Núi lửa phun trào đã gây ra vụ tuyệt chủng hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử Trái đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy thêm bằng chứng cho thấy các vụ núi lửa phun trào là nguyên nhân gây ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử. 

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geology, các nhà nghiên cứu đã trình bày chi tiết việc phát hiện ra hợp chất coronene, một loại hydrocacbon có thể được tạo ra bởi một vụ phun trào núi lửa dữ dội, trong đá trầm tích.

Mối liên hệ giữa hợp chất coronene với các vụ phun trào núi lửa

Đã có năm sự kiện tuyệt chủng hàng loạt kể từ khi các dạng sống sơ khai bắt đầu phát triển cách đây 450 đến 600 triệu năm. Lần thứ ba là lần lớn nhất và xảy ra vào cuối kỷ Permi, khoảng 252 triệu năm trước. Khi đó, gần 90% tất cả các loài đã tuyệt chủng.

Sự tuyệt chủng hàng loạt được cho là do các vụ phun trào núi lửa ở nơi ngày nay có tên gọi là Siberia Traps, một vùng đá núi lửa rộng lớn ở Siberian, Nga.

Để phục vụ cho nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu đã điều tra hai vụ phun trào riêng biệt ở Siberian Traps: Một có liên quan đến sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Permi và một vụ khác xảy ra trước đây chưa được các nhà khoa học biết đến.

Sau khi phân tích thủy ngân và các phân tử hữu cơ trong các mẫu đá trầm tích lấy từ miền nam Trung Quốc và Ý, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai chất làm giàu coronene-thủy ngân. Sự hình thành của hai chất làm giàu này trùng hợp với sự xáo trộn sinh thái đầu tiên diễn ra trên cạn và sự tuyệt chủng hàng loạt sau đó.

Tác giả chính Kunio Kaiho đến từ Đại học Tohoku ở Nhật Bản cho biết: “Các tác động của magma hoặc tiểu hành tinh / sao chổi ở nhiệt độ cao có thể làm giàu coronene như vậy”.

Coronene là một hydrocacbon thơm đa vòng (PAH) cô đặc cao, đòi hỏi nhiều nhiệt lượng hơn để được hình thành khi so sánh với các PAH khác. Tức là, núi lửa nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân làm giàu coronene trong đá trầm tích.

Ông Kaiho cho biết: “Chúng tôi tin rằng đây là sản phẩm của những vụ phun trào núi lửa lớn vì coronene được hình thành do quá trình đốt cháy ở nhiệt độ cao bất thường”.

Các vụ phun trào, theo các nhà nghiên cứu, giải phóng một lượng lớn axit sulfuric và carbon dioxide, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu trên toàn cầu và làm chết một số loài trên cạn và dưới biển. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng diễn ra từ từ trong suốt hàng chục nghìn năm, vì lần phun trào đầu tiên xảy ra một thời gian dài trước vụ phun trào khác.

Thảm họa cuối kỷ Permi

Một nghiên cứu khác gần đây, được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, cũng cho thấy rằng một vụ phun trào núi lửa có khả năng là thủ phạm của sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi.

Các nhà nghiên cứu từ Đức, Ý và Canada đã kiểm tra các đồng vị của nguyên tố Bo trong hóa thạch động vật chân đốt để xác định tốc độ axit hóa đại dương vào cuối kỷ Permi. Theo tác giả chính Hana Jurikova đến từ Đại học St. Andrews ở Anh, các vỏ sò đã được lắng đọng dưới đáy biển thềm của Đại dương Tethys khoảng 252 triệu năm trước. Những hóa thạch này chứa một bản ghi chép về các điều kiện môi trường tại thời điểm ngay trước và sau sự kiện tuyệt chủng.

Sử dụng một mô hình để tái tạo lại những thay đổi trong khí quyển vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các vụ phun trào núi lửa ở Siberian Traps đã giải phóng một lượng lớn carbon dioxide vào khí quyển.

Khí thải lưu lại trong không khí trong vài thiên niên kỷ và dẫn đến hiệu ứng nhà kính làm ấm lên toàn cầu và axit hóa các đại dương. Trong khi đó, những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình phong hóa hóa học trên đất liền đã làm thay đổi chu trình dinh dưỡng trong đại dương và lấy đi oxy của chúng.

Jurikova cho biết: “Chúng tôi đang đối phó với một thảm họa nối tiếp nhau, trong đó sự gia tăng của carbon dioxide trong khí quyển đã tạo ra một chuỗi các sự kiện liên tiếp xóa sổ gần như tất cả sự sống trên biển”.

Văn Thiện

Theo Naturalnews



BÀI CHỌN LỌC

Núi lửa phun trào đã gây ra vụ tuyệt chủng hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử Trái đất