Phát hiện hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ chân dài tại New Zealand

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lục địa Zealandia nói chung và New Zealand nói riêng, từng là nơi sinh sống của các loài chim vô cùng to lớn. Có ít nhất 10 loài chim cánh cụt khổng lồ cổ đại đã được tìm thấy trên lục địa này, bao gồm cả loài Crossvallia Waiparensis có niên đại 60 triệu năm tuổi, cao 1,6m được phát hiện vào năm 2019 và loài Kairuku Waitaki có niên đại 30 triệu năm tuổi.

Có thể kể đến các loài chim to lớn như: Loài vẹt Heracles unapectatus (Squawk-zilla) có chiều cao đến thắt lưng người, là loài vẹt lớn nhất có thể săn mồi, từng được biết đến trên Trái đất khoảng 20 triệu năm về trước. Cùng nhóm kẻ săn mồi là loài Moa khổng lồ không biết bay cao chừng 2m và đại bàng Haast (Hieraaetus moorei) với sải cánh dài tới 3 mét, đã sinh trưởng ở New Zealand khoảng 2 triệu năm về trước.

Xương hóa thạch chim cánh cụt 30 triệu năm tuổi

Trong một chuyến đi thực địa năm 2006, một nhóm học sinh New Zealand thuộc câu lạc bộ Tự nhiên học Trẻ em Hamilton (JUNATS) do chuyên gia hóa thạch Chris Templer của câu lạc bộ dẫn đầu, đã phát hiện ra xương hóa thạch của một con chim cánh cụt khổng lồ trong lớp bùn hóa cứng.

Hóa thạch được tìm thấy gồm phần xương của thân, chân và cánh của chim cánh cụt.

Đến năm 2017, hóa thạch được tặng cho Bảo tàng Waikato. Tại đây, các nhà khoa học bắt đầu các nghiên cứu sự tiến hóa của hóa thạch và kết quả nghiên cứu mới vừa được công bố trên các tạp chí khoa học.

Nhà sinh vật học, cổ học Simone Giovanardi của Đại học Massey và các đồng nghiệp đã kiểm tra hóa thạch và phát hiện chúng tồn tại từ khoảng 30 triệu năm trước, ở Cảng Kawhia trên đảo Bắc của New Zealand ngày nay.

Nhà động vật học Daniel Thomas từ Đại học Massey giải thích: “Hóa thạch có cấu trúc tương tự như loài chim cánh cụt khổng lồ Kairuku được tìm thầy lần đầu tiên ở Otago nhưng có chân dài hơn nhiều. Các nhà nghiên cứu đặt tên cho loài chim cánh cụt này là Waewaeroa - theo tiếng Maori có nghĩa là 'chân dài'. Chúng cao khoảng 1,4m. Đôi chân dài giúp cho chim cánh cụt di chuyển trên cạn nhanh hơn và cao hơn nhiều so với loài Kairuku, có ảnh hưởng nhất định đến tốc độ bơi hoặc độ sâu khi chúng lặn".

Một phân tích cho thấy các loài cánh cụt thường có cuộc sống độc lập. Trong môi trường chọn lọc tự nhiên đã tạo nên một tập quán thú vị là khi những con chim cánh cụt bị cô lập trong môi trường sống thiếu vắng những loài có động vật ăn thịt, đã biến chúng thành những con chim khổng lồ.

Lịch sử chim cánh cụt tại New Zealand

Khi lục địa Zealandia tách ra khỏi siêu lục địa Gondwana từ 80 triệu năm trước, sự tuyệt chủng của loài khủng long cách đây 66 triệu năm, nơi đây đã sớm trở nên không còn động vật có vú săn mồi, đã thành nơi tụ cư cho các thử nghiệm tiến hóa của loài chim cánh cụt.

Sau khi các loài ăn thịt lớn hàng đầu bị loại bỏ, với nguồn tài nguyên dồi dào hỗ trợ cơ thể phát triển to lớn hơn, chim cánh cụt đã tận dụng tốt lợi thế của việc thiếu động vật ăn thịt biển khổng lồ.

Có ít nhất 10 loài chim cánh cụt khổng lồ cổ đại đã được tìm thấy trên lục địa này, bao gồm cả loài Crossvallia Waiparensis có niên đại 60 triệu năm tuổi, cao 1,6m được phát hiện vào năm 2019 và loài Kairuku Waitaki có niên đại 30 triệu năm tuổi.

Điều này gần như trùng hợp với việc loài chim cánh cụt chuyển hướng trở thành thợ lặn và không còn biết bay, sự bay lượn sẽ hạn chế kích thước của chúng. Do không có các loài động vật có vú trên cạn săn mồi xung quanh, những con chim cánh cụt khổng lồ đã có một nơi an toàn hơn để sinh trưởng ở Zealandia.

So sánh hóa thạch với các loài khác, Giovanardi và nhóm nghiên cứu lưu ý rằng theo sau Kairuku waewaeroa, loài chim cánh cụt có xu hướng chân ngắn hơn. Sự thay đổi về chiều dài cơ thể có thể làm giảm tỷ lệ bề mặt, tỷ lệ khối lượng, cả hai điều này làm giảm lực cản cho sự di chuyển dưới nước của chúng.

Một nhóm chim cánh cụt Hoàng đế, loài lớn nhất trong số các loài chim cánh cụt hiện nay. Chúng cao gần 0,9m và là loài sống ở phía nam bán cầu nhất trong tất cả các loài chim cánh cụt, sống và sinh sản trên băng. (Ảnh: Wikipedia)
Một nhóm chim cánh cụt Hoàng đế, loài lớn nhất trong số các loài chim cánh cụt hiện nay. Chúng cao gần 0,9 m và là loài sống ở phía nam bán cầu nhất trong tất cả các loài chim cánh cụt, sống và sinh sản trên băng. (Ảnh: Wikipedia)

Khi các động vật ăn thịt biển khác như cá mập và động vật có vú biển trở nên lớn trong thời kỳ Eocen và Oligocen, khả năng bơi nhanh hơn sẽ trở thành lợi thế sống còn đối với loài chim này.

Thomas giải thích: “Kairuku waewaeroa là biểu tượng cho rất nhiều lý do. Hóa thạch chim cánh cụt nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có chung lục địa Zealandia cùng với sự tồn tại của các loài động vật đáng kinh ngạc khác. Sự chia sẻ lục địa này mang lại cho chúng ta một vai trò giám hộ quan trọng.

Tại sao chim cánh cụt khổng lồ tuyệt chủng?

Chỉ đơn giản là chúng ta chưa biết chính xác, nhưng theo các nhà khoa học, điều đó đã xảy ra vào khoảng thời gian cá heo bắt đầu đa dạng hóa. Ông Daniel Thomas, Giảng viên cao cấp về Động vật học tại Đại học Massey và là đồng tác giả của nghiên cứu mô tả Kairuku waewaeroa nói: "vì vậy có lẽ có một tương tác sinh thái không thuận lợi cho chim cánh cụt: loại trừ cạnh tranh, săn mồi trực tiếp hoặc có lẽ là cả hai?"

Qua cách khám phá thiên nhiên của các em học sinh nhỏ tuổi, chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của việc khuyến khích thế hệ tương lai trở thành những “người bảo vệ”.

Steffan Safey, một học sinh trong chuyến đi thực địa năm ấy chia sẻ: "Thật khó tin khi biết rằng khám phá của chúng tôi đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực khoa học ngày nay. Thậm chí hóa thạch tìm thấy còn là của một loài mới, nghiên cứu đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp".

Mike Safey, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà tự nhiên học trẻ tuổi Hamilton cho rằng chuyến đi thực địa năm 2006 để lại những dấu ấn khiến các em ghi nhớ suốt đời, ông chia sẻ: "Đó là một đặc ân hiếm có cho những học sinh trong câu lạc bộ khi có cơ hội đưa chú chim cánh cụt hóa thạch khổng lồ này đến với thế giới. Chúng tôi luôn khuyến khích những em nhỏ khám phá và tận hưởng không gian ngoài trời tuyệt vời. Ngoài kia còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đợi các em".



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ chân dài tại New Zealand