Trung Quốc chiếm 18 trên 20 thành phố giám sát người dân nhiều nhất thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu của trang web công nghệ Comparitech của Anh, Trung Quốc chiếm tới 18 trong số 20 thành phố giám sát người dân nhiều nhất trên thế giới và hơn một nửa số camera giám sát được sử dụng trên toàn cầu.

Nhưng trong khi việc sử dụng giám sát video trực tiếp tiếp tục phát triển, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều camera hơn không có nghĩa tỷ lệ tội phạm giảm.

Nghiên cứu cho biết: “Một cuộc tranh luận chính ủng hộ giám sát video (CCTV) là cải thiện việc thực thi pháp luật và phòng chống tội phạm... [Nhưng] số lượng camera cao hơn hầu như không tương quan với chỉ số tội phạm thấp”.

Nghiên cứu đã so sánh số lượng camera giám sát công cộng với các chỉ số tội phạm được báo cáo dựa trên các cuộc khảo sát của Numbeo, một cơ sở dữ liệu cộng đồng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin vào năm 2017, Hệ thống giám sát video quốc gia Trung Quốc, mà các nhà chức trách tuyên bố là nhằm giữ gìn an ninh công cộng, đã trang bị tới hơn 20 triệu camera. Nước này dự kiến tăng thêm hàng triệu camera nữa vào năm 2020.

Có nhiều ước tính khác nhau về số lượng camera giám sát ở Trung Quốc, nhưng báo cáo mới nhất của IHS Markit, 54% trong số 770 triệu camera giám sát trên toàn thế giới được đặt tại nước này, có nghĩa là có khoảng 415,8 triệu chiếc. Nếu tỷ lệ phần trăm này vẫn giữ nguyên khi mức camera tăng lên 1 tỷ trong năm tới, số lượng camera giám sát của Trung Quốc có thể tăng lên tới 540 triệu chiếc.

Bản đồ các thành phố được giám sát nhiều nhất trên thế giới.
Bản đồ các thành phố được giám sát nhiều nhất trên thế giới. (Ảnh: Datawrapper)

Liệu việc tăng camera có khiến cho tội phạm giảm?

Severine Arsene, Phó giáo sư tại Đại học Hồng Kông, người nghiên cứu chính sách kỹ thuật số Trung Quốc cho Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc cho biết, nghiên cứu xã hội cho thấy có rất ít mối tương quan giữa việc mở rộng mạng lưới giám sát video và sự giảm tỷ lệ tội phạm.

Theo Arsene, lắp đặt hàng loạt camera giám sát có thể hỗ trợ việc phát hiện các tội phạm nhỏ trong không gian công cộng, chẳng hạn như trộm cắp và gây hấn. Nhưng camera không thể bắt được những tội ác lớn xảy ra ở nơi khác, như tội phạm tài chính và trốn thuế.

Arsene nói: “Mặc dù nó có thể có tác dụng răn đe, nhưng trong một số trường hợp, điều đó chỉ có nghĩa là việc phạm tội được di chuyển đến một khu vực không có sự giám sát, thay vì bị hủy bỏ”.

Bắc Kinh, nơi có 1,15 triệu camera, đứng đầu danh sách về số lượng camera được lắp đặt - khoảng 60 camera trên 1.000 người - tiếp theo là Thượng Hải với 1 triệu camera.

Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh miền trung Sơn Tây và Vô Tích, thuộc tỉnh Giang Tô gần Thượng Hải, là hai thành phố được giám sát nhiều nhất trên thế giới trên cơ sở bình quân đầu người.

Thái Nguyên có khoảng 465.000 camera cho gần 4 triệu người - hơn 110 camera trên 1.000 dân.

Trong số các thành phố không thuộc Trung Quốc, London đứng thứ 3 trong khi thành phố Hyderabad ở Ấn Độ chiếm vị trí thứ 16, theo nghiên cứu.

Arsene cho biết Trung Quốc sẽ mở rộng khả năng giám sát thông qua việc triển khai các camera hỗ trợ nhận dạng khuôn mặt.

Trung Quốc tuyên bố Công nghệ giám sát sẽ nâng cấp lại. Các kỹ sư của công ty Hanwang Technology Bắc Kinh đã phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt qua khẩu trang. (Ảnh chụp màn hình video)
Trung Quốc tuyên bố Công nghệ giám sát sẽ nâng cấp lại. Các kỹ sư của công ty Hanwang Technology Bắc Kinh đã phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt qua khẩu trang. (Ảnh chụp màn hình video)

Mục tiêu thật sự mà các camera nhắm đến là gì?

Tuy nhiên theo Arsene, các công nghệ tự động nhận dạng con người có thể được sử dụng để nhắm mục vào các nhà bất đồng chính kiến hoặc thậm chí là người dân tộc thiểu số, không chỉ là tội phạm nơi công cộng.

Một điều cần thiết là phải giám sát chặt chẽ người phụ trách hệ thống camera - đó chính xác là điều còn thiếu trong một chế độ như Trung Quốc.

Cô nói: “Chúng ta cần xem xét các khả năng lạm dụng, như theo dõi, tống tiền, xóa bằng chứng, cũng như mở rộng dần phạm vi giám sát ngoài mục đích sử dụng ban đầu”.

Theo Arsene, chính phủ nên xây dựng các xã hội theo hướng tăng cường sự tiếp cận bình đẳng với giáo dục, văn hóa và chăm sóc sức khỏe, thay vì cố gắng khắc phục các vấn đề với sự giám sát nhiều hơn.

Theo Arsene, chính phủ cũng nên phác thảo các quy định rõ ràng xung quanh việc sử dụng camera giám sát trong không gian công cộng và riêng tư với những hạn chế về cách dữ liệu được thu thập, lưu trữ, truy cập và sử dụng.

Danh sách 20 thành phố được giám sát nhiều nhất trên thế giới

Dựa trên số lượng camera trên 1.000 người, những thành phố này là 20 thành phố được giám sát nhiều nhất trên thế giới:

  1. Thái Nguyên, Trung Quốc - 465.255 camera cho 3.891.127 người = 119,57 camera trên 1.000 dân
  2. Vô Tích, Trung Quốc - 300.000 camera cho 3.256.020 người = 92,14 camera trên 1.000 dân
  3. Luân Đôn, Anh - 627.727 camera cho 9.324.016 người = 67,47 camera trên 1.000 người
  4. Trường Sa, Trung Quốc - 260.000 camera cho 4.577.723 người = 56,80 camera trên 1.000 dân
  5. Bắc Kinh, Trung Quốc - 1.150.000 camera cho 20.462.610 người = 56,20 camera trên 1.000 dân
  6. Hàng Châu, Trung Quốc - 400.000 camera cho 7.642.147 người = 52,34 camera trên 1.000 dân
  7. Côn Minh, Trung Quốc - 200.000 camera cho 4.443.186 người = 45,01 camera trên 1.000 dân
  8. Thanh Đảo, Trung Quốc - 250.000 camera cho 5.619.977 người = 44,48 camera trên 1.000 dân
  9. Hạ Môn, Trung Quốc - 150.000 camera cho 3.720.141 người = 40,32 camera trên 1.000 dân
  10. Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc - 250.000 camera cho 6.387.195 người = 39,14 camera trên 1.000 dân
  11. Tô Châu, Trung Quốc - 270.000 camera cho 7.069.992 người = 38,19 camera trên 1.000 dân
  12. Thượng Hải, Trung Quốc - 1.000.000 camera cho 27.058.480 người = 39,96 camera trên 1.000 dân
  13. Urumqi, Trung Quốc - 160.000 camera cho 4.368.865 người = 36,62 camera trên 1.000 dân
  14. Thành Đô, Trung Quốc - 310.000 camera cho 9.135.768 người = 33,93 camera trên 1.000 dân
  15. Thâm Quyến, Trung Quốc - 400.000 camera cho 12.356.820 người = 32,37 camera trên 1.000 dân
  16. Hyderabad, Ấn Độ - 300.000 camera cho 10.004.144 người = 29,99 camera trên 1.000 dân
  17. Tế Nam, Trung Quốc - 160.000 camera cho 5.360.185 người = 29,85 camera trên 1.000 dân
  18. Thẩm Dương, Trung Quốc - 200.000 camera cho 7.220.104 người = 27,70 camera trên 1.000 dân
  19. Hợp Phì, Trung Quốc - 113.795 camera cho 4.241.514 người = 26,83 camera trên 1.000 dân
  20. Thiên Tân, Trung Quốc - 350.000 camera cho 13,589,078 người = 25,76 camera trên 1.000 dân

 

Văn Thiện

Theo scmp, comparitech



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc chiếm 18 trên 20 thành phố giám sát người dân nhiều nhất thế giới