Nhiều cố vấn phòng chống dịch Covid của chính phủ Anh bị đe dọa và lăng mạ nặng nề

Giúp NTDVN sửa lỗi

Guardian đã gửi câu hỏi khảo sát tới hơn 100 nhà khoa học, bác sĩ và các nhà nghiên cứu khác, những người đã cố vấn cho các bộ trưởng y tế thông qua các cơ quan, như: Nhóm cố vấn khoa học về các trường hợp khẩn cấp của chính phủ (SAGE); Phân nhóm khoa học hành vi và mô hình hóa hỗ trợ cho SAGE; Nhóm cố vấn về các mối đe dọa virus đường hô hấp mới và đang phát triển của Anh (NERVTAG), và Ủy ban Hỗn hợp Tiêm chủng và Vaccine (JCVI). Phần trả lời đã được ẩn danh. Kết quả khảo sát của Guardian cho thấy nhiều nhà cố vấn khoa học và nhân viên y tế của chính phủ Vương quốc Anh đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Hàng chục nhà cố vấn phòng chống dịch Covid của chính phủ Vương quốc Anh cho biết họ bị tấn công bởi những lời lăng mạ và đe dọa nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mệnh. Đối tượng đe dọa còn chụp hình nhà của họ và lan tỏa trên các mạng xã hội, gửi các gói hàng khả nghi với các thông điệp đầy tính bạo lực.

Các hành vi tấn công khác như viết các dòng tweet, gửi email, thư hay gọi điện thoại với những lời lẽ chỉ trích cay độc, đe dọa bạo lực, chuyển những khiếu nại của người lao động đối với người sử dụng lao động, gửi yêu cầu đến cơ quan giám sát của Hội đồng Y khoa, gắn những lời nhục mạ lên xe hơi,... Cảnh sát đã buộc tội được một số ít cá nhân có liên quan đến các hành vi đe dọa này.

Mục tiêu không chỉ nhắm vào các thành viên cố vấn y tế, đối tượng đe dọa còn nhắm đến cả các thành viên trong gia đình họ như vợ, chồng, con cái. Một chuyên gia tư vấn và cũng là một bác sĩ đa khoa cho biết nhân viên tiếp nhận và làm thủ tục cho các ca phẫu thuật của họ đã phải hứng chịu những cuộc gọi với lời sỉ nhục đê hèn.

Trường hợp khác, con của một chuyên viên y tế liên tục bị giáo viên đổ lỗi cho phụ huynh về chính sách giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Vì kết quả học tập của con phụ thuộc vào đánh giá của giáo viên nên gia đình chưa có khiếu nại chính thức.

George Freeman, bộ trưởng khoa học, cho rằng những lời lăng mạ thật tồi tệ. Ông nói: “Tất cả chúng ta, những người coi trọng quyền tự do và dân chủ cần kêu gọi làm rõ… Các nhà khoa học và bác sĩ không phải chịu trách nhiệm về các quyết định của các bộ trưởng, không như việc bộ trưởng chịu trách nhiệm trước quốc hội”.

George Freeman, bộ trưởng khoa học Vương quốc Anh.
George Freeman, bộ trưởng khoa học Vương quốc Anh. (Ảnh: Wikipedia)

Kết quả nghiên cứu hay quan điểm của các nhà khoa học sau khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông hoặc phát biểu tại các sự kiện mở thường là mục tiêu nhắm tới của những người tấn công. Giáo sư John Edmunds, một nhà dịch tễ học tại Trường y học nhiệt đới & vệ sinh dịch tễ London, đồng thời cũng là thành viên của SAGE, cho biết ông và các nhân viên cấp dưới thường xuyên bị tấn công bởi các email với lời lẽ thô tục. Ông viết: “Nếu bạn đề cập đến vấn đề tiêm chủng trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là tiêm chủng cho trẻ em, thì chắc chắn sẽ nhận được phản ứng”.

Một nhà cố vấn khác đã nhận được lời đe dọa sát hại trên Twitter, sự việc này đã được báo cáo với cảnh sát. Bất cứ khi nào người này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đều phải trả qua "làn sóng lăng mạ dữ dội".

Một bác sĩ cho biết: “Rất nhiều lời lăng mạ là do hiểu sai lệch. Tôi chưa bao giờ trải qua tình trạng này trước đây. Tôi chỉ đang cố gắng làm những gì tốt nhất có thể để ngăn mọi người tránh khỏi tử vong”. Mặc dù các nhà cố vấn không tham gia vào các quyết định chính sách.

Những người tấn công cảm thấy mình bị đe dọa bởi phản ứng của chính phủ đối với đại dịch hơn là chính đại dịch. Nhiều nhà cố vấn cho biết mức độ họ bị lăng mạ lên đến đỉnh điểm bất cứ khi nào họ nói công khai về khẩu trang, vaccine, phương pháp điều trị Covid, quy định mới khắt khe hơn về giãn cách xã hội,... Có nghĩa, lời hăm dọa gia tăng cùng với sự lan rộng của biến thể Omicron.

Sự gia tăng các hành vi đe dọa đã khiến các chuyên gia an ninh của chính phủ phải hướng dẫn các nhà cố vấn cách tốt nhất để bảo vệ chính họ, như tăng cường bảo mật máy tính, nâng cao an toàn cá nhân bằng cách thay đổi thời gian đi làm, thay đổi tuyến đường và kiểm tra gầm xe trước khi lái xe.

Một số nhà cố vấn đã được hỗ trợ kiểm tra an ninh tại nhà ở và nơi làm việc, đồng thời lắp đặt hệ thống báo động liên kết với đồn cảnh sát địa phương, hệ thống camera giám sát 24/24,. Một số trường đại học đã thuê công ty an ninh tư nhân để giúp các giáo sư hoạt động an toàn và đảm bảo những người vận động và biểu tình không làm gián đoạn công việc của họ. Các chuyên gia an ninh mạng của chính phủ đã xóa một số tài liệu nhạy cảm đăng trực tuyến, nhưng điều này không phải lúc nào cũng khả thi.

Các phương tiện truyền thông chính thống đôi khi thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền bằng cách nhấn mạnh các tình huống xấu nhất. Nhiều nhà cố vấn đã trình báo những lời lẽ đầy hận thù mà họ nhận được qua Twitter và email, những nội dung như: "Tôi muốn gia đình ông phải chết", "Tôi hy vọng những kẻ khốn nạn như ông sẽ phải chịu trách nhiệm", "Ông phải trả tiền cho việc giết con của chúng tôi bằng vaccine", "Ông hãy quay về nơi chết tiệt nhà ông”...

Cuộc khảo sát của The Guardian không cho thấy phụ nữ bị lăng mạ nhiều hơn nam giới, nhưng một số ít các nhà chuyên môn là nữ sẵn sàng chia sẻ những điều họ đã phải trải qua. Nhiều đồng nghiệp nam bày tỏ sự thất vọng trước mức độ và tính chất của hành vi lăng mạ nhắm vào phụ nữ.

Bất chấp làn sóng lăng mạ tràn lan, một số nhà khoa học nhấn mạnh rằng họ cũng nhận được những lời khen ngợi, cảm ơn và ủng hộ từ công chúng, điều này đã giúp họ cân bằng lại sức khỏe. Một nhà khoa học cho biết: “Lời khen ngợi như liều vaccine giúp chúng tôi chống lại sự căm ghét”.

Chi Onwurah, bộ trưởng khoa học của đảng đối lập cho biết, các cuộc tấn công nhắm vào các nhà khoa học là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và dự luật An toàn trực tuyến của Chính phủ Anh rất cần thiết để chống lại các thông tin sai lệch.

Trong khi nhiều nhà khoa học ngợi khen Văn phòng Nội các và Ban thư ký SAGE đã thiết lập được “cơ chế hỗ trợ mở rộng”, họ nhận được lời cảnh báo và lời khuyên bảo mật khi đăng ký tham gia cơ chế này.

Sự đe dọa đã khiến một số nhà khoa học phải từ chối các cuộc phỏng vấn và rút lui khỏi các cuộc thảo luận công khai. Nhưng hầu hết nhà khoa học đều cho rằng việc lăng mạ không làm họ sợ hãi, nhưng họ có cảm thấy khó chịu. Một nhà khoa học cho biết: “Có lẽ nó còn thúc đẩy tôi tham gia tích cực hơn nữa. Rõ ràng, tiếng nói của tôi đã được lắng nghe và có tác động”.

Một nhà khoa học khác nói: “Nếu chúng ta ngừng lên tiếng và ngừng đưa ra lời tư vấn, thông tin sai lệch sẽ lấp đầy khoảng trống đó,… Chúng ta có đồng ý, cho phép điều đó xảy ra và mạo hiểm tính mạng của mọi người không?".

Theo The Guardian

May May



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều cố vấn phòng chống dịch Covid của chính phủ Anh bị đe dọa và lăng mạ nặng nề