Phát hiện 'quái vật lửa' dưới biển trỗi dậy khiến Trái đất rung chuyển 85.000 lần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một con “quái vật lửa” đang ngủ đông trên vùng biển lạnh giá Nam Cực bất ngờ thức giấc. Từ đó, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân bí ẩn đằng sau hàng loạt trận động đất kéo dài từ tháng 8/2020 đến nay.

Hiện tượng kỳ lạ gây ra 85.000 trận động đất lớn nhỏ kể từ tháng 8 năm 2020 bắt nguồn từ Orca Seamount, một ngọn núi lửa không hoạt động cao 900 mét, nằm dưới đáy eo biển Bransfeld, một ngõ hẹp giữa Quần đảo Nam Shetland (ở Nam Cực) và mũi Tây Bắc của lục địa Nam Cực.

Một nhà địa chấn học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức (GFZ) (có trụ sở tại Potsdam), mô tả với Live Science rằng nguồn gốc của các chấn động là một "ngón tay" magma (đá nóng chảy) chọc vào vỏ Trái đất. Các tình huống tương tự đã được ghi nhận ở một số nơi trên hành tinh nhưng đây là lần đầu tiên được ghi nhận ở vùng biển băng giá này.

Tại khu vực này, mảng kiến ​​tạo Phoenix đang lặn xuống bên dưới mảng lục địa Nam Cực, tạo ra mạng lưới các đới đứt gãy, từ đó dẫn đến các hoạt động địa chất phức tạp.

Các nhà khoa học tại trạm nghiên cứu Đảo King George ở Nam Shetland là những người đầu tiên phát hiện những trận động đất nhỏ. Họ nhanh chóng kết nối với các đồng nghiệp trên khắp thế giới, đối chiếu dữ liệu từ các trạm địa chất gần đó và từ các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất.

Vị trí của Orca Seamount.
Vị trí của Orca Seamount. (Ảnh: Wikipedia)

Theo Science Alert, các mảnh ghép đã dẫn đến hàng loạt trận động đất liên quan, trong đó, hai trận mạnh nhất xảy ra vào tháng 10/2020 với 5,9 độ Richter và tháng 11/2020 với 6 độ Richter. Sau đó, hoạt động địa chất suy yếu dần. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những chấn động này làm mặt đất trên Đảo King George dịch chuyển tới 11cm.

Chỉ 4% sự dịch chuyển đó được giải thích trực tiếp là do động đất gây ra. Những nghi ngờ về sự di chuyển của magma sâu dưới lòng đất ngày càng lớn, và từ đó các nhà nghiên cứu xác định được thủ phạm chính là "quái vật lửa" Orca Seamount - vốn đã âm thầm thức tỉnh.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng trực tiếp nào về một vụ phun trào núi lửa nào được ghi nhận. Vì vậy các nhà khoa học sẽ cử một nhóm nghiên cứu trực tiếp đến eo biển, đo đạc đáy biển, so sánh với các bản đồ trước đó để theo dõi và nghiên cứu thêm.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Communication Earth & Environment.

Ngọc Mai

Khoa học


BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện 'quái vật lửa' dưới biển trỗi dậy khiến Trái đất rung chuyển 85.000 lần