Tại sao bạch tuộc rất thông minh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạch tuộc có thể mở chai lọ là một khả năng ấn tượng và thường được sử dụng để minh họa trí thông minh của nó. Tuy nhiên đó chưa phải là khả năng đáng chú ý nhất của chúng.

Tại sao bạch tuộc lại có những điểm tương đồng kỳ lạ giống con người, trong khi lại có vẻ ngoài khác với con người như vậy? Có lẽ bởi vì mặc dù những xúc tu được bao phủ bởi lông hút và không có xương, nhưng đôi mắt, bộ não và thậm chí cả sự tò mò của chúng cũng gợi cho chúng ta sự khao khát kiến ​​thức của chính mình.

Bạch tuộc có sự linh hoạt tuyệt vời trong các hành vi của chúng. Ảnh minh hoạ: Pixabay
Bạch tuộc có sự linh hoạt tuyệt vời trong các hành vi của chúng. Ảnh minh hoạ: Pixabay

Trong khoa học nghiên cứu về hành vi, chúng ta khám phá trí thông minh "khả năng nhận thức" của cá nhân. Đây là những cơ chế mà thông tin từ môi trường được nhận thức, xử lý, chuyển đổi, ghi nhớ và sử dụng để đưa ra quyết định và hành động.

Từ quan điểm hành vi, động vật linh hoạt có thể tự thích nghi và điều chỉnh hành vi của mình theo các tình huống mới là một chỉ số tốt về khả năng nhận thức của chúng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bạch tuộc sở hữu tính linh hoạt tuyệt vời trong các hành vi của chúng. Mặc dù chúng thể hiện chúng trong môi trường tự nhiên hay khi chúng ở bể trong phòng thí nghiệm.

Vũ khí bảo vệ khỏi sự nguy hiểm

Bạch tuộc thay đổi màu sắc và kết cấu da để nguỵ trang trước kẻ săn mồi. Ảnh minh hoạ: Pixabay
Bạch tuộc thay đổi màu sắc và kết cấu da để nguỵ trang trước kẻ săn mồi. Ảnh minh hoạ: Pixabay

Vậy điều gì đã khiến những con bạch tuộc trở nên thông minh như vậy?

Đầu tiên chúng ta hãy tập trung vào cơ chế phòng thủ của chúng. Bạch tuộc là bậc thầy nguỵ trang khi đối mặt với nhiều kẻ săn mồi như cá, chim và cá voi. Chúng có thể bắt chước môi trường của chúng bằng cách thay đổi màu sắc và thậm chí cả kết cấu của da.

Bạch tuộc không có vỏ bảo vệ nên rất dễ bị tổn thương và luôn cố ẩn mình trong một nơi trú ẩn như hốc hoặc không gian bên dưới tảng đá. Một số loài duy trì nơi trú ẩn của chúng bằng cách nấp dưới cát hoặc đá cuội, vỏ sò. Một số thích quấn mình trong vỏ sò và đá cuội.

Người ta đã quan sát thấy bạch tuộc dùng gáo dừa để ẩn nấp trong tình huống nguy hiểm. Đây là trường hợp của loài bạch tuộc dừa đúng như tên gọi của nó.

Bản thân bạch tuộc cũng là những kẻ săn mồi đáng gờm và cơ chế tấn công của chúng phù hợp với nhiều loại con mồi mà chúng tiêu thụ. Ví dụ như loài sò, động vật giáp xác, cá và thậm chí cả các loài động vật chân đầu (một lớp động vật thân mềm) khác. Chúng có thể sử dụng tầm nhìn và kỹ năng ngụy trang để săn mồi. Xúc tu của chúng có thể khám phá, chạm và cảm nhận môi trường xung quanh để giành lấy từng chút thức ăn trong tầm với.

Bạch tuộc là một thợ săn chuyên nghiệp. Nó có thể hợp tác với các loài khác như nhóm để săn con mồi ẩn. Nó có thể học cách tránh những con cua có hải quỳ độc bám lên hoặc tìm cách tấn công chúng một cách thận trọng trong khi tránh khỏi bị tấn công.

Bạch tuộc sử dụng các kỹ thuật khác nhau để ăn thịt sò và động vật thân mềm. Chúng dùng lực kéo vỏ ra và đặt một viên đá nhỏ bên trong để giữ cho nó mở, hoặc chui vào khe hở của con sò và tiêm chất độc làm tê liệt khiến con mồi mở ra. Chất độc này được tiêm vào một nơi rất chính xác dưới vỏ. Bạch tuộc học và ghi nhớ vị trí chất độc được tiêm trên mỗi con sò mà chúng ăn thịt.

Không xương, không não

Các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra khả năng nhận thức của bạch tuộc trong phòng thí nghiệm. Trong phòng thí nghiệm EthoS, người ta hiện đang nghiên cứu khả năng ghi nhớ và lập kế hoạch tương lai của loài bạch tuộc thông thường. Chúng là những loài động vật phức tạp với những khả năng đáng kinh ngạc.

Với sức mạnh đáng kinh ngạc có thể khiến chúng dễ dàng phá hủy các dụng cụ thí nghiệm: hãy cẩn thận với máy ảnh dưới nước, chúng có thể mở hộp chống thấm nước khiến máy bị hỏng! Và bởi vì bạch tuộc không xương, chúng có thể dễ dàng thoát khỏi bể thí nghiệm của mình thông qua những khe hở nhỏ nhất. Chúng cũng cực kỳ tò mò và sẽ dành thời gian nghiên cứu lưới hoặc bất kỳ đồ vật nào khác được đưa vào bể của chúng.

Mặc dù các nhà nghiên cứu rất ấn tượng với khả năng mở chai nắp lọ của bạch tuộc. Điều này minh họa cho trí thông minh của chúng nhưng không phải là khả năng đáng chú ý nhất của bạch tuộc. Đây chủ yếu là vấn đề về sự khéo léo và nắm bắt. Bạch tuộc khá chậm chạp khi thực hiện nhiệm vụ này: ngay cả khi được huấn luyện nhiều, một con bạch tuộc luôn mất hơn một phút để mở một cái lọ. Một ví dụ điển hình hơn về trí thông minh ấn tượng của chúng là khả năng điều khiển một vật thể hình chữ L để nó có thể đi qua một lỗ vuông nhỏ trên tường.

Bạch tuộc có khả năng lưu giữ thông tin và ghi nhớ trong vài tháng. Ảnh minh hoạ: Pxhere
Bạch tuộc có khả năng lưu giữ thông tin và ghi nhớ trong vài tháng. Ảnh minh hoạ: Pxhere

Bạch tuộc cũng xuất sắc trong việc học phân biệt: đối mặt với hai đối tượng, chúng học cách tấn công một trong số chúng để đổi lấy phần thưởng dựa trên các đặc điểm như màu sắc, hình dạng, kết cấu hoặc mùi vị. Các thông tin này có thể được chúng lưu giữ trong vài tháng. Chúng cũng có thể khái quát hóa một quá trình suy nghĩ phức tạp. Chúng có thể áp dụng một cách tự nhiên quy tắc đã học trước đó cho các đối tượng mới. Ví dụ, những con bạch tuộc trước đây đã học cách tấn công một quả bóng thật, nó có thể tiếp tục tấn công một quả bóng ảo trên màn hình.

Bạch tuộc cũng có thể có khả năng phân biệt có điều kiện, tức là, chúng có thể thay đổi lựa chọn của mình tùy thuộc vào ngữ cảnh. Ví dụ, chúng có thể học cách tấn công một con mồi khi thấy có dấu hiệu bong bóng nổi lên. Chúng cũng có thể sử dụng phương pháp học không gian và tìm nơi ẩn náu bằng cách ghi nhớ vị trí hoặc sử dụng các dấu hiệu trực quan để biết cách định hướng.

Cuối cùng là một điều không kém phần quan trọng. Những con bạch tuộc có thể học bằng cách quan sát những con bạch tuộc khác thực hiện các nhiệm vụ. Chẳng hạn như chọn một đối tượng cụ thể thay cho một đối tượng khác. Điều này thật đáng ngạc nhiên, vì chúng chủ yếu là những sinh vật sống đơn độc.

Bạch tuộc có đủ tiêu chí thông minh

Bạch tuộc đáp ứng mọi tiêu chí về trí thông minh: chúng thể hiện sự linh hoạt tuyệt vời trong việc thu thập thông tin (sử dụng một số giác quan và học hỏi xã hội), trong việc xử lý (thông qua học tập phân biệt và có điều kiện) và lưu trữ thông tin (thông qua trí nhớ dài hạn). Ngoài ra trí thông minh của bạch tuộc còn thể hiện trong việc áp dụng cho cả động vật ăn thịt và con mồi.

Bất chấp khả năng rõ ràng của chúng, bạch tuộc có phản ứng thất thường một cách kỳ lạ. Đặc biệt là trong các nhiệm vụ phân biệt bằng thị giác, chúng chỉ có thể thực hiện chính xác khoảng 80%, trong khi các động vật khác thành công gần như hoàn hảo.

Đừng nhầm lẫn: bạch tuộc có thể thông minh, nhưng trong lớp họ nhà bạch tuộc, chúng sẽ là học sinh sáng sủa nhưng ngỗ ngược, và mực nang sẽ đứng đầu lớp.

Mực nang có vẻ không nổi tiếng như bạch tuộc nhưng nó đang là đối tượng của nhiều dự án nghiên cứu trên toàn thế giới, loài vật này ít gây rối hơn bạch tuộc. Chúng sở hữu khả năng học tập đặc biệt, có thể tiếp thu các quy tắc phức tạp ngay lập tức và áp dụng chúng một cách hoàn hảo.

Ngọc Mai

Theo Bigthink



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao bạch tuộc rất thông minh?