Scotland có thể trở thành “quốc gia tái hoang dã” đầu tiên trên thế giới. Họ đã làm như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới của chúng ta đang tồn tại trong một sự cân bằng và, với rất nhiều loài bị mất hay biến mất như hiện nay, sự cân bằng đó đang bị đe dọa. Các chuyên gia cho biết, việc khôi phục lại bức tranh khảm tự nhiên của các loài có quan hệ với nhau là rất quan trọng đối với sức khỏe tương lai của hành tinh chúng ta.

Trong 50 năm qua, 2/3 số động vật hoang dã trên thế giới đã biến mất. Khoảng 40% các loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các nhà khoa học cho biết rằng, số loài động thực vật hoang dã đang bị mất đi nhanh hơn so với số lượng được tìm ra, đặt tên và nghiên cứu.

Các kế hoạch trồng cây, nỗ lực bảo tồn tích cực đối với các khu rừng và các giải pháp thu giữ carbon công nghệ cao đều nhằm giúp giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học và khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Ngày càng có nhiều người tin rằng cách duy nhất để lấy lại những gì chúng ta đã mất là phải đặt niềm tin vào sự phục hồi môi trường tự nhiên - quá trình đó được gọi là “tái hoang dã”.

Đối với một số người, việc phóng thích những kẻ săn mồi đỉnh cao như chó sói và loài Linh miêu Á-Âu vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Tái hoang dã là gì?

Tái hoang dã dựa trên nguyên tắc thiên nhiên tự biết rõ nhất phải bảo vệ mình như thế nào.

Nhưng do những thiệt hại mà con người đã gây ra cho thế giới tự nhiên, thiên nhiên cần được một bàn tay giúp đỡ trong việc hồi phục cho đến khi tự có thể làm được điều đó. Trên khắp châu Âu, chúng ta đã mất đi một lượng lớn động thực vật bản địa cần thiết để giữ cho hệ sinh thái cân bằng.

Để tái hoang dã môi trường tự nhiên, chúng ta cần tạo ra các điều kiện phù hợp thông qua các hành động như tái tạo các loài đã biến mất, phục hồi rừng tái sinh và ngăn chặn sự chia cắt của các dòng sông.

Trên lý thuyết, thiên nhiên cần có tác động thúc đẩy và hỗ trợ cho đến khi có khả năng tự hồi phục. Như vậy, tình trạng mất đa dạng sinh học và khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trầm trọng có thể đẩy lùi và chấm dứt.

Một ví dụ điển hình về thành công của việc tái hoang dã tại vườn quốc gia Yellowstone ở Hoa Kỳ. Vào đầu thế kỷ XX, những con sói bị săn bắt đến mức gần tuyệt chủng, số lượng con mồi của loài sói này là những động vật ăn cỏ tăng lên gấp bội khiến thảm thực vật bị tổn hại và mặt đất có khả năng bị xói mòn.

Mặt đất bị xói mòn, ảnh hưởng sự tăng trưởng của các loài cây, đặc biệt là nhóm cây dương và cây liễu. Cùng với đó, mất đi môi trường sống của các loài chim biết hót và hải ly không còn vật liệu để làm nên những con đập. Bờ sông cũng bắt đầu bị xói mòn và nhiệt độ nước tăng lên khi không có bóng cây tự nhiên. Như vậy, việc Yellowstone mất đi những con sói đã ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái của vườn quốc gia.

Đến năm 1995, nhân viên bảo vệ động vật hoang dã đã bắt 14 con sói tại vườn quốc gia Jasper của Canada, chuyển qua biên giới để thả vào Yellowstone, thay thế cho những con đã mất trong những thế kỷ trước. Chúng được làm quen với môi trường mới trước khi được thả.

Ba con sói nằm trong chương trình tái hoang dã ở Công viên Quốc gia Yellowstone, Hoa Kỳ.
Ba con sói nằm trong chương trình tái hoang dã ở Công viên Quốc gia Yellowstone, Hoa Kỳ. (Ảnh: Getty)

Trong vòng 20 năm, số lượng sói đã tăng vọt và sự hiện diện của loài săn mồi đỉnh cao này đã bắt đầu mang lại sự cân bằng cho Yellowstone. Giờ đây, việc phục hồi lại môi trường tự nhiên được xem như mô hình chuẩn và đang từng bước tiếp tục thực hiện, tuy diễn ra trên quy mô nhỏ nhưng có thể giúp chữa lành môi trường tự nhiên mà chúng ta đã tàn phá nặng nề trong quá khứ.

Mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng cho các hệ sinh thái khác đang phải chịu tác động dưới sự tàn phá của con người từ hàng thế kỷ trước.

Quốc gia thực hiện tái hoang dã đầu tiên trên thế giới

Hoạt động tái hoang đã đang trở thành phong trào ngày càng phổ biến ở Scotland trong vài năm qua. Liên minh tái hoang dã Scotland (SWA) kêu gọi chính trị gia thúc đẩy các chính sách để đưa Scotland trở thành quốc gia thực hiện tái hoang dã đầu tiên trên thế giới.

Trước cuộc bầu cử quốc hội Scotland vào tháng tới, SWA muốn thấy sự cam kết vững chắc từ các đảng phái chính trị trong việc đưa ra những giải pháp cho cuộc khủng hoảng thiên nhiên và biến đổi khí hậu cũng như mang lại việc làm cho các cộng đồng nông thôn. Liên minh tin rằng, thực hiện tái hoang dã sẽ là một phần của những cam kết này.

Steve Micklewright, thành viên của SWA, cho biết: “Các đảng phái và công chúng phải đối mặt với nhiều lựa chọn tại cuộc bầu cử này, bao gồm cả các quyết định quan trọng sẽ định hình vùng đất và vùng biển Scotland trong tương lai”.

Micklewright cho biết họ đang thúc giục tất cả các đảng phái chính trị cam kết thực hiện năm biện pháp khác nhau để bảo vệ thiên nhiên và thúc đẩy nền kinh tế:

  • Cam kết tái hoang dã 30% đất công.
  • Gây quỹ cộng đồng để hỗ trợ tái hoang dã ở các thị trấn và thành phố.
  • Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, trợ giúp việc hòa nhập môi trường sống mới cho các loài chủ chốt như hải ly và phục hồi loài Linh miêu Á-Âu.
  • Bảo vệ vùng ven biển, không cho phép nạo vét và đánh lưới
  • Có kế hoạch kiểm soát số lượng loài hươu, nai, có các chính sách phục hồi đất sau thời gian loài ăn cỏ phát triển quá mức.

Năm ngoái, SWA đã thực hiện một cuộc thăm dò trên khắp Scotland và nhận thấy sự ủng hộ rộng khắp của dân chúng dành cho công cuộc tái hoang dã và bảo vệ thiên nhiên. Hơn 3/4 số người bày tỏ ý kiến ủng hộ công cuộc này, nhiều gấp mười lần con số những người phản đối.

“Công chúng muốn thấy các chính trị gia đạt được tiến triển thực sự trong công cuộc tái hoang dã và chúng tôi sẽ khuyến khích mọi người lưu ý đến vấn đề này khi họ xem bản tuyên bố của các bên.

“Cơ hội đưa Scotland trở thành Quốc gia tái hoang dã đầu tiên trên thế giới là rất tiềm năng. Tiền đề để khắc phục tình trạng biến đổi cho khí hậu, đa dạng sinh học và thúc đẩy một loạt các lợi ích kinh tế - xã hội liên quan”, Micklewright nhấn mạnh thêm.

May May

Theo Euronews



BÀI CHỌN LỌC

Scotland có thể trở thành “quốc gia tái hoang dã” đầu tiên trên thế giới. Họ đã làm như thế nào?