TikTok bị cấm sử dụng trên các thiết bị của Bộ Quốc phòng Úc 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Quốc phòng Úc đã cấm việc sử dụng ứng dụng mạng xã hội chia sẻ video TikTok trên các thiết bị được sử dụng bởi quân nhân của mình, theo ABC đưa tin.

Theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Úc, TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance và có trụ sở tại Bắc Kinh, không được sử dụng và cũng không được đưa vào danh sách trắng.

Tin tức này xuất hiện sau lệnh cấm tương tự gần đây của quân đội Mỹ đối với điện thoại do chính phủ cấp - mà được cho là có rủi ro an ninh mạng.

Trong tháng 12, Lầu năm góc đã khuyến cáo rằng việc sử dụng ứng dụng TikTok có một “rủi ro tiềm ẩn” và yêu cầu nhân viên quân đội Hoa Kỳ xóa ứng dụng này khỏi điện thoại do chính phủ cấp. Ngay sau đó, Hải quân Mỹ cũng cấm nhân viên của họ dùng Tiktok trên các thiết bị chính quyền cấp. Cho rằng ứng dụng này là một “mối đe dọa an ninh mạng.”

TikTok cho phép người dùng tạo các video dạng ngắn tối đa 15 giây thường đi kèm với âm nhạc. Ứng dụng này đang ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Nó đã đánh bại Instagram và Snapchat vào năm 2018 và trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều thứ tư trên thế giới .

Năm 2019, nó đã vượt qua Facebook và Messenger để trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều thứ hai sau WhatsApp và có 26,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Hoa Kỳ. Trong đó, khoảng 60% người dùng nằm trong độ tuổi từ 16 đến 24.

Tuy nhiên, sự phát triển tăng vọt của nó làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh quốc gia. Một số nhà quản lý và nhà lập pháp của Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại về khả năng chính phủ Trung Quốc truy cập vào dữ liệu của TikTok.

Vào tháng 11 năm ngoái, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã đưa ra một đánh giá về an ninh quốc gia của việc công ty ByteDance Technology mua lại ứng dụng truyền thông xã hội Musical.ly của Mỹ - ứng dụng sau đó hợp nhất với Tiktok.

TikTok được định giá 78 tỷ đô la (112 tỷ đô la Úc) vào cuối năm ngoái. Công ty này đã liên tục tự bào chữa về những lo ngại của chính phủ Mỹ. Họ nói rằng họ lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng Hoa Kỳ ở nước sở tại, với dự phòng ở Singapore.

Trong một tuyên bố được ban hành vào tháng 10 năm ngoái, công ty này cho biết: “Trung tâm dữ liệu của chúng tôi nằm hoàn toàn bên ngoài Trung Quốc và không có dữ liệu nào của chúng tôi phải tuân theo luật pháp Trung Quốc”.

“Hơn nữa, chúng tôi có một đội ngũ kỹ thuật chuyên tập trung vào việc tuân thủ các chính sách an ninh mạng mạnh mẽ, và thực hành an toàn và bảo mật dữ liệu”.

Tuy nhiên, trên trang web của công ty không có thông tin về nơi dữ liệu về người dùng từ các quốc gia khác, bao gồm cả Úc, được lưu trữ.

Công ty cũng đã tìm cách tách bạch với chính phủ Trung Quốc sau khi bị cáo buộc kiểm duyệt nội dung nhạy cảm về chính trị. Công ty cho rằng họ “không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, kể cả Trung Quốc”, và không xóa nội dung dựa trên “mức độ nhạy cảm liên quan đến chế độ Trung Quốc”.

“Chúng tôi chưa bao giờ được chính phủ Trung Quốc yêu cầu xóa bất kỳ nội dung nào và cũng sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu. Trong giai đoạn này, nhóm kiểm duyệt của chúng tôi ở California sẽ đánh giá nội dung dựa trên việc tuân thủ các chính sách của Mỹ, giống như các công ty Hoa Kỳ khác trên không gian mạng”.

Công ty nói thêm: “Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, kể cả chính phủ Trung Quốc; TikTok không hoạt động ở Trung Quốc và cũng không có ý định làm như vậy trong tương lai”.

Văn Thiện (biên dịch)

Theo The Epoch Times

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

TikTok bị cấm sử dụng trên các thiết bị của Bộ Quốc phòng Úc