Tàu thăm dò Perseverance của NASA tiết lộ thêm bí mật về miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tàu thăm dò Perseverance của NASA đã đưa ra những phát hiện thú vị về vị trí mà nó đang khám phá trên sao Hỏa, miệng núi lửa Jezero, giúp các nhà khoa học hiểu thêm về khu vực này và lịch sử địa chất của nó…

Hai phát hiện chính từ dữ liệu mà tàu thăm dò của NASA thu được là nhiều viên đá trong miệng núi lửa Jezero có nước và một số thậm chí có chứa cả các phân tử hữu cơ.

Các phân tử hữu cơ nói trên có thể được tạo ra bởi các quá trình sinh học hoặc phi sinh học, vì vậy phát hiện của Perseverance không thể xác nhận rằng có sự sống tồn tại trên sao Hỏa. Tuy nhiên, các phát hiện cho thấy nếu từng có sự sống ở đó thì có thể tìm thấy bằng chứng về chúng.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng đá trong miệng núi lửa là đá magma tạo thành từ sự nguội đi của các dòng dung nham. Điều này cho phép trả lời một câu hỏi lớn về thành phần của miệng núi lửa, vì trước đây các nhà nghiên cứu không chắc liệu đá ở đó là đá magma hay trầm tích.

Nhà khoa học Ken Farley từ Dự án Perseverance của Caltech cho biết trong một tuyên bố: “Tôi đã bắt đầu tuyệt vọng và nghĩ rằng chúng tôi sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời. Nhưng sau đó thiết bị PIXL của chúng tôi đã có được một quan sát tốt về một mảnh đá mài mòn từ khu vực có biệt danh là 'Nam Séítah', thì tất cả trở nên rõ ràng: Các tinh thể bên trong tảng đá cung cấp bằng chứng không thể chối cãi”.

Tàu thăm dò của NASA còn được gắn thêm PIXL, viết tăt của Planetary Instrument for X-ray Lithochemistry, một công cụ sử dụng tia X để phân tích các mẫu đá và tìm ra thành phần của chúng. Sử dụng PIXL trên một mẫu cụ thể có tên gọi là “Brac”, các nhà khoa học đã phát hiện một cấu trúc đặc biệt chỉ có ở đá magma.

Farley cho biết: “Một sinh viên địa chất giỏi sẽ cho bạn biết rằng kết cấu như vậy cho thấy đá được hình thành khi các tinh thể lớn lên và lắng xuống trong dòng magma đang nguội dần - ví dụ như dòng dung nham dày, hồ dung nham hoặc buồng magma”.

Phân tích này cũng xác nhận rằng các tảng đá đã tiếp xúc với nước, tăng thêm bằng chứng cho giả thiết rằng miệng núi lửa Jezero là địa điểm của một hồ nước cổ đại. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh luận về chính xác nước đã có mặt tại địa điểm này trong bao lâu, vì vậy phát hiện góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử của khu vực.

Farley nói: “Tảng đá sau đó đã bị nước làm biến đổi nhiều lần, khiến nó trở thành một kho báu cho phép các nhà khoa học trong tương lai xác định niên đại các sự kiện ở Jezero, hiểu rõ hơn về thời kỳ mà nước phổ biến hơn trên bề mặt của sao Hỏa và tiết lộ lịch sử ban đầu của hành tinh”.

Ông cho biết thêm rằng ông kỳ vọng Sứ mệnh Trả mẫu sao Hỏa (Mars Sample Return) sẽ mang tới nhiều thứ tuyệt vời hơn.

Một trong những công việc của Perseverance là thu thập các mẫu đá và đất trên sao Hỏa và niêm phong chúng vào các ống. Sau đó, một tàu thám hiểm khác sẽ thu thập các mẫu này và mang trở về Trái đất trong sứ mệnh Trả mẫu sao Hỏa. Việc này sẽ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu các mẫu một cách chi tiết hơn những gì một tàu thăm dò có thể làm được.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Tàu thăm dò Perseverance của NASA tiết lộ thêm bí mật về miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa