Rất khó lây bệnh COVID-19 từ bề mặt các đồ vật, việc vệ sinh khử trùng diện rộng có thực sự cần thiết?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một năm đã trôi qua với rất nhiều khó khăn vất vả, chúng ta đã liên tục phải đối phó với những bất thường và nguy hiểm từ đại dịch do virus Vũ Hán gây ra. Vì vậy chúng ta sẽ dễ dàng quên đi một số những lo lắng và biện pháp phòng dịch khi bắt đầu vào đại dịch.

Tuy nhiên, nếu nghĩ lại về thời kỳ đầu của đại dịch, một trong những mối quan tâm chính của chúng ta khi đó là vai trò của các bề mặt trong việc lây truyền virus.

Là một nhà dịch tễ học, tôi nhớ đã dành rất nhiều thời gian để trả lời các yêu cầu của phương tiện truyền thông nhằm làm sáng tỏ các câu hỏi, ví dụ như chúng ta có nên rửa bề mặt bên ngoài hộp thức ăn, khử trùng các bức thư của mình trước khi bóc thư, khử trùng các nút nhấn tầng của thang máy v.v... không?

Tôi cũng nhớ đã nhìn thấy những nhóm người đi bộ trên đường hàng giờ đồng hồ để lau cột điện, các băng ghế công cộng, tay vịn cầu thang... trên khắp đất nước.

Nhưng bằng chứng thực sự nói gì về sự lan truyền dịch bệnh thông qua bề mặt các đồ vật trong hơn 12 tháng đã xảy ra đại dịch này?

Trước khi giải quyết vấn đề này, chúng ta cần xác định câu hỏi mà chúng ta đang hỏi. Câu hỏi quan trọng không phải là khả năng lây truyền bệnh trên bề mặt hay liệu nó có thể xảy ra trong thực tế hay không - câu trả lời gần như chắc chắn là có thể.

Câu hỏi thực sự là: vai trò của tiếp xúc bề mặt trong việc lây truyền virus là bao nhiêu? Đó là, khả năng lây nhiễm COVID qua bề mặt các đồ vật, trái ngược với các phương pháp truyền khác là bao nhiêu?

Bằng chứng lây nhiễm Coronavirus qua bề mặt đồ vật là tối thiểu

Có rất ít bằng chứng cho thấy sự lây truyền coronavirus thông qua bề mặt các đồ vật như là một cách phổ biến. Cách lây lan chính của nó là qua không khí, hoặc bởi những giọt lớn hơn khi tiếp xúc gần hoặc bởi những giọt nhỏ hơn được gọi là khí aerosols. Cũng cần lưu ý thêm, vai trò tương đối của hai con đường này trong việc lây truyền có lẽ là một câu hỏi thú vị và quan trọng hơn nhiều cần làm rõ từ góc độ sức khỏe cộng đồng.

Một trong những bình luận hay nhất về sự lây truyền COVID qua bề mặt đã được xuất bản trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet vào tháng 7 năm 2020 bởi Emanuel Goldman, giáo sư vi sinh vật học từ Hoa Kỳ.

Như ông mô tả, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhận thức phóng đại về nguy cơ lây truyền trên bề mặt là việc công bố một số nghiên cứu cho thấy các hạt virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong thời gian dài trên các bề mặt khác nhau.

Bạn có thể đã xem những nghiên cứu này vì chúng nhận được sự công khai rộng rãi trên toàn thế giới và tôi nhớ đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn trong đó tôi phải giải thích những phát hiện này thực sự có ý nghĩa gì.

Như tôi đã giải thích vào thời điểm đó, những nghiên cứu này không thể được khái quát hóa trong thực tế, và trong một số trường hợp, các thông cáo báo chí đi kèm với chúng có xu hướng phóng đại quá mức tầm quan trọng của những phát hiện này.

Vấn đề quan trọng là, nói chung thời gian cần thiết để một quần thể vi sinh vật chết tỷ lệ thuận với kích thước của quần thể đó. Điều này có nghĩa là số lượng virus lắng đọng trên bề mặt càng lớn, bạn sẽ càng tìm thấy các hạt virus tồn tại trên bề mặt đó càng lâu hơn.

Vì vậy, về việc thiết kế các thí nghiệm có liên quan đến sức khỏe cộng đồng, một trong những biến số quan trọng hơn trong các nghiên cứu này là số lượng virus lắng đọng trên bề mặt - và mức độ mà điều này có thể tương thích với những gì sẽ xảy ra trong thực tế.

Nếu bạn hiểu điều này, rõ ràng là một số nghiên cứu về sự tồn tại của virus này đã phóng đại tỷ lệ phát hiện virus còn tồn tại bằng cách đã đưa một lượng lớn virus lên trên các bề mặt vượt xa so với những gì sẽ xảy ra một cách hợp lý trong thực tế. Hơn nữa, một số nghiên cứu các điều kiện tùy chỉnh sẽ kéo dài tuổi thọ của các hạt virus, chẳng hạn như điều chỉnh độ ẩm và loại trừ ánh sáng tự nhiên.

Mặc dù không có gì sai với khoa học ở đây, nhưng đó là sự liên quan của thực tế và cách giải thích đôi khi không ổn. Điều đáng chú ý là các nghiên cứu khác tái tạo các kịch bản trong thực tế một cách chặt chẽ hơn đã tìm thấy thời gian sống sót của chủng virus mới này ít ấn tượng hơn đối với ba chủng loại coronavirus đã từng gây bệnh trên người khác (bao gồm cả SARS).

Điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta đang dựa vào bằng chứng gián tiếp trong việc đánh giá vai trò của sự lây truyền trên bề mặt đối với coronavirus. Có nghĩa là, bạn không thể thực sự làm một thí nghiệm khoa học đạo đức để xác nhận vai trò của việc lây truyền dịch bệnh trên bề mặt vì bạn phải cố tình lây nhiễm cho mọi người. Mặc dù là một câu hỏi có vẻ đơn giản như vậy, nhưng rất khó để xác định tầm quan trọng tương đối của các con đường lây truyền khác nhau đối với chủng coronavirus này.

Thay vào đó, những gì chúng ta phải làm là xem xét tất cả các bằng chứng chúng ta có và xem nó nói gì với chúng ta, bao gồm cả các nghiên cứu điển hình mô tả các sự kiện lây truyền. Và nếu chúng ta làm điều này, sẽ không có nhiều bằng chứng trong thực tế hỗ trợ việc lây truyền qua bề mặt của các đồ vật có tầm quan trọng lớn trong việc làm lây lan đại dịch COVID-19.

Phun khử trùng toàn bộ rạp hát là một việc làm lãng phí và mất thời gian quá lớn nhưng kết quả không đáng là bao.
Phun khử trùng toàn bộ rạp hát là một việc làm lãng phí và mất thời gian quá lớn nhưng kết quả không đáng là bao. (Ảnh: Theatlantic)

Chúng ta có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc từ việc hạn chế phun thuốc khử trùng bề mặt các đồ vật

Chúng ta cần xem xét các nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 qua các phương thức lây truyền khác nhau, vì vậy chúng ta tập trung năng lượng và nguồn lực hạn chế của mình vào những việc phù hợp nhất.

Điều này không có nghĩa là không thể lây truyền dịch bệnh qua bề mặt các đồ vật và không gây rủi ro trong một số tình huống nhất định hoặc chúng ta nên bỏ qua hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta nên thừa nhận rằng mối đe dọa lây truyền dịch bệnh qua bề mặt là tương đối nhỏ.

Do đó, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ tương đối nhỏ này bằng cách tiếp tục tập trung vào vệ sinh tay và đảm bảo các quy trình làm sạch phù hợp hơn với nguy cơ lây truyền qua bề mặt các đồ vật.

Khi làm điều này, chúng ta có thể tiết kiệm hàng triệu đô la được chi cho các hoạt động dọn dẹp khử trùng không cần thiết. Những điều này có thể mang lại ít hoặc không mang lại lợi ích và được thực hiện chỉ vì chúng dễ thực hiện và mang lại sự yên tâm khi làm điều gì đó, do đó có thể làm giảm bớt một số lo lắng của chúng ta.

Tác giả: Hassan Vally - Phó giáo sư, Đại học La Trobe, Úc

Ánh Dương

Theo The Conversation

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Rất khó lây bệnh COVID-19 từ bề mặt các đồ vật, việc vệ sinh khử trùng diện rộng có thực sự cần thiết?