Núi Kailash: Thánh địa bất khả xâm phạm, giao thoa giữa Thiên đường và Hạ giới của người Tây Tạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thần thoại, núi Kailash là trục Trái đất hay chiếc thang dẫn lên trời, nơi giao thoa giữa Thiên đường và Hạ giới. Trong Ấn Độ giáo, núi Kailash được coi là nơi ở của Thần Shiva. Phật giáo lại cho rằng, Đức Phật đã từng sống ở đây.

Trên khắp thế giới nhân loại đều có truyền thống sùng bái thần thánh. Ngọn núi thần của người Hy Lạp cổ đại là đỉnh Olympia, núi thần của người Do Thái là đỉnh Sinai, núi thần của người Hán là đỉnh Côn Luân, còn đối với người Tây Tạng, ngọn núi Kailash được xem là cửa ngõ vào cõi vô hình thứ 7 của các vị Thần vĩ đại.

Vùng đất thuỷ tổ của sinh mệnh

Thực tế, núi Kailash nằm trong dãy Himalaya và cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng hơn 1.000 km về hướng Tây với độ cao 6.714m so với mực nước biển. Hình dáng kỳ diệu của nó lại chính là biểu tượng của Phật giáo: Mandala, nghĩa là vũ trụ thu nhỏ, cũng có nghĩa là hội tụ phúc đức và trí huệ. Thân núi phía Nam có tầng tầng đá phẳng, tạo thành bậc thang có thể thông đến thiên đình.

Theo truyền thuyết địa phương, núi Kailash là "trung tâm của thế giới", ngoại trừ các vị Thần, không người phàm nào có thể leo lên nó. Kailash là địa điểm linh thiêng được tôn sùng nhất trong giới những người hành hương suốt hơn 15.000 năm qua bởi đây là một siêu thánh địa của cả bốn nền tôn giáo: Đạo Phật, Đạo Hindu, Đạo Jains và Đạo Bonpo, với hàng tỉ tín đồ.

Theo truyền thuyết Phật giáo, đây là nơi có thể tìm thấy thành phố của các vị Thần, là một thánh địa lưu giữ kho tàng tri thức huyền bí của cổ nhân, hay còn được gọi là núi Tu Di. Truyền rằng Đức Phật và 500 vị A-la-hán đã bay từ Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) đến núi Kailash.

Không được phép nhìn thấy thần

Nằm trong dãy Himalaya và cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng hơn 1.000 km về hướng Tây là núi thiêng Kailash với độ cao 6.714m so với mực nước biển. (Ảnh: Pixabay)
Nằm trong dãy Himalaya và cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng hơn 1.000 km về hướng Tây là núi thiêng Kailash với độ cao 6.714m so với mực nước biển. (Ảnh: Pixabay)

Trong tất cả các văn tự cổ đại của Tây Tạng đều cảnh báo rằng: “Không người phàm nào được phép bước lên đỉnh núi Kailash, giữa những đám mây, là nơi ở của các vị thần. Người nào dám lên đỉnh núi thánh và nhìn thấy các vị thần đều sẽ chết!”.

Vào những thập kỷ gần đây, một số nhóm leo núi đã liều lĩnh chinh phục đỉnh núi Kailash. Tuy nhiên, họ đều đối mặt với sự thay đổi thời tiết đột ngột, những trải nghiệm kỳ lạ, không thể giải thích và phải quay lại.

Năm 1980, một nhà thám hiểm nổi tiếng được phép chinh phục đỉnh Kailash nhưng từ bỏ ý định vào phút chót bởi chinh phục ngọn núi này có nghĩa là chinh phục thứ quan trọng nhất trong tâm linh nhân loại.

Năm 1998, một nhóm thám hiểm đã đến để khảo sát núi Kailash. Khi họ nhìn các bức ảnh chụp của người dân địa phương đã vô cùng choáng ngợp. Bởi vì ngọn núi này chính là một kim tự tháp vĩ đại được đặt trên đỉnh núi Kailash.

Tuy nhiên trong quá trình leo núi, đoàn thám hiểm luôn lờ đờ, cảm giác muốn ngủ và cuối cùng họ phải quay lại giữa chừng vì bị lạc. Đặc biệt, sau đó họ xuất hiện hiện tượng lão hóa và qua đời nhanh chóng.

Năm 2007, nhà leo núi người Nga Sergei Cistiakov kể lại sau khi leo núi Kailash thất bại: “Khi đi lên, chúng tôi thấy đau đầu dữ dội. Vài giờ sau, chân nặng như đeo chì, tôi gần như chỉ có thể bò. Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi rồi đột nhiên bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình không có bổn phận ở đây, cần phải quay trở lại”.

Ông cho biết thêm: “Ngay khi bắt đầu đi xuống, tôi cảm thấy như được giải thoát. Một năng lượng mạnh mẽ tốt lành bao trùm toàn thân tôi. Mặc dù chuyến đi thất bại, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết”.

Hiện các tín đồ và khách du lịch hàng năm vẫn hành hương đến ngọn núi Kailash, nhưng chỉ chiêm ngưỡng từ xa và đi quanh chân núi. Đường đến Kailash vô cùng vất vả. Không có máy bay, tàu hay xe buýt công cộng đến gần vùng này.

Thời tiết luôn là một thách thức khi nhiệt độ vùng này thay đổi đột ngột. Trên cao, không khí loãng và khô. Thiếu oxy làm nhiều người bị đau đầu, mất ngủ. Không phải ai cũng đủ sức khỏe để chịu đựng.

Mỗi năm, hàng nghìn người đến núi thiêng Kailash, nhưng chỉ ít người chịu được gian khổ để tới sát chân núi. Số người đi bộ được hết vòng chân núi dài 52km, lại càng ít.

Người bản địa còn thực hiện nghi thức khó khăn. Sau mỗi bước đi, họ lại phủ phục xuống, rồi nằm dài ra để các đầu ngón tay in dấu xuống tuyết. Sau đó, họ ngồi lạy, đứng lên bước tới chỗ ngón tay mình in dấu và lại phủ phục xuống. Đi như vậy, phải mất cả tháng mới hết chân núi.

Cánh cổng thứ 7: Nơi các vị Thần vĩ đại cai quản thế giới

Ngọn núi thần Kailash được cho là cánh cổng thần kỳ thứ 7. (Ảnh: Pexels)
Ngọn núi thần Kailash được cho là cánh cổng thần kỳ thứ 7. (Ảnh: Pexels)

Theo các học thuyết hiện đại, núi Kailash rỗng và đại diện cho cánh cổng thứ bảy, nơi các nhà hiền triết vĩ đại cai quản thế giới. Giáo sư Ernst Muldashev là một bác sĩ nhãn khoa được biết đến ở Nga vì những lần thâm nhập bất thường vào Tây Tạng.

Vài năm trước, ông cùng một số chuyên gia về địa chất, vật lý và thám hiểm hang động đã thực hiện một chuyến thám hiểm đến Tây Tạng trong nỗ lực giải mã những bí ẩn trên núi Kailash. Họ dừng lại trong vài tháng dưới chân núi, nghiên cứu và lập bản đồ khu vực, thu thập những truyền thuyết và lời chứng dị thường về các hiện tượng xảy ra xung quanh ngọn núi.

Ernst Muldashev kể: "Trong màn đêm tĩnh lặng thường có những âm thanh thở hổn hển kỳ lạ dường như phát ra từ trong lòng núi. Một đêm nọ, cả tôi và đồng nghiệp nghe thấy rõ ràng tiếng một hòn đá rơi mà chắc chắn phát ra từ bên trong ngọn núi. Tôi tin chắc rằng, núi Kailash không phải hình thành từ địa chất tự nhiên, mà là một kim tự tháp cổ mang những bí ẩn chưa được khám phá".

Giả định này có vẻ kỳ quặc nhưng đã được xác nhận bởi các nhà địa chất từng nghiên cứu về địa hình và cấu trúc của ngọn núi. Họ xác nhận rằng, ngọn núi này có hình dạng kim tự tháp và giống như các kim tự tháp lớn khác trên thế giới có mặt bên đối diện với bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Trong một nghiên cứu sau đó, các chuyên gia thám hiểm khoa học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng hướng mà tượng Nhân sư ở Ai Cập nhìn về chính là núi Kailash.

Hơn nữa, theo giả thuyết của Giáo sư Muldashev, độ cao ngọn núi sẽ thay đổi theo từng năm, nhưng trung bình là 6.666 m. Giữa độ cao của núi Kailash và Bắc Cực, Nam Cực, tượng đài cự thạch Stonehenge và đại Kim tự tháp Giza, có một mối tương quan và sự tương đồng đáng kinh ngạc.

Dường như khoảng cách giữa núi Kailash và tượng đài cự thạch Stonehenge là 6.666km. Con số tương tự một lần nữa gặp lại giữa Kailash và Bắc Cực, trong khi khoảng cách đến Nam Cực là 13.332km, gấp đôi khoảng cách ban đầu.

Những người theo Thần học cho rằng, con số 6.666 chắc chắn biểu trưng cho điều gì đó và không phải ngẫu nhiên được gắn với ngọn núi Kailash.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cuộc bàn luận về giả thuyết cho rằng cách đây hàng ngàn năm, trên Trái đất đã tồn tại những nền văn minh tiên tiến chưa được biết đến.

Và các công trình bí ẩn của thế giới như tượng đài Stonehenge, kim tự tháp Ai Cập hoặc khu vực Nam Mỹ chính là do các nền văn minh tiền sử này xây dựng. Ernst Muldashev thì vẫn giữ vững niềm tin rằng, "kim tự tháp" Kailash ở Tây Tạng là trung tâm của những kiến trúc này, và được kết nối với nhau bởi các đường hầm dưới lòng đất…



BÀI CHỌN LỌC

Núi Kailash: Thánh địa bất khả xâm phạm, giao thoa giữa Thiên đường và Hạ giới của người Tây Tạng