Tranh cãi đạo đức xung quanh nghiên cứu phát triển phôi thai nửa người, nửa khỉ đầu tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm nghiên cứu từ Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tạo ra những phôi thai nửa người, nửa khỉ đầu tiên với mục đích chuyển đổi thành các cơ quan cấy ghép, nhưng một số nhà phê bình cảnh báo rằng việc này có thể “mở chiếc hộp Pandora” - gây ra nhiều vấn đề chưa từng có trước đây.

Theo SCMP, một bài báo đăng trên tạp chí Cell hôm thứ Năm (ngày 15/4) cho biết, các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy thành công phôi hỗn hợp người và khỉ hay còn gọi là chimeras trong ống nghiệm tới 20 ngày.

Tác giả chính Tan Tao, thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh, nói trên tờ báo nhà nước China Science Daily vào hôm thứ Sáu (ngày 16/4): “Đây không phải là một công trình tệ hại, mà là một công trình có giá trị thực tiễn cao”.

Nhưng Giáo sư về đạo đức thực hành tại Đại học Oxford Julian Savulescu cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (ngày 15/4): "Nghiên cứu tạo ra thứ giống như một động vật không phải con người mà có thể về mặt tinh thần gần với con người. Công trình này đã ‘mở chiếc hộp Pandora’”.

Với các cộng tác viên từ Viện Nghiên cứu Sinh học Salk ở California, nhóm của Tan đã tiêm vào tế bào gốc của người vào phôi giai đoạn đầu của loài khỉ ăn cua hay khỉ đuôi dài.

Nhưng các tế bào gốc của con người không hoạt động tốt trong phôi khỉ, với hầu hết các phôi chết trong quá trình thử nghiệm và chỉ còn 4 đến 7% tế bào người sống sót.

Trong nghiên cứu về chimera, điều này dù sao cũng cho thấy sự tiến triển. Nhiều nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy phôi của động vật bằng tế bào người. Một thí nghiệm vào năm 2017 đã tạo ra 1% tế bào người trong phôi chuột, trong khi ở lợn, 0,001% tế bào người đã cấy được.

Nhóm của Tan tin rằng phôi khỉ hoạt động tốt hơn vì chúng gần gũi hơn với con người về mặt di truyền.

Tế bào gốc có thể phát triển thành nhiều loại mô và cơ quan khác nhau. Tan và các đồng nghiệp hy vọng một ngày nào đó các bộ phận cơ thể giống người có thể được phát triển bởi những động vật sinh ra với những tế bào này.

Hơn 2 triệu người mỗi năm không thể ghép tạng. Tan nói: “Nhiều người chết trong khi chờ đợi, điều này rất đáng buồn”.

Hầu hết các bộ phận cơ thể quan trọng của con người có thể được thay thế bằng cấy ghép, nhưng sự thiếu hụt rất lớn người hiến tặng và các vấn đề về khả năng tương thích. Người nhận thường phải dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch của họ trong suốt phần đời còn lại.

Các nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm điều chỉnh gen động vật để giảm sự khác biệt của chúng với gen người hoặc sử dụng máy in 3D sinh học để tạo nội tạng từ tế bào nuôi trong phòng thí nghiệm. Nhưng cách rẻ nhất có thể là xây dựng một trang trại nội tạng động vật được sinh ra với các phần của con người.

Tuy nhiên, Anna Smajdor, phó giáo sư triết học thực hành của Đại học Oslo, cho biết một trang trại nội tạng sẽ đặt ra những thách thức đáng kể về đạo đức và pháp luật.

Bà nói trong một tuyên bố: “Các nhà khoa học đứng sau nghiên cứu này tuyên bố rằng những phôi chimera này mang đến những cơ hội mới… Nhưng liệu những phôi này có phải là con người hay không vẫn còn là một câu hỏi”.

Theo bài báo của Tan, các phôi thai người-khỉ đã bị phá hủy sau cuộc thử nghiệm. Do đó, vẫn chưa rõ liệu chúng có thể phát triển thành một sinh vật hoàn chỉnh hay không.

Một nhà khoa học yêu cầu giấu tên ở Bắc Kinh cho biết: “Nếu họ có thể tạo ra một con khỉ mang tế bào người, thì rất khó có khả năng các mô hoặc cơ quan của nó có thể được sử dụng ngay lập tức để cấy ghép cho người. Tôi không nghĩ rằng nghiên cứu là điều gì khẩn cấp để lo lắng vào lúc này”.

Nhưng Savulescu cho biết những nghiên cứu như vậy có thể trở nên nguy hiểm. Ông nói: “Những phôi thai này đã bị phá hủy sau 20 ngày phát triển, nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi các chimera không phải con người được phát triển thành công. Câu hỏi đạo đức quan trọng là: tình trạng đạo đức của những sinh vật mới lạ này là gì?”

Văn Thiện

Theo SCMP

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Tranh cãi đạo đức xung quanh nghiên cứu phát triển phôi thai nửa người, nửa khỉ đầu tiên