Tổng quan về trí tuệ nhân tạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với sự bùng nổ của Internet, ngày càng có nhiều dữ liệu được tạo ra. Nhờ lượng dữ liệu lớn này và sự phát triển của phần cứng đã góp phần làm nên sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Vậy trí tuệ nhân tạo là gì? Nó có những ứng dụng gì trong cuộc sống của chúng ta, và AI có thể gây ảnh hưởng gì đến cho con người hay không?

Trí tuệ nhân tạo là gì?

Theo Wikipedia, “Trong khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo hay AI (tiếng Anh: artificial intelligence), đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của con người”.

AI đã trở nên ngày càng phổ biến với mọi người, và chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những ứng dụng sử dụng AI trong cuộc sống. Ví dụ như: hệ thống tự tag tên trên ảnh của Facebook, hệ thống gợi ý video của Youtube, hệ thống gợi ý sản phẩm trên các trang thương mại điện tử (ví dụ như Tiki.vn)... Hoặc các trợ lý ảo như Siri và Google Home.

Một trong những ứng dụng cho thấy khả năng của AI là AlphaGo. AlphaGo là một phần mềm có khả năng chơi cờ vây, được tạo ra bởi Google DeepMind. Theo Wikipedia, từ ngày 9 đến ngày 15/3/2016 đã diễn ra một trận đấu cờ vây giữa Lee Sedol - người từng 18 lần vô địch thế giới và AlphaGo. Trận đấu gồm 5 ván, và AlphaGo đã thắng tất cả trừ ván thứ tư.

Với sự phổ biến và thành công như vậy, AI đã ngày càng trở nên có sức ảnh hưởng đối với con người. Nhưng AI cũng tồn tại những vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét.

Những ứng dụng của AI?

Với sự phát triển nhanh chóng của AI, nó ngày càng phổ biến, và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

  • Ứng dụng của AI trong y tế: khi thu thập đủ lớn một lượng dữ liệu về hình ảnh y khoa, các kỹ sư AI có thể xây dựng các mô hình (chương trình máy tính) để tạo ra các phần mềm. Và những phần mềm này sẽ học tất cả thông tin từ những mẫu dữ liệu hiện có. Khi có một hình ảnh y khoa mới, phần mềm này có thể nhanh chóng dự đoán bệnh.
  • Ứng dụng trong thương mại điện tử và kinh doanh: các phần mềm AI có thể khai thác thông tin người dùng, hành vi của người dùng khi tương tác với các Website. AI sẽ thực hiện một số việc học, sau đó AI sẽ có khả năng đưa ra các gợi ý sản phẩm cho người dùng. Mục tiêu, là đưa ra sản phẩm mà người dùng có thể thích hoặc cần.
  • Ứng dụng trong cuộc sống: các trợ lý ảo AI như Siri của Apple, Google Home của Google, Alexa của Amazon đã ngày càng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta.
  • Ứng dụng trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên: Google dịch có lẽ là công cụ mà chúng ta có thể thường sử dụng. Để đạt được hiệu quả tốt trong việc dịch trên hơn 100 ngôn ngữ khác nhau, các mô hình AI đã được Google sử dụng.
  • Ngoài ra, còn rất nhiều ứng dụng khác của AI như các hệ thống nhận diện gương mặt. Hệ thống nhận diện giọng nói. Các hệ thống tự đọc khi chúng ta cung cấp các đoạn văn cho AI. Các hệ thống lái xe tự động. Các hệ thống tự động dự đoán giá nhà, giá cổ phiếu, ....

Những hạn chế của AI?

Mặc dù AI đã phát triển nhanh chóng như vậy, và đã len lỏi vào rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng AI cũng có rất nhiều hạn chế.

  • Không giải thích được: chúng ta có thể xem các phần mềm AI như là các hộp đen (black box). Khi chúng ta sử dụng 1 lượng lớn dữ liệu để đào tạo các phần mềm này, thì chúng ta không biết được rốt cuộc các phần mềm này đã học những gì. Chúng ta chỉ biết rằng, khi đưa 1 mẫu dữ liệu mới, thì AI có thể dùng những kiến thức nó được học để giải quyết vấn đề.
  • Không điều khiển (control) được: bởi vì chúng ta không thể giải thích được các nội dung mà các phần mềm AI đã học, nên chúng ta cũng không thể điều khiển được các phần mềm này. Một nguy hiểm khác là khi AI được lập trình để làm điều gì đó phá hoại. Trong trường hợp phát triển vũ khí, AI có thể được lập trình để giết người, làm tổn thương hoặc phá hủy con người hoặc tài sản. Những thiết bị như vậy sẽ không được sử dụng với một phương tiện đơn giản để vô hiệu hóa chúng, hoặc chúng sẽ không hoạt động tốt trong chiến đấu. Chúng có thể rất khó để ngăn chặn.
  • Không có cảm xúc và sự linh hoạt như con người: vì AI là một thiết bị máy móc, nên các phần mềm AI sẽ không có được cảm xúc của một con người. Con người chúng ta, trong các tình huống khác nhau, có thể có các phương pháp linh hoạt khác nhau để xử lý. Nhưng AI là một thiết bị, nó sẽ không có được sự linh hoạt khi gặp những tình huống bất ngờ.
  • Cân nhắc về đạo đức: AI có thể đặt ra một thách thức lớn về đạo đức cho nhân loại nếu nó đạt đến một giai đoạn rất tiên tiến. Tại thời điểm nào đó khi một cỗ máy có thể được coi là có tri giác, có ý thức và do đó có quyền tương tự như cái mà chúng ta gọi là nhân quyền? Chúng ta có thể không bao giờ đạt đến giai đoạn này của AI, nhưng các cân nhắc sớm về đạo đức của AI là rất quan trọng trong tương lai. Một cân nhắc đạo đức khác là chi phí của các phần mềm AI quan trọng, nó thường được độc quyền bởi các doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Ai sở hữu dữ liệu do AI thu thập và các công ty có thể làm gì hợp pháp với nó?

Những kiến thức cơ bản về AI

Các bạn có thể đã nghe nhiều cụm từ như học máy, học sâu, hay máy học, … Vậy những cụm từ này khác gì so với trí tuệ nhân tạo?

Hình ảnh mô tả mối quan hệ giữa: trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), máy học (machine learning), và học sâu (deep learning). (Ảnh: blogs.nvidia.com)
Hình ảnh mô tả mối quan hệ giữa: trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), máy học (machine learning), và học sâu (deep learning). (Ảnh: blogs.nvidia.com)

Theo Wikipedia, “Học máy (tiếng Anh: machine learning) là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống "học" tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể. Ví dụ như các máy có thể "học" cách phân loại thư điện tử xem có phải thư rác (spam) hay không và tự động xếp thư vào thư mục tương ứng”.

Thỉnh thoảng, chúng ta cũng có thể bắt gặp những bài viết gọi “machine learning" là máy học.

Học sâu hay còn gọi là deep learning, là một lĩnh vực nhỏ trong máy học. Học sâu liên quan đến các mô hình phức tạp hơn và cũng đòi hỏi các phần cứng tốt hơn, để có thể huấn luyện được các phần mềm của nó.

Trong học máy nói riêng và AI nói chung, có các vấn đề nhỏ như sau:

  • Thị giác máy tính (computer vision): là ngành liên quan đến các xử lý về hình ảnh. Ví dụ như: phân loại ảnh, nhận diện mặt người trong ảnh, nhận diện vật thể trong ảnh, ... Hoặc các xử lý liên quan đến video.
  • Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing - NLP): là ngành liên quan đến các xử lý về ngôn ngữ dạng văn bản. Ví dụ như: dịch một câu hay đoạn văn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tóm tắt văn bản, tính sự tương đồng của hai văn bản (vấn đề này có thể được áp dụng trong việc phát hiện đạo văn), ...
  • Xử lý tín hiện âm thanh (audio signal processing): là ngành liên quan đến các xử lý về âm thanh. Ví dụ như: nhận diện âm thanh, chuyển văn bản sang âm thanh, ...
  • Một số hướng khác liên quan đến các hệ thống gợi ý (recommender system), các ứng dụng trong khai thác dữ liệu lớn.

Tổng hợp

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tổng quan về trí tuệ nhân tạo