Nhà vật lý thiên văn bị nam châm kẹt trong mũi khi đang chế tạo thiết bị để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tối ngày 26/3, trong khi nỗ lực sáng chế ra một thiết bị giúp ngăn mọi người chạm vào mặt để làm giảm sự lây lan của virus Corona Vũ Hán (COVID-19), một nhà vật lý thiên văn người Úc đã bị bốn viên nam châm kẹt trong mũi và phải đưa vào bệnh viện, theo The Guardian.

Để giảm bớt sự nhàm chán trong khi tự cách ly với 4 viên nam châm, Tiến sĩ Daniel Reardon, một nhà nghiên cứu về các sao xung (pulsar) và sóng hấp dẫn tại Đại học Swinburne, Melbourne đã gặp phải một tai nạn khi đang chế tạo một chiếc vòng cổ đặc biệt - có thể phát ra âm thanh báo động khi người đeo nó chạm tay vào mặt của họ.

Nhà vật lý thiên văn nói với Guardian Australia: “Tôi có một số thiết bị điện tử nhưng thực sự không có kinh nghiệm hay chuyên môn trong việc tạo dựng các mạch điện hay vật dụng”.

“Tôi đã có một phần để phát hiện từ trường. Tôi nghĩ rằng nếu tôi chế tạo một mạch điện có thể phát hiện từ trường và khi chúng ta đeo nam châm trên cổ tay thì nó có thể báo động nếu bạn đưa tay quá gần mặt bạn. Một chút buồn chán trong khi tự cách ly khiến tôi nghĩ về điều này”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu nhận ra rằng phần mạch điện mà anh đã làm có chức năng ngược lại - chỉ đóng mạch khi không có từ trường.

Anh nói: “Tôi vô tình phát minh ra một chiếc vòng cổ kêu liên tục trừ khi bạn đưa tay lại gần mặt”.

“Sau khi bỏ ý tưởng đó, tôi vẫn thấy hơi chán, và quay ra chơi với các viên nam châm. Đó là logic tương tự như việc kẹp vào tai bạn. Tôi kẹp chúng các vào dái tai và sau đó kẹp chúng vào lỗ mũi của tôi và mọi thứ xấu đi khá nhanh khi tôi kẹp nam châm vào lỗ mũi còn lại”.

Tiến sĩ Reardon cho biết anh đã đặt 2 viên nam châm bên trong lỗ mũi và 2 viên ở bên ngoài. Khi anh ta tháo 2 viên nam châm bên ngoài ra khỏi mũi, thì 2 viên bên trong dính vào nhau. Nhà nghiên cứu sau đó đã cố gắng sử dụng các nam châm còn lại của mình để loại bỏ chúng.

Anh nói với Guardian Australia: “Tại thời điểm đó, vợ của tôi - người làm việc tại một bệnh viện - đã cười nhạo tôi. Tôi đã cố gắng kéo chúng ra nhưng có một gờ ở dưới mũi không thể vượt qua. Sau khi vật lộn trong 20 phút, tôi quyết định tra Google và tìm thấy một bài viết về một cậu bé 11 tuổi có cùng vấn đề. Giải pháp trong bài viết đó là dùng nhiều viên nam châm hơn đặt bên ngoài để bù đắp lực hút của những viên bên trong”.

Anh đặt 2 viên nam châm ở bên ngoài mũi trái. Thật không may, trong khi anh đang kéo 2 viên nam châm này xuống để hút viên bên trong ra, chúng bị hút vào nhau. Cuối cùng, thêm 2 nam châm kẹt ở lỗ mũi trái của anh trong khi viên còn lại ở bên phải. Lúc này anh đã hết nam châm. Trước khi đến bệnh viện, tiến sĩ Reardon đã cố gắng dùng kìm để kéo các nam châm ra, nhưng kìm bị hút bởi từ tính của nam châm bên trong mũi.

Anh nói: “Mỗi lần tôi đưa kìm đến gần mũi, toàn bộ mũi của tôi sẽ dịch chuyển về phía kìm và sau đó kìm sẽ dính vào nam châm. Lúc đó, mũi của tôi hơi đau một chút”.

Vợ của anh đã đưa anh đến bệnh viện mà cô làm việc. Các bác sĩ nghĩ rằng tai nạn này khá buồn cười và đưa ra những bình luận kiểu như “Đây là một chấn thương do tự cách ly và buồn chán”. Tại bệnh viện, một nhóm gồm hai bác sĩ đã xịt thuốc gây tê và dùng tay lấy nam châm ra khỏi mũi của Reardon. Sau đó, anh cho biết rằng anh sẽ không chơi với nam châm nữa và sẽ tìm việc khác để giải tỏa sự buồn chán.

Anh nói với Guardian Australia: “Khi họ lấy 3 viên ra khỏi lỗ mũi trái, viên cuối cùng rơi xuống họng tôi. Điều này có thể là một vấn đề nếu tôi nuốt hoặc hít vào, nhưng rất may tôi có thể nghiêng về phía trước và ho cho nó ra khỏi cổ họng... Chắc chắn tôi sẽ không chơi với nam châm nữa... Tôi thực ra đang làm rất nhiều việc. Làm việc từ xa không phải là xấu. Chúng tôi cũng đang cải tạo ngôi nhà của mình, vì vậy tôi đang đóng kệ, làm đồ nội thất và làm một số ốp lát”.

Sáng nay (30/3), nước Úc xác nhận ca tử vong đầu tiên do virus Corona Vũ Hán - một phụ nữ khoảng 80 tuổi sống ở đảo Tasmania. Giới chức Y tế của bang New South Wales xác nhận có thêm 127 ca nhiễm virus mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại tiểu bang này lên 1.918 ca, theo ABC News. Như vậy, với số ca mắc COVID-19 mới ở bang New South Wales, nước Úc đã có tổng cộng 4.107 ca nhiễm bệnh.

Văn Thiện

Theo The Guardian



BÀI CHỌN LỌC

Nhà vật lý thiên văn bị nam châm kẹt trong mũi khi đang chế tạo thiết bị để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán