‘Nhịp đập’ của Trái đất là 27,5 triệu năm mỗi lần, nhưng tại sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geoscience Frontiers, các nhà nghiên cứu từ New York và California đã giúp xác định một thực tế có ý nghĩa to lớn đối với chúng ta: Trái đất có “nhịp đập", hoặc các đỉnh hoạt động địa chất thường xuyên. Họ xác định được các xung nhịp một phần bằng cách xem xét các vụ tuyệt chủng hàng loạt trước đây, điều mà chúng ta rất quan tâm vì Trái đất vẫn đang là hành tinh duy nhất mà con người sinh sống.

Nhiều người lầm tưởng rằng có vẻ như công việc của các nhà địa chất chỉ là nghiên cứu một loạt các tảng đá cổ. Thực tế là họ xem xét lại hồ sơ địa chất trên hành tinh của chúng ta để hiểu cách chúng ta đến đây và những gì chúng ta có thể mong đợi tiếp theo đối với sự sống trên Trái đất.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ mới nhất để phân tích 89 sự kiện địa chất trong 260 triệu năm lịch sử của Trái đất. Sau đó, họ sử dụng một kỹ thuật thống kê được gọi là phân tích Fourier để xác định xem có bất kỳ hình thái nào về tần suất và tính nhất quán của dữ liệu hay không.

Khi tất cả các con số được tổng hợp lại, hóa ra có một mô hình và nó nằm chính xác trong phạm vi do các nhà nghiên cứu trước đây đề xuất. Các sự kiện đó bao gồm: "sự tuyệt chủng ở biển và ngoài biển, sự kiện thiếu khí đại dương, dao động mực nước biển, phun trào bazan ngập lục địa, [và] xung của magmatism trong mảng”. Những sự kiện địa chất này xảy ra khoảng 27,5 triệu năm một lần. Trong khi đó, những nghiên cứu trước đây cho rằng mỗi xung của Trái đất cách nhau từ 26,4 đến 30 triệu năm.

Các nhà nghiên cứu của NYU phát hiện ra rằng các sự kiện địa chất toàn cầu thường tập hợp ở 10 mốc thời gian khác nhau trong 260 triệu năm, được nhóm lại thành các đỉnh hoặc xung cách nhau khoảng 27,5 triệu năm. (Ảnh: Rampino và cộng sự, Geoscience Frontiers)
Các nhà nghiên cứu của NYU phát hiện ra rằng các sự kiện địa chất toàn cầu thường tập hợp ở 10 mốc thời gian khác nhau trong 260 triệu năm, được nhóm lại thành các đỉnh hoặc xung cách nhau khoảng 27,5 triệu năm. (Ảnh: Rampino và cộng sự, Geoscience Frontiers)

Các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân của xung nhịp

Mặc dù chắc chắn rất thú vị khi có một điểm dữ liệu khác cho thấy có một nhịp điệu nhất quán đối với các chu kỳ hoạt động - và sự sống - trên Trái đất, nhưng các nhà nghiên cứu trong công trình này vẫn chưa hiểu rõ lý do tại sao Trái đất lại có nhịp đập.

Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu đề xuất một số ý tưởng. Một ý kiến cho rằng các vật chất bên trong và trên Trái đất (hoạt động magma, hoạt động kiến tạo và biến đổi khí hậu) có thể giải thích mô hình tuần hoàn. Các ý kiến khác chỉ ra những thay đổi nhất quán trong chu kỳ quỹ đạo của hành tinh chúng ta và thực tế là hệ Mặt trời của chúng ta cũng có chuyển động theo chu kỳ trong thiên hà Milky Way khoảng 30 triệu năm một lần.

Một giả thuyết thú vị khác để giải thích xung của Trái đất cho rằng nó có thể liên quan đến vật chất tối trong vũ trụ. Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng sự gia tăng vật chất tối có thể giải thích cho sự gia tăng hoạt động thiên văn như thiên thạch và tiểu hành tinh, cũng như hoạt động núi lửa trên Trái đất. Những điều này có thể dẫn đến các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt giống như những gì được đo trong nghiên cứu - mặc dù các nhà khoa học vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về vật chất tối trước khi họ có thể bắt đầu xác định xem đây có phải là nguyên nhân khả thi cho nhịp đập trên hành tinh của chúng ta hay không.

Bất kể nguyên nhân là gì, nghiên cứu này cho thấy rằng: cứ sau 27,5 triệu năm, chúng ta có thể mong đợi sự gia tăng hoạt động địa chất vốn thường dẫn đến tuyệt chủng hàng loạt. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải sợ hãi, vì 27,5 triệu năm là một khoảng thời gian rất dài đối với loài người. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng xung tiếp theo sẽ xảy ra vào khoảng 20 triệu năm nữa trong tương lai.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

‘Nhịp đập’ của Trái đất là 27,5 triệu năm mỗi lần, nhưng tại sao?