Thiền định giúp chúng ta ít mắc sai lầm hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu bạn hay quên hoặc mắc sai lầm khi vội vàng, một nghiên cứu mới từ Đại học Bang Michigan - một nơi chuyên sâu nghiên cứu về thiền định - cho thấy thiền có thể giúp bạn ít mắc sai lầm hơn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Brain Sciences đã thử nghiệm phương pháp thiền theo dõi mở - hoặc thiền tập trung nhận thức vào cảm giác, suy nghĩ diễn ra trong tâm trí và cơ thể - cho thấy thiền giúp tăng khả năng nhận biết các sai lầm trong hoạt động của não.

Jeff Lin, ứng viên tiến sĩ tâm lý học MSU và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Sự quan tâm của mọi người đối với thiền và chánh niệm đang vượt xa những gì khoa học có thể chứng minh về tác dụng và lợi ích. Thật ngạc nhiên là chúng tôi thấy những thay đổi rất tích cực trong hoạt động của não ở những người chưa từng tập thiền khi họ được hướng dẫn thiền đúng cách".

Các phát hiện cho thấy rằng các phương pháp thiền khác nhau có thể có các hiệu quả nhận thức thần kinh khác nhau và Lin giải thích rằng có rất ít nghiên cứu về cách thiền theo dõi mở có tác động đến việc nhận dạng được các sai lầm của thiền giả.

Lin cho biết: “Một số hình thức thiền khiến bạn tập trung vào một đối tượng duy nhất, thường là hơi thở của bạn, nhưng thiền theo dõi mở thì hơi khác một chút. Nó giúp bạn điều chỉnh hướng nội và có để ý đến mọi thứ đang diễn ra trong tâm trí và cơ thể của bạn. Mục đích là ngồi yên lặng và chú ý đến nơi tâm trí di chuyển mà không hề bị cuốn vào khung cảnh".

Có hình thức thiền là tập trung vào một đối tượng duy nhất, thường là hơi thở, nhưng thiền theo dõi mở thì chỉ ngồi yên lặng và chú ý đến nơi tâm trí di chuyển mà không hề bị cuốn vào khung cảnh. (Ảnh: StockSnap/Pixabay)
Có hình thức thiền là tập trung vào một đối tượng duy nhất, thường là hơi thở, nhưng thiền theo dõi mở thì chỉ ngồi yên lặng và chú ý đến nơi tâm trí di chuyển mà không hề bị cuốn vào khung cảnh. (Ảnh: StockSnap/Pixabay)

Lin và các cộng sự MSU của anh ấy - William Eckerle, Ling Peng và Jason Moser - đã lựa chọn hơn 200 người tham gia để kiểm tra xem thiền theo dõi mở ảnh hưởng như thế nào đến cách mọi người phát hiện và phản ứng với các sai lầm.

Các nhà nghiên cứu đo hoạt động của não thông qua điện não đồ hoặc EEG của những người tham gia, những người chưa bao giờ thiền trước đây trong khi họ thực hiện bài tập thiền theo dõi mở kéo dài 20 phút. Sau đó, họ hoàn thành một bài kiểm tra đánh lạc hướng trên máy tính.

Lin cho biết: “Điện não đồ có thể đo lường hoạt động của não ở cấp độ mili giây, vì vậy chúng tôi có được các phép đo chính xác về hoạt động thần kinh ngay sau khi nhận ra các sai lầm và có phản hồi đúng. Một tín hiệu thần kinh nhất định xuất hiện khoảng nửa giây sau khi một sai lầm được phát hiện, được gọi là tính tích cực của sai lầm, có liên quan đến nhận dạng lỗi có ý thức. Chúng tôi nhận thấy rằng cường độ của tín hiệu này tăng lên ở những người tập thiền".

Mặc dù những người tập thiền không có những cải thiện ngay lập tức đối với hiệu quả thực tế, nhưng phát hiện của các nhà nghiên cứu đưa ra một cánh cửa đầy hứa hẹn về tiềm năng của thiền định lâu dài.

Moser cho biết: “Những phát hiện này là một minh chứng mạnh mẽ về hiệu quả của thiền định, chỉ cần 20 phút luyện tập có thể làm tăng cường khả năng phát hiện và chú ý đến những sai lầm của não bộ. Điều này giúp chúng tôi cảm thấy tự tin hơn vào những gì mà thiền chánh niệm mang lại, giúp chúng ta có động lực luyện tập thiền hàng ngày".

Mặc dù thiền định và chánh niệm đã thu hút được sự quan tâm chủ đạo trong những năm gần đây. Lin nằm trong một nhóm tương đối nhỏ các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp khoa học thần kinh để đánh giá tác động tâm lý và hiệu quả của thiền định.

Trong tương lai, Lin cho biết giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu sẽ là bao gồm một nhóm rộng hơn những người tham gia, thử nghiệm các hình thức thiền định khác nhau và xác định xem liệu những thay đổi trong hoạt động của não có thể chuyển thành những thay đổi hành vi khi thực hành lâu dài hơn hay không.

Lin cho rằng: “Thật tuyệt khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng đối với thiền định, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm từ góc độ khoa học để hiểu được những lợi ích mà thiền định mang lại, và quan trọng không kém là cách thức hoạt động của thiền định. Đã đến lúc chúng ta bắt đầu nhìn điều này qua một lăng kính khắt khe hơn".

Theo Science Daily



BÀI CHỌN LỌC

Thiền định giúp chúng ta ít mắc sai lầm hơn