Phát hiện phóng xạ không xác định tăng đột biến tại khu vực biển Baltic ở bắc Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tháng này, các nhà chức trách đến từ một số quốc gia đã phát hiện sự gia tăng bí ẩn về mức độ phóng xạ tại khu vực biển Baltic ở bắc Âu cũng chính là phía tây của nước Nga. Tuy có giả thuyết cho rằng phóng xạ phát ra từ các nhà máy điện hạt nhân của Moscow, nhưng chưa có quốc gia nào nhận trách nhiệm về sự bất thường này.

Sự tăng vọt phóng xạ tinh tế - phóng xạ ở mức độ được coi là vô hại đối với con người, nhưng đủ để được các trạm theo dõi bức xạ phát hiện ra - bắt đầu xuất hiện vào tuần trước, khi các nhà chức trách châu Âu công bố các báo cáo mới về các hạt phóng xạ nhân tạo trong khí quyển.

Cơ quan an toàn bức xạ Thụy Điển đã tweet vào hôm thứ Ba (23/6): "Mức độ rất thấp của các chất phóng xạ Caesium-134, Caesium-137, Coban-60 và Ruthenium-103 đã được đo thấy".

"Các mức đo được thấp đến mức chúng không gây nguy hiểm cho con người và môi trường."

Các cơ quan bảo vệ bức xạ ở Na Uy và Phần Lan cũng thu được những quan sát tương tự.

Cuối tuần trước, ông Lassina Zerbo, Thư ký điều hành của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO), đã tweet một bản đồ phác thảo khu vực bắt nguồn của sự bất thường, phần lớn là nằm trong lãnh thổ Nga, nhưng cũng có một phần thuộc Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy.

Ông Zerbo cho rằng nguồn phát phóng xạ liên quan đến nhà máy sản xuất điện hạt nhân, không phải chế tạo vũ khí hạt nhân trong tweet: "Những đồng vị này rất có thể là từ một nguồn dân sự".

"Chúng tôi có thể chỉ ra khu vực có khả năng là nguồn [phát phóng xạ], nhưng nó nằm ngoài nhiệm vụ của CTBTO để xác định nguồn gốc chính xác".

Hôm thứ Sáu (26/6), Viện Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường Quốc gia Hà Lan (RIVM) tuyên bố rằng, dựa trên phân tích dữ liệu hiện có thì "sự tổ hợp các hạt nhân phóng xạ có thể được giải thích bằng sự bất thường trong các yếu tố nhiên liệu của nhà máy điện hạt nhân".

Bằng chứng có sẵn, tổ chức này cho rằng các hạt phóng xạ được phát hiện xuất phát từ hướng phía tây nước Nga, nhưng nói rõ rằng điều này không có nghĩa là chúng có liên hệ chắc chắn với các nhà máy điện hạt nhân của Nga.

RIVM nói trong một thông báo: "Một số báo cáo phương tiện truyền thông gần đây, có thể dựa trên sự dịch sai bản báo cáo ban đầu của chúng tôi (bằng tiếng Hà Lan), tuyên bố rằng các hạt nhân phóng xạ có nguồn gốc từ phía tây nước Nga".

"Tuyên bố mà RIVM đưa ra là các hạt nhân phóng xạ đi từ phía tây nước Nga đến Scandinavia, nhưng không chỉ ra quốc gia cụ thể nào có thể là nguồn phát phóng xạ tại thời điểm này”.

Đáp lại những đồn đoán trên mạng rằng Nga đứng sau vụ phóng xạ tăng đột biến, một phát ngôn viên của Rosenergoatom, một chi nhánh của tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Moscow cho biết, hai nhà máy điện hạt nhân của quốc gia này trong khu vực đang hoạt động bình thường, với mức độ phóng xạ cho phép.

Phát ngôn viên của Rosenergoatom nói với hãng tin TASS của Nga: "Cả hai cơ sở đều hoạt động trong chế độ bình thường. Không có khiếu nại nào về hoạt động của thiết bị".

"Sự phát thải tổng hợp của tất cả các đồng vị được chỉ định trong giai đoạn nói trên không vượt quá số tham chiếu. Không có sự cố nào liên quan đến giải phóng hạt nhân phóng xạ bên ngoài cấu trúc ngăn chặn được báo cáo."

Hiện tại, thật khó để nói liệu các bằng chứng bổ sung có thể xác nhận được sự gia tăng bức xạ nhẹ này bắt nguồn từ đâu hay không, nhưng vụ việc này gợi lại một tình huống tương tự xảy ra vào năm 2017, khi một đám mây phóng xạ khác cũng được phát hiện ở châu Âu.

Trong vụ việc đó, người ta cũng phát hiện một mức độ phóng xạ vô hại với con người. Sau đó, nhiều người cho rằng nhà máy điện Nga phải chịu trách nhiệm đối với hiện tượng đó. Tuy giả thuyết này sau đó được hỗ trợ bởi các phát hiện khoa học, nhưng Rosatom vẫn bác bỏ nó.

Văn Thiện

Theo sciencealert



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện phóng xạ không xác định tăng đột biến tại khu vực biển Baltic ở bắc Âu