Tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đe dọa sức mạnh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, một giáo sư hàng không vũ trụ giải thích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tên lửa siêu thanh mới nhất của Trung Quốc, DF-27, có thể bay tới Hawaii, xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa và gây ra mối đe dọa đặc biệt đối với các tàu sân bay của Hoa Kỳ, theo một đánh giá của Lầu Năm Góc.

Vào tháng 5/2023, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tuyên bố trong một báo cáo trên tạp chí nghiên cứu rằng tên lửa siêu thanh của nước này có thể “chắc chắn” phá hủy một nhóm tàu ​​sân bay của Mỹ. Khả năng này đe dọa làm vô hiệu các nhóm tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương, có khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực chiến lược và khiến Mỹ không có nhiều lựa chọn để hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược.

Sự thay đổi trong cán cân quyền lực này làm nổi bật mối đe dọa mà tên lửa siêu thanh thế hệ tiếp theo mà Trung Quốc, Nga và Mỹ đang phát triển gây ra đối với an ninh toàn cầu. Tôi là một kỹ sư hàng không vũ trụ nghiên cứu các hệ thống không gian và phòng thủ, bao gồm cả các hệ thống siêu thanh. Những hệ thống mới này đặt ra một thách thức quan trọng do khả năng cơ động của chúng trong suốt quỹ đạo bay. Vì đường bay của chúng có thể thay đổi khi chúng di chuyển, nên việc bảo vệ chống lại những tên lửa này đòi hỏi phải theo dõi chúng trong suốt quá trình bay.

Thách thức quan trọng thứ hai bắt nguồn từ thực tế là chúng hoạt động ở một vùng khí quyển khác với các mối đe dọa hiện có khác. Các vũ khí siêu thanh mới bay cao hơn nhiều so với tên lửa hạ thanh (subsonic) chậm hơn, nhưng lại thấp hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hoa Kỳ và các đồng minh của họ không có đủ khả năng theo dõi tốt cho khu vực trung gian này, Nga hay Trung Quốc cũng vậy.

Hiệu ứng mất ổn định

Nga đã tuyên bố rằng một số vũ khí siêu thanh của họ có thể mang đầu đạn hạt nhân. Riêng tuyên bố này đã là một nguyên nhân gây lo ngại cho dù nó có đúng hay không. Nếu Nga vận hành hệ thống này chống lại một quốc gia đối địch, thì quốc gia đó sẽ phải quyết định khả năng vũ khí đó là thông thường hay hạt nhân.

Trong trường hợp của Mỹ, nếu xác định được vũ khí đó là hạt nhân, thì khả năng rất cao là Mỹ sẽ coi đây là đòn tấn công phủ đầu và đáp trả bằng cách phóng các vũ khí hạt nhân vào Nga. Tốc độ siêu thanh của những vũ khí này làm tăng tính bất ổn của tình hình, vì thời gian cho bất kỳ giải pháp ngoại giao nào vào phút cuối sẽ bị giảm đi nghiêm trọng.

Chính ảnh hưởng gây bất ổn mà các tên lửa siêu thanh hiện đại đại diện có lẽ là rủi ro lớn nhất mà chúng đem lại. Tôi tin rằng Hoa Kỳ và các đồng minh nên nhanh chóng triển khai vũ khí siêu thanh của riêng họ để buộc các quốc gia khác như Nga và Trung Quốc đến bàn đàm phán nhằm phát triển một cách tiếp cận ngoại giao để quản lý những vũ khí này.

Phương tiện siêu thanh là gì?

Một phương tiện được xem là siêu thanh nếu nó bay nhanh hơn nhiều so với tốc độ âm thanh, 1.225 km/h ở mực nước biển và 1.067 km/h ở độ cao 10.668 mét nơi máy bay phản lực chở khách bay. Máy bay phản lực chở khách di chuyển với tốc độ dưới 966 km/h, trong khi các hệ thống siêu thanh hoạt động ở tốc độ 5.633 km/h – khoảng 1,6 km/s – và hơn thế nữa.

Các hệ thống siêu thanh đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ. Khi John Glenn quay trở lại Trái đất vào năm 1962 từ chuyến bay đầu tiên có phi hành đoàn của Hoa Kỳ vòng quanh Trái đất, khoang chở ông đã đi vào bầu khí quyển với tốc độ siêu thanh. Tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong kho vũ khí hạt nhân của thế giới đều là loại siêu thanh, đạt vận tốc khoảng 24.140 km/h, hoặc khoảng 6,4 km/s ở tốc độ tối đa.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được phóng bằng các tên lửa lớn và sau đó bay theo quỹ đạo có thể dự đoán trước, đưa chúng ra khỏi bầu khí quyển vào không gian rồi quay trở lại bầu khí quyển. Thế hệ tên lửa siêu thanh mới bay rất nhanh, nhưng không nhanh bằng ICBM. Chúng được phóng bằng các tên lửa nhỏ hơn để giữ chúng ở tầng trên của bầu khí quyển.

tên lửa siêu thanh, vũ khí siêu thanh
Tên lửa siêu thanh không nhanh bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhưng có thể thay đổi quỹ đạo của chúng. (Ảnh: Government Accountability Office)

Ba loại tên lửa siêu thanh

Có ba loại vũ khí siêu thanh không phải ICBM khác nhau: tên lửa đạn đạo hàng không, phương tiện lượn và tên lửa hành trình.

Hệ thống tên lửa đạn đạo hàng không siêu thanh được thả từ máy bay, được tăng tốc lên tốc độ siêu thanh bằng tên lửa và sau đó đi theo quỹ đạo đạn đạo, tức là quỹ đạo không được cung cấp năng lượng. Hệ thống mà các lực lượng Nga đang sử dụng để tấn công Ukraine, Kinzhal, là một hệ thống tên lửa đạn đạo hàng không. Công nghệ này xuất hiện từ khoảng năm 1980.

Phương tiện lượn siêu thanh được tăng tốc trên một tên lửa lên độ cao đủ lớn và sau đó lướt đến mục tiêu. Đường đi của nó có thể được điều chỉnh trong quá trình di chuyển. Ví dụ về các phương tiện lượn siêu thanh bao gồm Dongfeng-17 của Trung Quốc, Avangard của Nga và hệ thống Conventional Prompt Strike của Hải quân Hoa Kỳ. Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng công nghệ phương tiện lượn siêu thanh của Trung Quốc còn tiên tiến hơn hệ thống của Mỹ.

Một tên lửa hành trình siêu thanh được một tên lửa đẩy lên tốc độ siêu thanh và sau đó sử dụng một động cơ sử dụng không khí gọi là động cơ phản lực scramjet để duy trì tốc độ đó. Vì chúng hút không khí vào động cơ nên tên lửa hành trình siêu thanh yêu cầu tên lửa phóng nhỏ hơn so với phương tiện lượn siêu thanh, nghĩa là chúng có thể có chi phí thấp hơn và được phóng từ nhiều nơi hơn. Tên lửa hành trình siêu thanh đang được Trung Quốc và Mỹ phát triển. Mỹ được cho là đã tiến hành một chuyến bay thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh vào tháng 3/2020.

Các biện pháp phòng thủ

Lý do chính khiến các quốc gia đang phát triển các vũ khí siêu thanh thế hệ tiếp theo này là vì chúng khó bị đánh chặn do sở hữu tốc độ cao, khả năng cơ động về quỹ đạo bay. Hoa Kỳ đang bắt đầu phát triển một cách tiếp cận nhiều lớp để bảo vệ chống lại vũ khí siêu thanh bao gồm một chòm sao cảm biến trong không gian và sự hợp tác chặt chẽ với các đồng minh quan trọng.

Với tất cả các hoạt động liên quan đến vũ khí siêu thanh và phòng thủ chống lại chúng, điều quan trọng là phải đánh giá mối đe dọa mà chúng gây ra cho an ninh quốc gia. Tên lửa siêu thanh với đầu đạn thông thường chủ yếu hữu dụng trong việc tấn công các mục tiêu có giá trị cao, chẳng hạn như tàu sân bay. Việc có thể hạ gục một mục tiêu như vậy có thể có tác động đáng kể đến kết quả của một cuộc xung đột lớn.

Tuy nhiên, tên lửa siêu thanh đắt đỏ và do đó không có khả năng được sản xuất với số lượng lớn. Như đã thấy trong cuộc xâm lược gần đây của Nga, vũ khí siêu thanh không phải là một giải pháp đơn giản giúp chấm dứt xung đột.

Bài viết của Iain Boyd, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến ​​An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và Giáo sư Khoa học Kỹ thuật Hàng không vũ trụ tại Đại học Colorado Boulder, đăng lần đầu tiên trên tạp The Conversation.

Theo The Conversation

Văn Thiện biên dịch

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đe dọa sức mạnh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, một giáo sư hàng không vũ trụ giải thích