Tại sao lính gác của Nữ hoàng Anh lại đội những chiếc mũ cao tới gần nửa mét?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng với những chiếc xe buýt hai tầng, bốt điện thoại màu đỏ và tháp đồng hồ Big Ben, đội lính gác của Nữ hoàng Elizabeth II cũng là một hình ảnh quen thuộc khi nói đến nước Anh. Nhưng nếu trang phục của họ không phải được thiết kế để trông đẹp mắt, thì tại sao những lính gác này lại đội mũ màu đen cao và mặc áo chẽn màu đỏ nổi bật như vậy? 

Thật khó tin, nhưng trang phục này được thiết kể để gây ra nỗi sợ hãi cho quân đội đối phương.

Richard Fitzwilliams, một nhà bình luận hoàng gia có trụ sở tại London, cho biết: “Ý tưởng là bạn làm cho những người lính bộ binh trông cao hơn và do đó đáng sợ hơn. Những chiếc mũ được tạo ra để đáp ứng nhu cầu thiết thực đối với một người lính bộ binh trong chiến tranh”.

Fitzwilliams nói thêm: “Chúng đã được sử dụng trong trận đánh chống lại quân Pháp trong các cuộc chiến tranh do Napoleon phát động. Trên thực tế, Đội cận vệ Hoàng gia của Napoleon cũng đội chúng”.

Bởi vì được làm từ lông gấu, cho nên những chiếc mũ còn có tên gọi là “da gấu”. Lông gấu này được lấy từ các con gấu đen Canada (Ursus Americanus) bị giết hàng năm để kiểm soát số lượng. Điều đó có nghĩa là không có con gấu nào bị giết riêng để làm nên những chiếc mũ cao 46 cm, nhưng điều này vẫn khiến một số người khó chịu. Trên thực tế, kể từ khi Vương quốc Anh rời Liên minh Châu Âu vào năm 2020, người ta đã bàn luận về việc cấm buôn bán lông thú hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện tại, quân đội Anh vẫn mua từ 50 đến 100 chiếc mũ mỗi năm, mỗi chiếc có giá khoảng 900 USD, theo tạp chí xã hội cao cấp của Anh, Tatler.

Ngày nay, những chiếc mũ đội đầu này mang đến một chút trang trọng cho trang phục của quân đội Anh khi binh lính của họ đang thực hiện các nhiệm vụ nghi lễ, chẳng hạn như thay trong việc đổi lính gác tại Cung điện Buckingham hoặc diễu binh hàng năm kỷ niệm sinh nhật chính thức của Nữ hoàng. Tuy nhiên, những người đội mũ da gấu cũng thường xuyên mặc đồng phục ngụy trang khi cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ không phải nghi lễ trong quân đội Anh.

Đối với áo chẽn màu đỏ tươi, được mặc trong những tháng mùa hè, có một tin đồn từ lâu rằng người Anh chọn màu này vì nó giúp che đi vết máu, thứ gây ra ảnh hưởng xấu đến tinh thần và làm mất thẩm mỹ. Nhưng Fitzwilliams cho rằng, việc này đến từ tính tiết kiệm.

Fitzwilliams cho biết: “Lý do binh lính Anh thường mặc màu đỏ là vì nó là loại thuốc nhuộm rẻ nhất và dễ dàng tìm thấy nhất. Ngày nay, nó dường như là một màu không phù hợp cho trận chiến vì nó sẽ làm cho bạn trở nên dễ thấy hơn, nhưng trong khói lửa và sự hỗn loạn của trận chiến, nó cũng cho phép phân biệt bạn bè với kẻ thù, ngăn bạn bị giết bởi người của chính phe mình”. Rốt cuộc, những bộ đồng phục này vẫn gợi nhớ lại thời kỳ chiến tranh truyền thống của châu Âu, nơi các bên tham chiến xuất hiện trên một bãi chiến trường cụ thể và đứng thành hàng để tấn công lẫn nhau theo đúng nghĩa đen - khác xa với chiến thuật du kích.

Vì vậy, Nữ hoàng Anh được bảo vệ bởi các sĩ quan mặc đồng phục giống như những người lính đang làm nhiệm vụ cách đây hai thế kỷ. Fitzwilliams cho biết, điều này có phần lỗi thời, nhưng chính những truyền thống như thế này đã làm cho hoàng gia Anh nổi tiếng khắp thế giới.

Ông nói thêm: “Chúng tôi có chế độ quân chủ hoạt động hiệu quả nhất thế giới và các lính gác đóng một vai trò quan trọng. Họ là một trong những điểm thu hút nhiều du khách của London”.

Theo Livescience

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao lính gác của Nữ hoàng Anh lại đội những chiếc mũ cao tới gần nửa mét?