Nước trên sao Hỏa đã biến đi đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi tỷ phú kiêm người sáng lập tập đoàn SpaceX Elon Musk chia sẻ về tham vọng xây dựng thành phố trên sao Hỏa, hành tinh màu đỏ càng thu hút sự quan tâm từ giới chức nghiên cứu vũ trụ. Vấn đề then chốt là liệu sao Hoả có đủ điều kiện để tồn tại sự sống hay không?

Dấu hiệu địa chất cho thấy sông ngòi và đại dương từng bao phủ Hỏa tinh từ thời cổ đại. Theo thời gian, lượng nước đó biến mất khiến hành tinh gần như khô cằn, ngoại trừ chút nước trong các chỏm băng ở các cực và dưới bề mặt. Giả thuyết hàng đầu trước nay giải thích rằng nước đã thoát ra ngoài không gian.

Kết quả nghiên cứu từ tàu vũ trụ MAVEN của NASA vào năm 2013 cho thấy bão Mặt Trời phát ra luồng tia bức xạ cực tím và các hạt từ tính có sức tàn phá đối với bầu khí quyển của sao Hoả. Từ đó, nước trên hành tinh này bốc hơi và biến mất, để lại bề mặt khô cằn và không có dấu hiệu của sự sống. Cứ mỗi tỉ năm, sao Hoả lại mất đi một lớp nước sâu 2 mét do ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết, khoảng cách với Mặt Trời và các cơn bão bụi.

Nhưng ngoài nguyên nhân trên, mới đây, nghiên cứu từ Viện Công nghệ California ở Pasadena cho thấy trong suốt 1 đến 2 tỷ năm đầu tiên, khoảng một phần ba đến gần như toàn bộ nước trên bề mặt hành tinh đã bị hút xuống và tạo thành các khoáng chất trong lớp vỏ. Khi đá trên bề mặt bị phong hóa, nước bị giữ lại và không thoát lên khí quyển. Nhà nghiên cứu Eva Scheller và các đồng nghiệp đã dựa trên quan sát từ tàu vũ trụ cũng như dữ liệu từ thiên thạch trên sao Hỏa để đưa ra kết luận này.

Một phần nước có thể thoát ra ngoài không gian và một phần di chuyển xuống lòng đất. Sao Hoả có thể đã từng là một hành tinh ẩm ướt và tồn tại dấu hiệu của sự sống?

Nguyễn Hảo

Theo Science



BÀI CHỌN LỌC

Nước trên sao Hỏa đã biến đi đâu?