Tái chế nhựa bằng enzyme đột biến: Công nghệ cứu tinh của môi trường xuất hiện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công nghệ phân hủy nhựa nhanh và tái chế lại thành một loại nhựa mới để sử dụng bằng một loại enzyme đột biến đã được thực hiện thành công. Điều này không khác gì một cứu tinh môi trường cho nhân loại.

Trên Tạp chí Nature vừa có bài công bố về kết quả nghiên cứu của công ty Carbios, một công ty về hóa học xanh của Pháp về công nghệ tái chế nhựa hiệu quả cao.

Tái chế nhựa là bài toán hóc búa để bảo vệ môi trường, rất nhiều các nghiên cứu trên thế giới đã được thực hiện để giải quyết vấn đề trong nhiều thập kỷ nay. Trong đó, công ty khởi nghiệp Carbios của Pháp, sau hơn 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ dùng enzyme đột biến biết ‘tiêu hóa nhựa’ để tái chế nhựa PET, đã trở thành nhà đi tiên phong trong lĩnh vực tái chế sinh học này.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sàng lọc 100.000 vi sinh vật trong các loại phân hữu cơ để tìm ra ứng viên sáng giá nhất. Trong các loại sinh vật đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loại bọ có trong phân hữu cơ được ủ từ lá cây là sinh vật tạo ra enzyme tốt nhất.

Giáo sư Alain Marty (Đại học Toulouse, Pháp), Giám đốc khoa học của Carbios cho biết, loại bọ này đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2012. Tuy nhiên, chúng đã hoàn toàn bị bỏ quên trong thời gian qua. Không ngờ, đây là loại sinh vật tốt nhất.

Thử nghiệm phá hủy 1 tấn chai nhựa thải bằng loại enzyme đột biến này đã cho kết quả đáng kinh ngạc. Chỉ sau 10 giờ, 90% khối lượng nhựa đã được phân hủy và vật liệu phân hủy này đã được sử dụng để sản xuất ra chai nhựa dùng để đựng thực phẩm.

Hiện nay, rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Hàng tỷ tấn rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các vi hạt nhựa đang được tìm thấy khắp mọi nơi, ngay cả trong đồ ăn của con người. Điều này đang ngày càng hiện hữu đe dọa sức khỏe của chúng ta và các sinh vật khác trên khắp hành tinh.

Nhiều chiến dịch kêu gọi con người hạn chế sử dụng các loại vật dụng bằng nhựa đã thường xuyên được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận, nhựa là một vật liệu quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của con người.

Cũng chính vì thế, việc tái chế nhựa bằng enzyme là một giải pháp tối ưu khi có thể giúp cắt giảm lượng khí thải sản sinh từ việc đốt rác thải bằng dầu và khuyến khích con người thu gom rác thải nhựa trong môi trường.

Phó giám đốc điều hành tại Carbios Martin Stephan cho biết, nhựa PET tái chế sẽ đắt hơn nhựa nguyên sinh do trước khi phân hủy bằng enzyme, nhựa phải được nghiền và làm nóng. Tuy nhiên, ông này cũng cho biết giá thành của các loại nhựa tái chế hiện có trên thị trường cao nhưng chất lượng thì kém hơn PET tái chế.

Hiện tại, Carbios đang hợp tác với các công ty lớn là Pepsi và L’Oréal để đẩy mạnh việc sản xuất loại nhựa tái chế này. Các chuyên gia cho rằng đây là một đột phá trong công nghệ tái chế, bởi các những công nghệ tái chế hiện có thường chỉ tạo ra các loại nhựa dành cho sản xuất quần áo và thảm.

Gần đây, nhóm nghiên cứu, do Tiến sĩ Chris Rinke từ Trường Hóa học và Khoa học Sinh học Phân tử của Đại học Queensland (UQ) dẫn đầu, cũng đã phát hiện ra loại sâu Zophobas morio — được gọi là ‘superworm’ — thích ăn polystyrene và có thể chuyển hóa nó nhờ một loại enzyme vi khuẩn cụ thể trong ruột.

Mục tiêu của các nhóm nghiên cứu là tạo ra những enzyme tương tự để phân hủy chất thải nhựa trong các nhà máy tái chế. Tiến sĩ Rinke cho biết, superworm chính là những nhà máy tái chế mini, chúng dùng miệng cắt nhỏ polystyrene và sau đó ăn polystyrene này để nuôi vi khuẩn đường ruột của chúng.

Ông nói: “Các sản phẩm phân hủy từ phản ứng này sau đó có thể được sử dụng bởi các vi sinh vật khác để tạo ra các hợp chất có giá trị cao như nhựa sinh học”.

Công ty Carbios là công ty đầu tiên đưa công nghệ tái chế nhựa này ra thị trường. Công ty này cũng có mục tiêu sản xuất PET tái chế với quy mô lớn vào năm 2024 hoặc 2025.

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tái chế nhựa bằng enzyme đột biến: Công nghệ cứu tinh của môi trường xuất hiện