Tại sao cần sử dụng ứng dụng Chat có mã hoá tin nhắn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, ngày càng nhiều vấn đề xuất hiện liên quan đến bảo mật dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân, mã hoá thông tin cá nhân, mã hoá thông tin cuộc hội thoại. Bài viết này giải thích tại sao chúng ta nên sử dụng những ứng dụng Chat có mã hoá tin nhắn.

Với sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều ứng dụng Chat/nhắn tin được tạo ra. Có nhiều ứng dụng Chat không có chế độ mã hoá tin nhắn, trong khi đó cũng có khá nhiều ứng dụng Chat có mã hoá tin nhắn.

Như vậy, sự khác biệt giữa ứng dụng có mã hoá tin nhắn và ứng dụng không có mã hoá tin nhắn là gì? Đó chính là việc nhà phát triển ứng dụng có sử dụng quy trình mã hoá cho ứng dụng của họ hay không.

Ứng dụng Chat không có mã hoá tin nhắn

Trước hết, mình sẽ giải thích một cách đơn giản nhất cách hoạt động của ứng dụng mà không sử dụng mã hoá tin nhắn, giả sử chúng ta có hai người A và B đang muốn trò chuyện với nhau như trong hình minh hoạ bên dưới.

"Hình

Khi người A gửi tin nhắn cho người B, ứng dụng Chat sẽ nhận trực tiếp tin nhắn này và gửi cho người B, đồng thời hệ thống cũng lưu nội dung tin nhắn này vào kho dữ liệu của họ, ở đây gọi là cơ sở dữ liệu (database).

Như vậy với ứng dụng Chat mà không có mã hoá tin nhắn, thì người quản lý ứng dụng Chat có thể đọc, xem, dùng tất cả nội dung tin nhắn của bạn. Bạn có thể sẽ nghĩ là họ không có thời gian mà đọc hết từng tin nhắn, nhưng họ có thể sử dụng Trí tuệ nhân tạo để khai thác dữ liệu lớn.

Khai thác dữ liệu lớn với Trí tuệ nhân tạo

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence --- AI), họ có thể sẽ sử dụng các mô hình (model) để phân tích dữ liệu, rút trích dữ liệu, phân tích tình cảm người dùng, phân loại người dùng… còn rất nhiều bài toán khác nữa. Và hiệu quả của những mô hình này hiện nay đang rất tốt, khi họ sử dụng lượng lớn dữ liệu cho quá trình huấn luyện mô hình (training process). Thậm chí có một số bài toán mà kết quả của các mô hình còn tốt hơn kết quả của con người. (Ví dụ bài toán hỏi đáp trên tập dữ liệu Stanford Question Answering Dataset)

Vậy nên, khi bạn sử dụng ứng dụng Chat không có mã hoá tin nhắn, thì tất cả thông tin chat của bạn đều bị ghi lại, và có thể được sử dụng cho các mục đích khác mà chúng ta không biết chính xác. Bạn là người như thế nào, bạn thích gì, bạn ra sao, bạn thường chat với ai, bạn thường chat với ai về chủ đề gì… tất cả những vấn đề này người quản lý ứng dụng Chat đều có thể biết nếu họ tiến hành phân tích dữ liệu của bạn.

Ứng dụng Chat có mã hoá tin nhắn

Tiếp theo, mình sẽ giải thích tại sao sử dụng ứng dụng có mã hoá tin nhắn thì an toàn hơn. Đây là một hình minh hoạ ví dụ cho ứng dụng có sử dụng mã hoá tin nhắn.

Hình minh hoạ ứng dụng Chat có mã hoá tin nhắn. PlainText có thể được hiểu là dữ liệu nguyên gốc, dữ liệu chưa qua quá trình xử lý. CipherText là dữ liệu đã được mã hoá. Public key là khóa công khai. Private key là khóa bí mật hay khóa cá nhân.
Hình minh hoạ ứng dụng có mã hoá tin nhắn. PlainText có thể được hiểu là dữ liệu nguyên gốc, dữ liệu chưa qua quá trình xử lý. CipherText là dữ liệu đã được mã hoá. Public key là khóa công khai. Private key là khóa bí mật hay khóa cá nhân.

Tương tự như ví dụ ở trên, trong ví dụ này chúng ta cũng có cuộc trò chuyện giữa hai người A và B. Lúc này người A gửi cho người B một tin nhắn. Thay vì sử dụng trực tiếp tin nhắn và gửi đi, lúc này tin nhắn được mã hoá bởi một khoá. Khoá này được gọi là Public key của B---Khoá công khai của B.

Quy trình hoạt động:

Dữ liệu sau khi được mã hoá được gọi là CipherText, lúc này thì không ai có thể đọc và hiểu được, trừ khi họ có khoá để giải mã.

Ứng dụng Chat lúc này sẽ gửi đi tin nhắn đã được mã hoá cho người B. Ngay cả bản thân ứng dụng Chat, cũng sẽ không có cách nào xem và hiểu được nội dung tin nhắn.

Vì để giải mã được thông tin này, thì chỉ mình B là có chìa khoá giải mã. Lúc này B sẽ sử dụng Private key của B---Khoá bí mật của B để giải mã nội dung tin nhắn và xem nó.

Như vậy khi chúng ta sử dụng ứng dụng Chat mà có mã hoá tin nhắn thì bảo mật hơn rất nhiều lần so với ứng dụng không có mã hoá tin nhắn.

Giải thích về cặp khoá:

  • Public key của B (Khoá công khai của B)
  • Private key của B (Khoá bí mật của B)

Đây là cặp khoá được sử dụng trong mã khoá công khai. Khi bạn sử dụng ứng dụng có mã hoá tin nhắn lần đầu tiên thì hệ thống sẽ tự động tạo ra cặp khoá này giúp bạn và hệ thống cũng tự động đưa khoá công khai của bạn cho người mà bạn muốn trò chuyện. Nên bạn sẽ không cần phải lo lắng về vấn đề tạo khoá ra sao hoặc các vấn đề liên quan.

Kết luận

Như vậy, mình nghĩ, điều quan trọng là chúng ta nên sử dụng các ứng dụng Chat có mã hoá tin nhắn thì thông tin cá nhân của chúng ta sẽ được bảo mật tốt hơn. Một số ứng dụng nhắn tin có mã hoá tin nhắn mà mình biết: Signal, Telegram, WhatsApp, và Viber.

Xem thêm:

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao cần sử dụng ứng dụng Chat có mã hoá tin nhắn?