Thế giới cần có chiến lược đối phó với sức mạnh hải quân và sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đô đốc James Stavridis là Tư lệnh đồng minh tối cao thứ 16 của NATO và là Hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts. Ông đã dành phần lớn sự nghiệp hoạt động của mình ở Thái Bình Dương, bao gồm nhiều nhiệm vụ chỉ huy, đã chia sẻ rằng thế giới không thể làm ngơ trước sự xâm lược của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong hai thập kỷ qua, chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông đã gợi nhớ đến vị tướng và chiến lược gia cổ đại Tôn Tử của họ, người nói: "Nghệ thuật chiến tranh tối cao là khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu".

Sự gia tăng xâm lược Biển Đông của Trung Quốc

Trong thời kỳ hỗn loạn này, sự kiên nhẫn đó đang bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc, đang tranh thủ sự suy yếu của Hoa Kỳ trong nhiệm vụ dẫn dắt thế giới và một thế giới đa cực đang bị phân tâm, họ đã giành được những vị thế nhất định trên biển Đông.

Gần đây nhất, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân của mình để gây áp lực cho các quốc gia duyên hải, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Một tháng trước, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu cá Việt Nam, một thủ đoạn bị cộng đồng quốc tế lên án.

Trung Quốc đang gia tăng sức ép chống lại tàu chiến Hoa Kỳ, sử dụng tín hiệu gây hấn; áp sát tàu đến mức nguy hiểm; chiếu sáng các tàu của Hoa Kỳ bằng radar điều khiển hỏa lực, điều này cho thấy sự ra mắt sắp tới của vũ khí mới; bay ở phạm vi rất gần tàu của Hoa Kỳ.

Do việc ngăn chặn coronavirus tương đối thành công của Trung Quốc và các động thái nhanh chóng để khởi động lại nền kinh tế của mình, Trung Quốc có lẽ đang ở vị trí để cung cấp các ưu đãi sức mạnh mềm và kinh tế cho các quốc gia xung quanh ngoại vi Biển Đông.

Một tàu đánh cá Việt Nam, trái, đã bị tàu Trung Quốc đâm gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp
Một tàu đánh cá Việt Nam, trái, đã bị tàu Trung Quốc đâm gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. (Ảnh: cắt từ youtube)

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển, từ đường bờ biển đến "đường chín đoạn" mà họ đã vẽ trên bản đồ, như lãnh hải của họ. Điều này có ý nghĩa quốc tế rất to lớn vì dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, nguồn lợi hải sản, con đường giao thương thương mại quốc tế và căn cứ địa vững mạnh trong khu vực. Họ đã kiên định duy trì các yêu sách của mình mặc dù đã bị xử thua trong một vụ phân xử trọng tài tại một tòa án quốc tế và phải đối mặt với sự phản kháng từ các quốc gia duyên hải - đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Chiến lược tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc

Điều cần thiết để tạo ra một hạm đội biển thành công là cần có một học thuyết biển quốc gia. Ví dụ, đối với Hoa Kỳ là sự thống trị toàn cầu của các lực lượng trên biển, sẵn sàng đàn áp bất kỳ đối thủ tiềm năng nào. Trước đây, một hệ tư tưởng như vậy đối với Anh là ý tưởng vềquyền tối cao trên biển’’, nghĩa là toàn quyền kiểm soát tất cả các thông tin liên lạc hàng hải.

Trung Quốc có một học thuyết và họ nghiên cứu kinh nghiệm từ nước ngoài (chủ yếu là từ người Mỹ) rất sâu sắc. Họ có một kế hoạch cực kỳ chu đáo trong chiến lược xây dựng lực lượng hải quân.

Theo các chuyên gia quân sự, động lực khiến giới tinh hoa Trung Quốc ý thức rõ rằng cần tăng cường sức mạnh trên biển là từ cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam. Khi đó, bằng hành động của mình, Hải quân Liên Xô đã loại bỏ khả năng sử dụng tàu chiến chống lại Việt Nam của Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, tàu ngầm Liên Xô thậm chí còn bao vây một nhóm tàu sân bay Mỹ có nhiệm vụ hỗ trợ cho đồng minh của họ khi ấy là Trung Quốc.

Vào thời điểm chiến tranh Trung - Việt 1979, Trung Quốc vẫn còn là một quốc gia nghèo. Tuy nhiên, ngay sau đó, nước này đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng ra toàn thế giới. Việc sản xuất hàng loạt thiết bị điện tử tiêu dùng thể hiện vai trò của đất nước trên thế giới đang tăng lên. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc đã đầu tư vào hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình.

Đắm chìm trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, Nga đã sẵn sàng cho bất kỳ thỏa thuận nào và Trung Quốc đã có được khối lượng vũ khí hiện đại khổng lồ từ Moscow vào thời điểm đó, trong đó có cả vũ khí hải quân.

Đến giữa những năm 1990, Trung Quốc đã nhận được 2 tàu ngầm của dự án 877E và ngay sau đó là 2 chiếc Varshirlanka đầu tiên của dự án 636. Các bộ phận của tàu chiến gồm máy bay trực thăng và ngư lôi chống ngầm có trình độ kỹ thuật tốt đã ra nhập lực lượng hải quân Trung Quốc.

Vào những năm 2000, Trung Quốc đã mua thêm 8 chiếc Varshirlanka. Nhưng điều quan trọng nhất mà họ nhắm tới là mua công nghệ. Radar, hệ thống sonar, hệ thống tàu nói chung và các loại vũ khí khác nhau... được Nga cung cấp. Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc cách chế tạo tên lửa từ phòng không đến các loại Calibr. Công nghệ sản xuất tuabin khí họ cũng nhận được từ Ukraine.

Đến cuối những năm 2000, mọi thứ đã thay đổi, việc mở rộng sức mạnh hải quân của Trung Quốc bắt đầu. Tại thời điểm này, Trung Quốc đã có tất cả các điều kiện để thành công, bao gồm tiền bạc, công nghệ, năng lực đóng tàu...

Dấu hiệu đầu tiên là tàu khu trục của dự án 054 (sau đó là 054A). Những chiếc tàu này đã trở thành những đơn vị lớn nhất của Hải quân Trung Quốc. Theo nhận xét của đô đốc người Mỹ Elmo Zumwalt, người Trung Quốc đã dựa vào một con tàu giá rẻ khổng lồ, tuy nhiên, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ ở vùng biển xa xôi và thực hiện các chuyến vượt biển. Kể từ năm 2012, 44 chiếc đã được đóng tại các xưởng đóng tàu của Trung Quốc cho hạm đội Trung Quốc và hai tàu hộ tống khác của Dự án 056. Bên cạnh đó là những con tàu nhẹ và đơn giản của vùng biển gần, đang được hoàn thành.

Vào ngày 26/12/2019, hai tàu chiến đã được hạ thủy tại một nhà máy đóng tàu của Trung Quốc ở Đại Liên. Đó là tàu khu trục của dự án 052D và tàu tên lửa tấn công mới nhất - tàu khu trục của dự án 055 (Project-055).

Trên thực tế, nhiều chuyên gia từ chối gọi chúng là “tàu khu trục”, bởi về kích thước, nó vượt quá bất kỳ tàu tuần dương nào. Theo số lượng tên lửa, con tàu có 128 bệ phóng tên lửa. Theo các chuyên gia quân sự, chỉ có các khu trục hạm khủng khiếp của Hàn Quốc thuộc loại King Sedgon mới có cùng số lượng bệ phóng tên lửa như tàu khu trục của Trung Quốc. Trong khi đó, các tàu tuần dương tên lửa của Mỹ thuộc loại Ticonderoga chỉ có 122 bệ phóng và các tàu khu trục thuộc loại Arly Burke cũng chỉ có 96.

Về khả năng dịch chuyển và kích thước, Project 055 thậm chí còn vượt trội hơn các tàu tuần dương tên lửa lớp Atlant, Project 1164 của Nga. Vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ có 1 tàu 055 đã đi vào hoạt động, nhưng 5 tàu nữa đang chế tạo và trong kế hoạch 10 tàu khu trục khác sẽ được ra đời.

Trung Quốc đang xây dựng lực lượng Hải quân với tốc độ mà ngay cả Hoa Kỳ cũng không thể theo kịp. Tất nhiên, hạm đội Trung Quốc còn rất nhiều vấn đề về công nghệ, ít có kinh nghiệm, không có truyền thống. Nhưng sớm hay muộn họ sẽ “kéo” hạm đội tàu ngầm lên tầm hiện đại và cuối cùng, hạm đội Trung Quốc sẽ đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới về sức mạnh. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

Lực lượng hải quân trên biển Thái Bình Dương.
Lực lượng hải quân trên biển Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Thế giới cần có chiến lược như thế nào

Các chiến thuật cưỡng bức và chiến lược đe dọa của Trung Quốc đã và đang thúc đẩy sự hợp tác ngày càng lớn giữa các quốc gia nhỏ, vừa cùng với các cường quốc. Liên quan đến vấn đề này, có thể thấy sự hiện diện của các lực lượng hải quân Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và thậm chí là Nga và các thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ vô cùng hữu ích. Bởi lẽ điều đó có thể nâng cao năng lực đối kháng của các quốc gia trong khu vực, đồng thời đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ biết cái giá mà họ phải trả nếu có những tính toán sai lầm.

Trước tiên, Mỹ cùng với các nước đồng minh và đối tác cần mở rộng cơ cấu lực lượng và phát triển các năng lực ưu việt của họ để ngăn cản Trung Quốc. Những nỗ lực này bao gồm: Các trang thiết bị và nguồn lực ngoài vũ trụ; năng lực tác chiến trên không gian mạng; vũ khí và hệ thống phòng thủ siêu thanh; trí tuệ nhân tạo đi cùng hệ thống tự hành (tức là một cỗ máy, phần cứng hoặc phần mềm, mà khi được kích hoạt sẽ tự thực hiện một số nhiệm vụ hoặc tự hoạt động) và các công nghệ chiến tranh dưới biển.

Ngoài ra, Mỹ phải thể hiện ý chí chống lại bá quyền Trung Quốc, đồng thời tăng cường hành động chung với các quốc gia đồng minh và đối tác tại khu vực cũng như trong phạm vi toàn cầu.

Một phần khác của chiến lược, phải bao gồm cả sự kích thích và trừng phạt kinh tế nhằm hạn chế mức độ lợi dụng sự phát triển kinh tế để ngày càng leo thang xâm lược Biển Đông.

Cuối cùng, một phần khác của chiến lược là đối với thế giới mạng và sự thao túng các chính quyền thông qua các quan chức tham nhũng của các nước phương Tây, và ở đây cần có sự phòng thủ mạnh mẽ vì Trung Quốc có thể sẽ sử dụng phương tiện đó để tuyên truyền, làm méo mó các sự thực lịch sử khách quan để có lợi cho họ.

Tôn Tử là một người ủng hộ mạnh mẽ cho chiến thắng bằng sự kiên nhẫn, nhưng ông cũng nói rằng "cơ hội nhân lên khi nắm bắt được chúng". Bắc Kinh dường như đang làm điều đó ở Biển Đông và thế giới cũng cần có những đối sách phù hợp.

Ánh Dương

Theo Asia-nikkei/giaoducthoidai/bbc

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Thế giới cần có chiến lược đối phó với sức mạnh hải quân và sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông