Phát hiện nhiều vật thể vũ trụ kỳ lạ bên ngoài quỹ đạo sao Hải Vương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuộc tìm kiếm không gian kéo dài 6 năm bên ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương đã phát hiện được 461 vật thể mới. 

Những vật thể này bao gồm 4 vật thể cực xa, cách Mặt trời hơn 230 đơn vị thiên văn (AU) - một AU là khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, khoảng 149,6 triệu km. Những vật thể cực kỳ xa này có thể làm sáng tỏ hiểu biết của chúng ta về hành tinh thứ chín - một hành tinh lớn giả thuyết nằm tại phía rìa ngoài hệ Mặt Trời, giúp giải thích về quỹ đạo bất thường của một nhóm các thiên thể bên ngoài sao Hải Vương.

Khảo sát Năng lượng Tối (Dark Energy Survey), một dự án lập bản đồ cấu trúc thiên hà và vật chất tối của vũ trụ từ năm 2013, đã hỗ trợ cho các quan sát mới. Sau 6 năm quan sát từ Kính viễn vọng Blanco ở Cerro Tololo thuộc Chile, các nhà khoa học đã xác nhận tổng cộng 817 vật thể mới, 461 trong số đó đã được mô tả lần đầu tiên trong một nghiên cứu mới, theo ScienceAlert.

Tất cả các vật thể trong nghiên cứu này đều nằm trong một vùng tối tăm và lạnh lẽo không thể tưởng tượng được của hệ Mặt trời, cách ngôi sao của chúng ta ít nhất 30 AU.

Hơn 3.000 vật thể xuyên sao Hải Vương (TNO), đã được xác định trong những vùng xa xôi này. Chúng bao gồm các hành tinh lùn như sao Diêm Vương và Eris cũng như các vật thể nhỏ trong Vành đai Kuiper như Arrokoth, một vật thể đá được tàu vũ trụ New Horizons ghé thăm vào năm 2019. Vành đai Kuiper là một vùng chứa các vật thể băng giá quay quanh Mặt trời tại khoảng cách từ 30 AU đến 50 AU.

Trong số 461 vật thể được mô tả lần đầu tiên trong bài báo mới, một số rất đáng chú ý. Chín vật thể được gọi là vật thể TNO xa nhất, có quỹ đạo cách Mặt trời ít nhất 150 AU. Bốn trong số đó là cực xa, với khoảng cách quỹ đạo là 230 AU. Ở những khoảng cách này, các vật thể hầu như không bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của sao Hải Vương, quỹ đạo kỳ lạ của chúng cho thấy có thể có ảnh hưởng từ bên ngoài hệ Mặt trời. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng ảnh hưởng đó có thể là một hành tinh chưa được khám phá trong hệ Mặt trời, được gọi là hành tinh thứ chín.

Ít nhất 155 trong số các vật thể mới được phát hiện này thuộc loại "tách rời". Điều này có nghĩa là chúng ở khoảng cách đủ xa so với sao Hải Vương để lực hấp dẫn của hành tinh lớn không ảnh hưởng nhiều đến chúng; thay vào đó, chúng chủ yếu chịu tác dụng bởi lực hút của Mặt trời. Các vật thể tách rời thường có quỹ đạo hình elip rất lớn.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy 4 thiên thể Troia của Sao Hải Vương mới. Troia là các thiên thể có quỹ đạo xung quanh Mặt Trời nằm ở những điểm bập bênh hay điểm Lagrange cân bằng bền của sao Hải Vương. Chúng có chu kỳ quỹ đạo giống như sao Hải Vương và đi theo đường quỹ đạo tương tự. Họ cũng quan sát thấy sao chổi Bernardinelli-Bernstein, được đặt theo tên của hai tác giả chính của bài báo, nhà vũ trụ học Gary Bernstein của Đại học Pennsylvania và học giả sau tiến sĩ của Đại học Washington, Pedro Bernardinelli. Hai nhà nghiên cứu là những người đầu tiên phát hiện ra sao chổi trong bộ dữ liệu Khảo sát Năng lượng Tối. Sao chổi Bernardinelli-Bernstein có thể dài tới 160 km. Nó đến từ đám mây Oort, một lớp vật thể băng giá khác thậm chí còn xa hơn cả Vành đai Kuiper.

Các nhà nghiên cứu viết trong bài báo của họ rằng những phát hiện này rất thú vị bởi vì dự án Khảo sát Năng lượng Tối không nhằm mục đích tìm kiếm các vật thể xuyên sao Hải Vương. Mục tiêu của nó là mô tả năng lượng tối trên lý thuyết ảnh hưởng đến sự giãn nở gia tốc của vũ trụ. Tuy nhiên, dữ liệu từ cuộc khảo sát đã chứa 20% tổng số TNO được biết đến hiện nay, bao phủ một phần tám bầu trời.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện nhiều vật thể vũ trụ kỳ lạ bên ngoài quỹ đạo sao Hải Vương