Tiết lộ bức ảnh đầu tiên về một hệ Mặt trời giống như của chúng ta

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã chụp được hình ảnh trực tiếp đầu tiên về một hệ hành tinh gần giống với hệ Mặt trời của chúng ta. Hình ảnh mới cho thấy hai ngoại hành tinh khổng lồ quay quanh một ngôi sao trẻ cách chúng ta khoảng 300 năm ánh sáng.

Bức ảnh được chụp bằng Kính viễn vọng rất lớn (Very Large Telescope) của Đài thiên văn Nam châu Âu. Theo một nghiên cứu mới trên Astrophysical Journal Letters, hệ thống này sẽ giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về cách hệ Mặt trời của chúng ta hình thành và phát triển.

Các nhà nghiên cứu đánh giá ngôi sao có tên TYC 8998-760-1 với độ tuổi 17 triệu năm nằm trong chòm sao Musca phía Nam là "phiên bản rất trẻ của Mặt trời của chúng ta". Để dễ hình dung, Mặt trời của chúng ta khoảng 4,6 tỷ năm tuổi.

Video về Quỹ đạo của hai ngoại hành tinh xung quanh TYC 8998-760-1:

Cả hai hành tinh quay quanh ngôi sao, được đặt tên là TYC 8998-760-1b và TYC 8998-760-1c, có thể là những đám khí khổng lồ với thành phần chủ yếu là các khí như helium và hydro. Tuy nhiên, chúng có khối lượng lớn hơn và ở cách xa ngôi sao chủ hơn nhiều so với những hành tinh khí khổng lồ trong hệ Mặt trời như sao Mộc và sao Thổ, gấp khoảng 160 và 320 lần khoảng cách Mặt trời-Trái đất.

Hình ảnh được chụp bởi thiết bị SPHERE trên Kính thiên văn rất lớn của ESO, cho thấy ngôi sao TYC 8998-760-1 kèm theo hai ngoại hành tinh khổng lồ.
Hình ảnh được chụp bởi thiết bị SPHERE trên Kính thiên văn rất lớn của ESO, cho thấy ngôi sao TYC 8998-760-1 kèm theo hai ngoại hành tinh khổng lồ. (Ảnh: ESO / BOHN và cộng sự)

Hình ảnh cho thấy hai hành tinh, xuất hiện dưới dạng hai điểm sáng, quay quanh quỹ đạo sao của chúng, nằm ở góc trên bên trái. Bởi vì chúng mới hình thành rất gần đây, chúng vẫn phát sáng đủ mạnh để nhìn thấy từ Trái đất.

Phát hiện mới này đánh dấu lần đầu tiên các nhà thiên văn học quan sát nhiều hơn một hành tinh quay quanh một ngôi sao tương tự Mặt trời.

Nghiên cứu viên chính Alexander Bohn, đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Leiden, Hà Lan, cho biết trong một thông cáo báo chí: "Phát hiện này là một bức ảnh chụp về một hoàn cảnh rất giống với hệ Mặt trời của chúng ta, nhưng ở giai đoạn tiến hóa sớm hơn nhiều".

Đồng tác giả Matthew Kenworthy, phó giáo sư tại Đại học Leiden, nói rằng những loại quan sát trực tiếp này rất quan trọng trong việc săn lùng các hành tinh có thể có sự sống nhưng đang được thực hiện rất ít.

Ông nói: "Mặc dù các nhà thiên văn học đã gián tiếp phát hiện hàng ngàn hành tinh trong thiên hà của chúng ta, nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong số các ngoại hành tinh này được chụp trực tiếp".

Theo NASA, chỉ có vài chục ngoại hành tinh được phát hiện cho đến nay đã được chụp trực tiếp. Các nhà khoa học hy vọng rằng nghiên cứu sâu hơn sẽ tiết lộ rằng liệu các hành tinh trẻ hình thành tại vị trí hiện tại của chúng hay di cư từ nơi khác đến, và cách chúng có thể tương tác với nhau.

Kính thiên văn rất lớn (VLT) là tổ hợp từ bốn kính thiên văn quang học (kính Antu, kính Kueyen, kính Melipal, và kính Yepun) sắp xếp theo một cấu hình xác định, được xây dựng và điều hành bởi Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại bán cầu Nam (ESO) tại đài quan sát Paranal ở Cerro Paranal, một ngọn núi cao 2.635 m trong sa mạc Atacama miền bắc Chile.

Mỗi kính thiên văn có đường kính 8,2 m. Tổ hợp này được ghép nối từ bốn Kính phụ có khả năng di động (ATs) có đường kính 1,8 m. Khi làm việc trong chế độ giao thoa, tổ hợp này có thể đạt đến độ phân giải khoảng 1 mili giây cung, hay nó có thể phân biệt 1 khoảng bằng giữa hai ngọn đèn xe hơi đặt trên Mặt Trăng.

Văn Thiện

Theo cbsnews, wikipedia



BÀI CHỌN LỌC

Tiết lộ bức ảnh đầu tiên về một hệ Mặt trời giống như của chúng ta