Tại sao chúng ta thường tự cho mình là đúng còn người khác là sai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao chúng ta lại chắc chắn rằng cách chúng ta nhìn mọi người, tình huống và các vấn đề chính trị là chính xác, còn cách người khác nhìn là sai lầm và ngu ngốc?

Một nghiên cứu mới dựa trên việc phân tích hơn 400 công trình trước đó của giáo sư tâm lý học Matthew Lieberman đến từ Đại học UCLA đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên.

Lieberman cho rằng nguyên nhân là do một khu vực trong não mà ông gọi là "vỏ não gestalt" đã khiến con người đưa ra kết luận cuối cùng cho các thông tin mơ hồ hoặc không đầy đủ, và loại bỏ các cách diễn giải khác.

Mọi người thường lầm tưởng sự hiểu biết của họ về con người và sự kiện là sự thật khách quan, chứ không phải là cách hiểu đơn thuần của họ.

Hiện tượng này, được gọi là "chủ nghĩa hiện thực ngây thơ", khiến mọi người tin rằng họ nên có kết luận cuối cùng về thế giới xung quanh.

Lieberman nói: “Chúng ta có xu hướng tự tin phi lý vào những trải nghiệm của chính mình về thế giới và coi trải nghiệm của những người khác là thông tin sai lạc, cẩu thả, vô lý hoặc sai lệch khi họ không nhìn thế giới theo cách của chúng ta. Bằng chứng từ dữ liệu thần kinh rõ ràng cho thấy rằng vỏ não gestalt là trung tâm của cách chúng ta tạo ra phiên bản thực tế của mình”.

Lieberman cho rằng chủ nghĩa hiện thực ngây thơ có thể là nguồn gốc duy nhất của xung đột và sự thiếu tin tưởng giữa các cá nhân và nhóm.

Ông nói: “Khi những người khác nhìn thế giới không giống với chúng ta, thì điều đó có thể là một mối đe dọa hiện hữu đối với sự tiếp xúc của chúng ta với thực tế và thường dẫn đến sự tức giận và nghi ngờ với những người khác. Nếu chúng ta biết một người đang nhìn thế giới như thế nào, thì những phản ứng sau đó của họ sẽ dễ đoán hơn nhiều”.

Lieberman cho biết mặc dù câu hỏi về cách con người cảm nhận thế giới là một chủ đề lâu dài trong tâm lý xã hội, nhưng các cơ chế cơ bản của não bộ chưa bao giờ được giải thích đầy đủ.

Các hành vi trí óc nhất quán, dễ dàng và dựa trên kinh nghiệm của chúng ta có xu hướng xảy ra trong vỏ não gestalt.

Ví dụ, một người có thể nhìn thấy người khác đang cười và không đưa ra bất kỳ suy nghĩ rõ ràng nào, thì họ cho rằng người kia đang hạnh phúc. Do những suy luận đó là nhanh chóng và dễ dàng, nên họ thường cảm thấy giống như "nhìn thấy thực tế" chứ không phải chỉ là “suy nghĩ” của bản thân họ. Trong thực tế, hạnh phúc là một trạng thái tâm lý bên trong, biểu hiện bên ngoài chỉ là một khía cạnh trong đó.

Ông nói: "Trí óc làm nổi bật câu trả lời tốt nhất của nó và loại bỏ các đáp án của đối phương. Ban đầu, trí óc có thể xử lý thế giới như một nền dân chủ, nơi mọi cách giải thích thay thế đều nhận được sự đánh giá, nhưng nó nhanh chóng kết thúc như một chế độ độc tài nơi một cách giải thích cai trị bằng nắm đấm thép và các tiếng nói bất đồng quan điểm bị nghiền nát. Khi đã lựa chọn một cách diễn giải, vỏ não gestalt ức chế những giải thích khác theo nghĩa đen”.

Nghiên cứu trước đây của Lieberman đã chỉ ra rằng khi những người cùng quan điểm - ví dụ về một vấn đề chính trị - gặp nhau, hoạt động trong võ não gestalt của họ giống nhau hơn so với những người bất đồng quan điểm.

Gestalt là một trường phái tâm lý học xuất hiện ở Áo và Đức vào đầu thế kỷ 20. Từ Gestalt (tiếng Đức: có nghĩa là "hình thức") được hiểu là "biểu mẫu" hoặc "cấu hình".Các nhà tâm lý học Gestalt nhấn mạnh rằng các sinh vật cảm nhận toàn bộ mô hình hoặc cấu hình, không chỉ các thành phần riêng lẻ. Quan điểm này đôi khi được tóm tắt bằng câu ngạn ngữ, "tổng thể tốt hơn là riêng lẻ”.

Vỏ não gestalt nằm sau tai và nó nằm giữa các phần của não chịu trách nhiệm xử lý thị giác, âm thanh và xúc giác; những phần này được kết nối với nhau bằng một cấu trúc được gọi là vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (temporoparietal junction), cũng là một phần của vỏ não gestalt.

Trong nghiên cứu mới, Lieberman đề xuất rằng vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương là trung tâm của trải nghiệm có ý thức và nó giúp tổ chức và tích hợp các đặc điểm tâm lý của các tình huống mà mọi người nhìn thấy để họ có thể hiểu được chúng một cách dễ dàng.

Ông cho biết, vỏ não gestalt không phải là khu vực duy nhất của não cho phép mọi người xử lý và giải thích những gì họ thấy một cách nhanh chóng, nhưng nó là một khu vực đặc biệt quan trọng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Review.

Văn Thiện

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao chúng ta thường tự cho mình là đúng còn người khác là sai?