Thực tế ảo làm giảm đau đớn và lo lắng trong điều trị bệnh nhân trẻ em

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open cho thấy, áp dụng thực tế ảo (Virtual Reality - VR) làm giảm cảm giác đau đớn khi lấy máu và đặt ống thông tĩnh mạch trong quá trình điều trị bệnh mãn tính. 

Ứng dụng VR tại Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles

Trong gần hai thập kỷ, tiến sĩ Jeffrey I. Gold đồng thời cũng là điều tra viên của Saban Research Institute thuộc Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles (Children's Hospital Los Angeles) đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) như một kỹ thuật để giúp trẻ em vượt qua cảm giác đau đớn trong khám chữa bệnh. Nghiên cứu của ông cho thấy công nghệ có hiệu quả, và Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles hiện đang sử dụng công nghệ thường xuyên mỗi khi lấy máu cho các bệnh nhi.

Tiến sĩ Gold, đồng thời là Giáo sư Gây mê Lâm sàng, Nhi khoa và Khoa học Tâm thần và Hành vi tại The Keck School of Medicine of USC chia sẻ: “Một số bệnh nhân còn không biết mình đang được lấy máu. Đứa trẻ không còn hoảng loạn và la hét. Chúng tôi muốn trẻ em cảm thấy an toàn".

Trong ấn phẩm gần đây của mình, nhóm của tiến sĩ Gold đã báo cáo kết quả của nghiên cứu cho thấy công nghệ VR có thể ngăn ngừa đau đớn cho bệnh nhân được đặt ống thông tĩnh mạch ngoại vi (PIVC). Bệnh nhân sẽ tham gia trò chơi đơn giản nhưng cần sự tập trung. Một nhóm sử dụng VR trong suốt quy trình, nhóm khác gồm các bệnh nhân được chăm sóc theo tiêu chuẩn, sử dụng kỹ thuật đánh lạc hướng và kem gây tê. Nhóm bệnh nhân sử dụng VR cho biết mức độ đau đớn và lo lắng thấp hơn đáng kể.

Tiến sĩ Gold nói: “Cảm giác đau đớn đã giảm bớt mà không cần sự can thiệp của thuốc. Điều này cho thấy tâm trí con người có thể thay đổi mục tiêu tập trung, khi không tập trung vào cảm giác đau đớn, thì cơn đau sẽ không xuất hiện. Chúng tôi tận dụng kỹ thuật này để giúp những đứa trẻ cảm thấy tốt hơn."

Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên phân tích ảnh hưởng của VR không chỉ từ góc độ bệnh nhân, mà còn từ phía bác sĩ lâm sàng và gia đình bệnh nhân hoặc người chăm sóc. Cả ba nhóm này đều báo cáo trải nghiệm tích cực hơn khi sử dụng VR. Tiến sĩ Gold gọi đây là Tam giác dữ liệu - thu thập thông tin từ ba khía cạnh để cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân.

Hãy xem xét một tình huống điển hình, trong đó một đứa trẻ bị bệnh mãn tính và phải đặt ống xuyên tĩnh mạch thường xuyên. Khi bệnh nhân lo lắng và căng thẳng, bác sĩ lâm sàng cũng khó tìm được tĩnh mạch và đưa ống thông vào. Theo tiến sĩ Gold: “Căng thẳng thực sự khiến các tĩnh mạch co lại”. Nếu bệnh nhân chơi trò chơi ảo và cảm thấy thư giãn và bớt đau đơn trong quá trình tiến hành thủ thuật y tế, trải nghiệm khám chữa bệnh tạo ra hiệu ứng tích cực cho trẻ, gia đình và nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Theo tiến sĩ Gold: “Chúng tôi không muốn trải nghiệm chăm sóc sức khỏe của một đứa trẻ trở thành sang chấn tâm lý. Cảm giác sợ hãi kéo dài, ám ảnh đau đớn, v.v. đều là những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (Adverse Childhood Experience), một hiện tượng tâm lý được Cơ quan Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ công nhận là có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý trẻ suốt đời.”

Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR)

Công nghệ thực tế ảo là một khái niệm chỉ môi trường ảo mô tả các thiết kế 3D trên máy tính được hiển thị thông qua máy tính hoặc kính 3 chiều. Với công nghệ VR, môi trường được tạo ra một cách sinh động và thực hiện tương tác với người dùng trong thời gian thực thông qua các phản ứng của người dùng.

Hệ thống thực tế ảo bao gồm phần mềm, phần cứng, các ứng dụng, mạng liên kết và người dùng. Phần mềm bao gồm các ngôn ngữ lập trình hoặc các phần mềm đồ họa mô phỏng môi trường ảo hóa. Phần cứng bao gồm máy tính, thiết bị đầu vào và thiết bị đầu ra. Người dùng cần có màn hình đội đầu HMD hay kính thực tế ảo, chuột, tai nghe, thiết bị theo dõi, găng tay hữu tuyến. Thiết bị đầu ra bao gồm màn hình máy tính, thiết bị âm thanh, loa, và hệ thống xung lực.

Trong thế giới ảo, bạn có thể điều khiển và di chuyển đồ vật xung quanh bằng bộ điều khiển xúc giác được kết nối với một máy chơi game hoặc máy tính. Ngày nay, công nghệ còn phát triển thêm thực tế ảo tăng cường (AR) bổ sung những sự vật ảo vào môi trường thế giới thực. Pokémon GO là trò chơi nổi tiếng nhất cho công nghệ AR. Ngoài ra, còn có thực tế hỗn hợp (MR), bạn có thể chơi game video ảo, cầm một chai nước trong thế giới thực và đóng vai một nhân vật tưởng tượng trong game cùng với chai nước. Thế giới ảo và thực tế ngày càng hòa vào nhau.

Trò chơi Pokemon GO là ví dụ điển hình cho công nghệ thực tế ảo bổ sung AR. (Nguồn ảnh: Pixabay)
Trò chơi Pokemon GO là ví dụ điển hình cho công nghệ thực tế ảo bổ sung AR. (Nguồn ảnh: Pixabay)

Công nghệ thực tế ảo có nhiều ứng dụng khi tạo ra hiệu ứng trực quan sinh động. Trong lĩnh vực du lịch, VR sẽ tái hiện lại các khung cảnh, kỳ quan thiên nhiên rất giống với thực tế. Con người có thể khám phá qua kính thực tế ảo mà không cần phải đến địa điểm. Các hiệu ứng đi kèm để tăng cường cảm nhận về xúc giác, khứu giác mang lại cảm nhận chân thật nhất như: phun sương, rung chuyển, hệ thống tạo gió, mùi. Trong lĩnh vực bất động sản, kiến trúc và xây dựng, VR giúp người dùng tham quan các kiến trúc nhà ở, bối cảnh căn hộ, tòa nhà một cách chi tiết rõ ràng mà không cần đến tận nơi để quan sát.

Thực tế ảo VR đã được sử dụng trong giảng dạy tại các trường đại học Y dược. Công nghệ này có thể mô phỏng trực quan bộ phận cơ thể hoặc quá trình phẫu thuật ảo. Từ đó, người học có thể theo dõi và tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Trong vật lý trị liệu, bệnh nhân đột quỵ hay chấn thương xương khớp có thể vận động tay chân thông qua các trò chơi thực tế ảo. Ví dụ, họ phải nâng cánh tay để chụp một quả bóng ảo. Khi điều trị chấn thương tâm lý đối với người có chứng sợ hãi độ cao, VR tạo ra môi trường ảo để giúp họ khắc phục. Các chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng liệu pháp này theo hướng tăng cấp độ cho bệnh nhân. Điều này giúp họ từ từ làm quen với nỗi sợ để khắc phục tình trạng này. Đây cũng là cách để các chuyên gia điều trị cho trẻ em tự kỷ.

Từ nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles, có thể thấy công nghệ thực tế ảo còn tác động vào tâm lý con người và tạo ra hiệu ứng tương tự về sức khỏe. Nếu các bệnh nhân nhi cảm thấy sợ hãi vì đau đớn, sức khỏe sẽ bị tổn hại khi trẻ tự khép mình lại về mặt sinh lý để phản ứng lại. Còn nếu bệnh nhân nhi có thể thư giãn và thoải mái, không nghĩ nhiều về cảm giác sợ hãi đau đớn, cơ thể trẻ sẽ đáp ứng bằng cách phát triển khỏe mạnh.

Như vậy, các nhà khoa học cần xem xét ứng dụng công nghệ một cách phù hợp để đem lại công dụng hữu ích cho cuộc sống con người.

Nguyễn Hảo (tổng hợp)

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Thực tế ảo làm giảm đau đớn và lo lắng trong điều trị bệnh nhân trẻ em