Phát hiện hóa thạch động vật 250 triệu năm tuổi tại Nam Cực: lịch sử Nam Cực cần phải viết lại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu nói rằng "chúng ta càng tìm hiểu nhiều về Nam Cực thời tiền sử, nó càng kỳ lạ ..."

Việc phát hiện ra hóa thạch cổ đại ‘hiếm có’ ở Nam Cực có thể giúp chúng ta viết lại Nam Cực thời tiền sử đã từng như thế nào.

Sự sống phong phú tại Nam Cực

Những di tích hóa thạch được phát hiện gần đây ở Nam Cực cho chúng ta biết rất nhiều điều về lục địa này trước khi bị tuyết, băng và nhiệt độ đóng băng bao phủ.

Trở lại thời gian khoảng 250 triệu năm trước, chúng ta sẽ thấy rằng sự sống ở Nam Cực đã từng rất phong phú, bao gồm tất cả các loài, các dạng sự sống.

Đó là một lục địa được bao phủ bởi những khu rừng tươi tốt, những thảm thực vật xanh tươi không thể tưởng tượng được, sông và hồ. Các nhà khoa học đã thật sự phát hiện ra cả những khu rừng nhiệt đới ở đây.

Trong một nghiên cứu mới gần đây, các nhà khoa học đã thực sự phát hiện được một hóa thạch động vật mới, được cho là tổ tiên của các loài khủng long.

Một phiến đá chứa hóa thạch của loài bò sát cổ Antarctanax được phát hiện tại Nam Cực.
Một phiến đá chứa hóa thạch của loài bò sát cổ Antarctanax được phát hiện tại Nam Cực. (Ảnh: Brandon Peecook, Bảo tàng Field)

Brandon Peecook, một nhà nghiên cứu của Bảo tàng Field và là tác giả chính của bài báo trên Tạp chí Cổ sinh vật có xương sống mô tả loài mới này cho biết: “Loài động vật mới này là một loài bò sát cổ (archosaur), họ hàng ban đầu của cá sấu và khủng long.

“Về bản chất, nó trông hơi giống một con thằn lằn, nhưng về mặt tiến hóa, nó là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm lớn đó. Nó cho chúng ta biết khủng long và họ hàng gần nhất của chúng đã tiến hóa và phát triển như thế nào”.

Mặc dù thực tế là bộ xương hóa thạch chưa hoàn thiện, các nhà cổ sinh vật học vẫn có cảm tình rất tốt đối với loài động vật mà họ đặt tên là Antarctanax shackletoni (từ trước có nghĩa là “vua Nam Cực”, từ sau được đặt theo tên của nhà thám hiểm vùng cực Trái đất Ernest Shackleton).

Dựa trên những điểm tương đồng của nó với các động vật hóa thạch khác, Peecook và các đồng tác giả của nghiên cứu (Roger Smith thuộc Đại học Witwatersrand và Bảo tàng Iziko Nam Phi và Christian Sidor của Bảo tàng Burke và Đại học Washington) tin rằng Antarctanax rất có thể là động vật ăn thịt đã từng đi săn những loài động vật nhỏ hơn, là những loài họ hàng của động vật có vú và động vật lưỡng cư.

Và trong khi bản thân khám phá này thực sự đáng kinh ngạc, các nhà khoa học nói rằng quan trọng nhất là sự phát hiện về nơi nó sống và thời gian nó đã sống là khi nào.

Peecook giải thích: “Chúng ta càng tìm hiểu nhiều về Nam Cực thời tiền sử, thì nó càng kỳ lạ. Chúng tôi nghĩ rằng các loài động vật ở Nam Cực sẽ tương tự như những loài đã sống ở miền Nam châu Phi kể từ khi những vùng đất đó chưa được tách ra khỏi lục địa cùng với Nam Cực vào thời điểm đó. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng động vật hoang dã ở Nam Cực độc đáo một cách đáng ngạc nhiên".

Như đã lưu ý trong một bài báo của Bảo tàng Field, khoảng hai triệu năm trước khi Antarctanax sinh sống, Trái đất đã trải qua một trong những sự kiện đại tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử.

Đại tuyệt chủng và cuộc di cư các loài đến Nam Cực

Biến đổi khí hậu, gây ra bởi các vụ phun trào núi lửa, đã giết chết khoảng 90% tất cả các loài động vật vào khi đó.

Những năm tiếp theo sau cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt là một quá trình tiến hóa tự do cho tất cả các loài - nơi mà các nhóm động vật mới được tự do phát triển và dần dần lấp đầy những khoảng trống.

Peecook nói: “Trước khi tuyệt chủng hàng loạt, các loài archosaurs chỉ được tìm thấy quanh Xích đạo, nhưng sau đó, chúng có mặt ở khắp mọi nơi. Và Nam Cực có sự kết hợp của những loài động vật hoàn toàn mới này và những loài động vật đã bị tuyệt chủng ở hầu hết các nơi - những loài mà các nhà cổ sinh vật học gọi là ‘nhóm động vật còn lại’. Tức là những loài động vật của ngày mai và động vật của ngày hôm qua, cùng sống chung và cùng phát triển giống loài của mình”.

Các nhà khoa học của nghiên cứu mới này nói rằng việc phát hiện ra Antarctanax giúp củng cố giả thuyết rằng Nam Cực là nơi đã từng diễn ra quá trình tiến hóa và đa dạng hóa nhanh chóng sau vụ tuyệt chủng hàng loạt.

Peecook lưu ý: “Chúng ta càng tìm thấy nhiều loại động vật khác nhau, chúng ta càng tìm hiểu nhiều hơn về mô hình tiến hóa của loài archosaurs đã từng tiếp quản Nam Cực sau cuộc tuyệt chủng hàng loạt”.

Peecook nói: “Nam Cực là một trong những nơi trên Trái đất, giống như đáy biển, nơi chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khám phá ban đầu”.

Ánh Dương

Theo Curiosmos



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện hóa thạch động vật 250 triệu năm tuổi tại Nam Cực: lịch sử Nam Cực cần phải viết lại?