Phát hiện một loài khủng long có cánh mới ở Úc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, các nhà nghiên cứu tìm thấy một bộ xương tiền sử ở Úc thuộc về một loài khủng long có cánh mới được mệnh danh là “rồng sắt”.

Năm 2017, một người chăn gia súc tìm thấy một số hóa thạch lạ còn sót lại ở một vùng hẻo lánh của thị trấn Winton, Queensland. Phát hiện này đã làm nảy sinh một cuộc khai quật trên quy mô lớn hơn. Ngày 3 tháng 10, họ thông báo kết quả của cuộc tìm kiếm trên Scientific Reports rằng bộ xương thuộc về một loài dực long chưa được biết đến từ trước đến nay.

Một bản sao bộ xương của loài dực long “Tropeognathus Mesembrinus” được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Đại học Liên bang Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 20 tháng 3 năm 2013. (Vanderlei Almeida / AFP / Getty Images)

Các nhà cổ sinh vật học đã gán cho loài săn mồi mới này cái tên Latin là ferrodraco lentoni, hay rồng sắt của Lenton (Lenton's Iron Dragon), để vinh danh cựu thị trưởng Graham Lenton của thị trấn Winton, theo ABC đưa tin.

Tác giả chính của nghiên cứu, Adele Pentland thuộc Đại học Swinburne, nói với Sydney Morning Herald: “Ở đây từ ‘sắt’ bắt nguồn từ thuộc tính của dạng trầm tích tại nơi tìm thấy hóa thạch”.

“Xương của dực long chủ yếu là rỗng, do đó ngày nay rất hiếm khi tìm thấy hóa thạch của chúng”, Pentland giải thích. “Trong trường hợp này có vẻ như xác của nó rất nhanh bị bao phủ bởi trầm tích. Và sau đó chất lỏng giàu chất sắt từ loại trầm tích này đã thấm vào xương và chiếm lấy tất cả các khoảng trống trong đó. Kết quả làm bộ xương của dực long cứng và đẹp hơn”.

Hóa thạch và bản mô phỏng của loài dực long “Tropeognathus Mesembrinus” được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia của Đại học Liên bang Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 20 tháng 3 năm 2013. (Vanderlei Almeida / AFP / Getty Images)

Dực long đôi khi còn được gọi là “khủng long có cánh,” loài mới tìm thấy này được cho là đã sống cách đây khoảng 90 triệu năm.

“Một điểm đáng chú ý đó là, loài này có thể sải cánh dài đến 4 mét, kích thước này thực sự rất lớn so với các loài chim hiện nay”, Pent Pentland nói với tạp chí The Guardian.

Các bộ phận được tìm thấy bao gồm các mảnh của hộp sọ, năm đốt sống và các bộ phận của cánh. Cho đến nay, ở Úc, đây là mẫu vật đầy đủ nhất của loài dực long mà người ta phát hiện.

“Mặc dù không tìm thấy toàn bộ hộp sọ, nhưng chúng tôi đã tìm thấy hầu hết hộp sọ và cũng tìm thấy 40 chiếc răng và hai mảnh vỡ tại địa điểm này”, Pent Pentland nói với The Guardian. “Để đi lại trên mặt đất, nó sẽ đi bằng bốn chân và trông thực sự khác biệt với bất kỳ loài động vật nào chúng ta biết ngày nay”.

“Thật đáng sợ khi nghĩ về cái đầu to kỳ dị của chúng, kích thước hộp sọ của nó có thể lên đến 60 cm”.

Theo Science Alert, sự tương đồng giữa loài ferrodraco và loài dực long tìm thấy ở Anh khiến các nhà khoa học suy ra những kẻ săn mồi trên không này có thể đã bay qua các đại dương.

Nhưng một số đặc điểm của bộ răng đã khiến các nhà nghiên cứu kết luận rằng dực long ferrodraco là một loài mới.

“Sự có mặt của xương cửa và hàm dưới, và răng hình mũi nhọn với chân răng hình bán nguyệt, gợi nhớ đến đặc điểm của loài Anhangueria”, nghiên cứu viết. “Nhưng có thể phân biệt được ferrodraco với tất cả các loài dực long Anhanguerian dựa trên hai đặc điểm: răng cửa và các răng hàm dưới là nhỏ; và cặp răng số bảy-bốn nhỏ hơn cặp ba-tám”.

Thiện Căn (biên dịch)

Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện một loài khủng long có cánh mới ở Úc