Thành phố thời trung cổ châu Phi có một hệ thống thiên tài để sống sót qua hạn hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Great Zimbabwe là thành phố lớn đầu tiên ở miền nam châu Phi, nơi sinh sống của khoảng 18.000 người vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất. Tuy nhiên, không ai thực sự biết tại sao nó hiện giờ chỉ còn là một đống đổ nát.

Theo Science Alert, sự sụp đổ của đô thị thời Trung cổ thịnh vượng đôi khi do hạn hán và khí hậu khô hạn, nhưng các nhà khảo cổ hiện đã tìm thấy bằng chứng về việc bảo quản nước cẩn thận trong đống đổ nát của Great Zimbabwe.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đan Mạch, Nam Phi, Anh và Zimbabwe lập luận rằng, họ đã tìm thấy một loạt các hố lõm hình tròn lớn, được gọi là hố 'dhaka', quanh thành phố. Các hố này không phải dùng để đào lấy đất sét như các chuyên gia từng nghĩ, mà là dùng để thu giữ nước.

Bằng chứng là dưới chân một số sườn đồi có rất nhiều hố dhaka được đặt ở vị trí thuận lợi để thu nước mưa và nước ngầm. Các hố khác xung quanh thành phố nằm giữa các dòng suối.

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, bằng cách thu thập nước mưa và khoanh vùng một số đoạn sông hoặc suối, những người cổ đại từng sống ở đây có thể đảm bảo họ luôn có sẵn nước để uống và sản xuất nông nghiệp trong hầu hết các năm, kể cả trong mùa khô.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều xác thực vật, thứ phát triển mạnh gần các con sông hoặc nguồn nước ngầm có độ ẩm cao trong đất, gần các dhaka.

Các nhà khoa học đã phát hiện về các hố dhaka của Great Zimbabwe bằng cách sử dụng phương pháp quét laze trên không để khảo sát các đặc điểm chính của địa điểm, ngay cả ở những nơi có thảm thực vật dày.

Những phát hiện này sau đó còn được củng cố bằng các cuộc khảo sát trên mặt đất và các cuộc trò chuyện với cộng đồng địa phương, những người cũng phải lưu trữ nước trong khu vực khô hạn.

great zimbabwe
Một bản đồ về tàn tích Great Zimbabwe hiển thị các cấu trúc chính. (Ảnh: Pikirayi và cộng sự, Anthropocene, 2023 )

Để tìm ra chính xác lượng nước mà tất cả các dhaka xung quanh thành phố từng chứa là một công việc khó, đặc biệt vì đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên thực sự khảo sát các cấu trúc này. Tuy nhiên, các ước tính cho thấy những hố này có thể chứa tới hơn 18 triệu lít nước.

Vào thời hoàng kim của Great Zimbabwe, giữa thế kỷ 11 và 15, thành phố là nơi sinh sống của giới cầm quyền, các nhà lãnh đạo tôn giáo, thợ thủ công và thương nhân, tất cả đều dùng chung nước suối và nước mưa trong một hệ thống tích hợp và linh hoạt.

Ngày nay, người ta biết rất ít về lịch sử của Great Zimbabwe. Ngay cả với hệ thống nước được điều phối cẩn thận như vậy, thì vẫn có khả năng thành phố này sụp đổ do biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tồn tại, thế giới đã trải qua biến động khí hậu thời Trung cổ và kỷ Băng hà nhỏ, điều này có thể khiến thành phố đang phát triển phải chịu áp lực vô cùng lớn. Nhưng các căng thẳng kinh tế hoặc chính trị cũng có thể gây ra sự sụp đổ của nó.

Cần phải nghiên cứu thêm trước khi các nhà khảo cổ học có thể nói điều gì đã xảy ra với thành phố đầu tiên ở miền nam châu Phi và dân cư ở đó, và có lẽ sẽ có một bài học được rút ra từ đống đổ nát.

Nghiên cứu được công bố trên Anthropocene.

Văn Thiện

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm:



BÀI CHỌN LỌC

Thành phố thời trung cổ châu Phi có một hệ thống thiên tài để sống sót qua hạn hán