Tên lửa mất kiểm soát của Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tàn tích của một tên lửa lớn được phóng gần đây của Trung Quốc đã bốc cháy trên trên bầu trời Malaysia trước khi hạ cánh xuống Ấn Độ Dương vào tối thứ Bảy.

Đoạn video được quay bởi một người dùng Twitter, người ban đầu nghĩ rằng đó là sao băng, cho thấy các mãnh vỡ của tên lửa bốc cháy trong bầu khí quyển khi nó đang rơi trở lại.

Nhiều người đã suy đoán trong phần bình luận của bài đăng Twitter rằng đó là mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc trong quá trình kết thúc tự nhiên của nó.

Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ xác nhận rằng các mảnh vỡ đã quay trở lại bầu khí quyển vào khoảng trước 12 giờ 45 trưa theo giờ ET (23 giờ 45 theo giờ Việt Nam) hôm thứ Bảy, và chuyển các câu hỏi về vị trí chính xác của các mảnh vỡ cho chính phủ Trung Quốc.

NASA cho biết Bắc Kinh đã không chia sẻ “thông tin quỹ đạo cụ thể” cần thiết để biết các mảnh vỡ có thể rơi xuống đâu.

Cơ quan này đã lo sợ rằng các mảnh vỡ có thể đổ bộ vào Mexico, nhưng cuối cùng nó đã rơi xuống đại dương mà không gây ra bất kỳ thương tích hoặc thiệt hại nào.

Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết: “Tất cả các quốc gia du hành vũ trụ nên tuân theo các phương pháp tốt nhất đã được thiết lập và thực hiện phần việc của họ là chia sẻ trước loại thông tin này để đưa ra những dự đoán đáng tin cậy về nguy cơ tác động của mảnh vỡ”.

Ông nói thêm: “Làm như vậy là rất quan trọng đối với việc sử dụng không gian có trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn của những người ở trên Trái đất”.

Vài giờ trước khi tên lửa đẩy rơi khỏi quỹ đạo, Aerospace Corporation, một công ty cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và tư vấn về tất cả các khía cạnh của sứ mệnh không gian, dự báo rằng một khu vực dân cư của Mexico trên bán đảo Baja California, gần Cabo San Lucas, sẽ nằm trong đường đi tiềm năng của mảnh vỡ.

Tuy nhiên, các chuyên gia coi việc mảnh vỡ rơi trên đại dương là kịch bản dễ xảy ra nhất và Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ nói rằng tên lửa sẽ rơi xuống ở một nơi nào đó trên Ấn Độ Dương.

Bởi vì cứ sau 90 phút, mảnh tên lửa đẩy đi hết một vòng quanh quỹ đạo Trái đất, nên không thể dự đoán chính xác vị trí mà nó sẽ rơi xuống.

Mảnh rác không gian này là tầng lõi 23 tấn của tên lửa Trường Chinh (Long March) 5B-Y3 - loại mạnh nhất của Trung Quốc - được phóng vào ngày 24/7 để đưa mô-đun Vấn Thiên (Wentian) lên Trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) của nước này.

Aerospace Corporation cho biết “có một xác suất nhỏ nhưng không phải là 0” là các mảnh vỡ sẽ hạ cánh xuống một khu vực đông dân cư.

Công ty cho biết thêm: “Một vật có kích thước lớn như vậy khi rơi trở lại sẽ không bốc cháy hoàn toàn trong bầu khí quyển của Trái đất”.

“Nguyên tắc chung là 20-40% khối lượng của một vật thể lớn sẽ chạm tới mặt đất, mặc dù nó phụ thuộc vào thiết kế của vật thể”.

Nhưng theo nhà tư vấn Ted Muelhaupt của Aerospace Corporation, rủi ro tổng thể đối với con người và tài sản trên mặt đất là khá thấp, vì phần lớn khu vực hồi quyển tiềm năng của các mảnh vỡ là đại dương, sa mạc hoặc rừng rậm.

Phát biểu trong một cuộc họp ngắn được phát trực tiếp trên Twitter vào thứ Năm, Muelhaupt cũng cho biết có “99,5% khả năng sẽ không có chuyện gì xảy ra”.

Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, nói thêm: “Trường hợp xấu nhất trong sự kiện này sẽ ít nghiêm trọng hơn một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình mà chúng ta đã thấy hàng ngày trong cuộc chiến Ukraine,...”.

Muelhaupt nói rằng tỷ lệ một cá nhân cụ thể bị thương bởi các mảnh vỡ là rất nhỏ, khoảng 6 trên 10 nghìn tỷ. Tỷ lệ này còn thấp hơn tỷ lệ để trúng giải độc đắc Mega Millions khoảng 5.500 lần, có tỷ lệ cược là 1 trên 303 triệu.

Mảnh rác tên lửa Trường Chinh 5B nặng 21 tấn có thể không cháy hết khi nó quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất. Sau đó, nó sẽ lao xuống bề mặt Trái đất ở một vị trí không chắc chắn và ở tốc độ lớn - vài trăm dặm một giờ.

Đó là những gì đã xảy ra vào tháng 5/2020, khi các mảnh vỡ của một tên lửa Trường Chinh 5B khác của Trung Quốc đổ bộ vào Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà ở quốc gia Tây Phi này, mặc dù không có thương tích nào được báo cáo.

Hầu hết các quốc gia phóng tàu vũ trụ đều thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các mảnh vỡ rơi trở lại không kiểm soát. Đây chính là bài học rút ra sau khi một phần lớn trạm vũ trụ Skylab của NASA rơi khỏi quỹ đạo vào năm 1979 và hạ cánh xuống nước Úc.

Vấn đề với tên lửa của Trung Quốc bắt nguồn từ thiết kế rủi ro trong quá trình phóng tên lửa của nước này.

Thông thường, những phần tên lửa đẩy bị loại bỏ sẽ quay trở lại bầu khí quyển ngay sau khi cất cánh, và rơi xuống đại dương theo một quỹ đạo dự kiến.

Tuy nhiên, phần tên lửa đẩy Trường Chinh 5B vẫn đi vào quỹ đạo Trái đất, và không có cơ chế điều khiển quá trình hạ cánh khi rời quỹ đạo. Thân tên lửa cuối cùng sẽ bốc cháy khi nó lao qua bầu khí quyển, nhưng nó đủ lớn để nhiều mảnh không bị cháy hết và rơi xuống bề mặt Trái đất.

Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc thiếu trách nhiệm. Bộ Ngoại giao nước này cho biết khả năng thiệt hại đối với bất cứ thứ gì hoặc bất kỳ ai trên mặt đất là “cực kỳ thấp”.

Nhiều nhà khoa học đồng ý với Trung Quốc rằng tỷ lệ các mảnh vỡ gây ra thiệt hại nghiêm trọng là rất nhỏ, mặc dù những người khác cho rằng các thiết kế phóng như Trường Chinh 5B gây ra rủi ro không cần thiết.

Vào tháng 4, Trường Chinh 5B đã đưa Thiên Hòa (Tianhe), mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ mới của Trung Quốc, lên quỹ đạo.

Thời điểm đó cũng có những lo ngại rằng các mảnh vỡ tên lửa có thể đâm vào một khu vực đông dân cư trên mặt đất, mặc dù cuối cùng nó đã rơi xuống đại dương.

Vấn Thiên, một phòng nghiên cứu dành riêng cho các thí nghiệm khoa học và sinh học, đã cập bến trạm vũ trụ và gắn với phần chính Thiên Hòa.

Mô-đun phòng thí nghiệm nghiên cứu thứ hai, Mộng Thiên (Mengtian), sẽ được đưa lên vào tháng 10 năm nay.

Khi Mộng Thiên gắn vào phần còn lại của Thiên Cung, việc xây dựng trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ hoàn tất, mặc dù Bắc Kinh cũng có kế hoạch phóng Tuần Thiên (Xuntian), một kính viễn vọng không gian sẽ hoạt động cùng quỹ đạo với trạm vũ trụ, vào năm 2024.

Thiên Cung (có nghĩa là “cung điện trên trời”) sẽ sánh ngang với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cũ kỹ, được vận hành bởi các cơ quan vũ trụ của Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản và châu Âu.

Sau khi hoàn thành, trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ nặng khoảng 66 tấn, nhỏ hơn nhiều so với ISS, đã phóng mô-đun đầu tiên vào năm 1998 và nặng khoảng 450 tấn. Nó được kỳ vọng có tuổi thọ ít nhất 10 năm.

Văn Thiên



BÀI CHỌN LỌC

Tên lửa mất kiểm soát của Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương