một con khu vực có con vật nguy hiểm đang chờ đón.

Qua nhiều thế hệ, bộ tộc này đã phát triển một lối sống hài hòa, tôn trọng chu kỳ của tự nhiên. Lòng tốt của họ đối với những “cư dân của khu rừng” được thể hiện trong một phong tục đặc biệt khi thu hoạch mật ong.

Sau khi trèo lên cây cao để lấy tổ ong, người Solegas đưa tổ ong trống xuống đất để những con hổ không thể trèo cây có thể ăn được. Họ nói: “Một con hổ sẽ đến và ăn tổ ong. Chúng tôi chỉ việc vắt mật và rời đi, còn hổ thì tới ăn tổ ong”.

Solegas - người bảo vệ thiên nhiên giàu kinh nghiệm

Trước khi “bảo tồn sinh học” trở thành một thuật ngữ, người Solega đã biết cách bảo vệ sự đa dạng sinh học của khu rừng. Họ đã sử dụng một cách thức đốt rác như một kỹ thuật truyền thống để luân canh cây trồng của họ.

Những ngọn lửa do bộ tộc tạo ra dùng để kiểm soát sự phát triển của một loài thực vật xâm lấn kỳ lạ có tên là Lantana camara. Khi loại thảo mộc lây lan nhanh chóng này được bảo tồn và phát triển, nó sẽ chặn các khu vực trong rừng, khiến con người và động vật khó di chuyển hơn trong rừng. Những người Solega cũng cảm thấy mình không thể tiếp cận các nguồn thức ăn trong một số khu vực.

Hoa của Lantana camara. (Ảnh: কামরুল ইসলাম শাহীন qua Wikimedia Commons)
Hoa của Lantana camara. (Ảnh: কামরুল ইসলাম শাহীন qua Wikimedia Commons)

Ngoài ra, sự thống trị của loài thực vật Lantana làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài thực vật khác và có thể khiến động vật có vú mắc kẹt giữa các nhánh cây của nó, do đó đe dọa sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái này. Hơn nữa, theo người Solega, loài thực vật này cản trở dòng chảy tự nhiên của nước mưa đến các vùng nước khác.

Trớ trêu thay, dưới nhân danh bảo tồn, chính phủ đã tuyên bố khu rừng là khu bảo tồn động vật hoang dã, cấm người Solegas áp dụng kỹ thuật đốt lửa truyền thống của họ để ngăn chặn sự lây lan của loài thực vật Lantana xâm lấn. Sự phát tán của loài thực vật này sau đó đã làm suy giảm hệ sinh thái địa phương.

Những người bản địa, sau khi chứng kiến ​​những thay đổi sinh thái bất lợi trong những thập kỷ qua, đã giải thích những chính sách này ảnh hưởng đến quần thể hổ như thế nào: “Xung quanh đây từng có hổ… nếu muốn số lượng hổ tăng lên, trước tiên chúng ta cần đảm bảo rằng có đủ đồng cỏ. Sau đó, chúng ta mang về những động vật ăn cỏ, và cuối cùng là hổ. Hổ sẽ chỉ quay lại nếu chúng ta làm điều này. Khu vực không có cỏ, không có động vật ăn cỏ thì sẽ không có hổ sinh sống".

Trục xuất bất hợp pháp và thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông

Đồi Biligiriranga.
Đồi Biligiriranga. (Ảnh: Prashanthns qua Wikimedia Commons)

Khi khu rừng được tuyên bố là khu bảo tồn động vật hoang dã vào năm 1974, những người Solegas đã bị đuổi khỏi rừng và buộc phải định cư lâu dài trong các ngôi làng, sau khi bị buộc tội đe dọa quần thể hổ rừng. Theo Survival, một tổ chức phi lợi nhuận về quyền của người bản địa, những người không chịu rời rừng đã bị các quan chức lâm nghiệp bỏ tù, tra tấn và bắn chết.

Sau khi di dời, có một tin đồn được lan truyền rằng khi những người Solegas sống trong rừng, họ có một cuộc sống khó khăn và sợ hãi bởi những loài động vật nguy hiểm. Ngoài ra, các báo cáo chính thức được công bố cho thấy số lượng hổ đã tăng lên kể từ khi bộ lạc bị trục xuất.

Tuy nhiên, các tổ chức bản địa đã lên tiếng làm rõ rằng, không phải họ sợ hãi hay là mối đe dọa đối với hổ, người Solegas là những người bảo vệ loài hổ, vì loài hổ mang ý nghĩa tinh thần đặc biệt trong tín ngưỡng của họ.

Sau nhiều năm, người Solegas cuối cùng cũng trở thành bộ tộc đầu tiên được cấp quyền sống trong khu bảo tồn tự nhiên. Theo Đạo luật Quyền của Rừng, bộ lạc này được phép trở lại và bảo vệ khoảng 60% rừng.

Các nghiên cứu tiếp theo cho biết rằng trong 4 năm sau khi người Solegas được phép quay trở lại, số lượng hổ rừng đã tăng gần gấp đôi. Sự gia tăng này vượt xa tốc độ phát triển của quần thể hổ trên toàn quốc, khiến công chúng đặt câu hỏi về độ tin cậy của các báo cáo chính thức được công bố khi Đạo luật Bảo vệ Động vật Hoang dã lần đầu tiên được thực thi.

Ngọc Mai

Theo Visiontimes

Khoa học


BÀI CHỌN LỌC

Người Solegas - bộ tộc cùng tồn tại hòa hợp với hổ như thế nào?