Trung Quốc cạn kiệt nguồn tài nguyên nước - tác động bất ổn đến một số nước ở châu Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong các vấn đề của trung Quốc, sự suy giảm nhân khẩu học, môi trường chính trị ngột ngạt, sự đình trệ trong cải cách kinh tế; thì sự suy giảm tài nguyên nước có thể là cấp bách nhất.

Cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể có tác động tiêu cực đến địa chính trị. Nhà sử học Geoffrey Parker đã lập luận rằng việc thay đổi thời tiết đã dẫn đến chiến tranh, bạo lực cách mạng và các biến động khủng hoảng toàn cầu khác trong suốt thế kỷ 17.

Gần đây, biến đổi khí hậu đã mở ra sự cạnh tranh mới về các tuyến đường thương mại, tài nguyên ở vùng Bắc Cực. Hiện nay Trung Quốc, một cường quốc lớn có ảnh hưởng đến hệ thống quốc tế, đang cạn kiệt dần nguồn nước, có khả năng dẫn đến các xung đột trong và ngoài nước.

Tài nguyên thiên nhiên đã sản sinh ra các cường quốc thế giới

Tài nguyên thiên nhiên luôn luôn quan trọng đối với sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia và toàn cầu. Vào thế kỷ 19, một quốc gia nhỏ - Vương quốc Anh - đã vượt trên các quốc gia khác, vì nguồn tài nguyên than dồi dào đã tạo điều kiện để quốc gia này thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp sử dụng năng lượng than. Tuy nhiên, cuối cùng Anh đã bị Hoa Kỳ vượt lên trên, nhờ vào việc khai thác những vùng đất trồng trọt khổng lồ, trữ lượng dầu mỏ lớn và các nguồn tài nguyên khác. Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc kinh tế cho đến ngày nay.

Điều tương tự cũng từng xảy ra với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cải cách tư bản, mở cửa hệ thống thương mại toàn cầu và nhân khẩu học tốt, đều đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 2000. Thực tế là Trung Quốc đã chủ động khai thác tài nguyên đất, nước và nguyên liệu thô, cộng với lao động giá rẻ đã tạo điều kiện để họ khai thác các tài nguyên này một cách tích cực. Điều này đã giúp Trung Quốc trở thành một công xưởng của thế giới.

Tài nguyên nước đang cạn kiệt tại Trung Quốc

Tuy nhiên, sự phong phú nguồn lực tự nhiên của Trung Quốc đã trở thành một điều của quá khứ. Trung Quốc đã dần cạn kiệt nhiều nguồn tài nguyên của họ.

Một thập kỷ trước, Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới. Vùng đất trồng trọt của họ đã bị thu hẹp do suy thoái và lạm dụng thái quá. Sự phát triển mạnh về công nghiệp cũng đã biến Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới: họ mua ba phần tư dầu mỏ từ nước ngoài, trong khi Mỹ đã trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng ròng.

Tình hình nguồn tài nguyên nước ở Trung Quốc đặc biệt nghiệt ngã. Trang The Hill lưu ý, Trung Quốc sở hữu 20% dân số thế giới nhưng chỉ có 7% nước ngọt. Toàn bộ các khu vực, đặc biệt là ở phía Bắc, bị khan hiếm nước tồi tệ hơn so với các khu vực khô cằn ở Trung Đông.

Vùng đất trồng trọt của Trung Quốc đã bị thu hẹp do suy thoái và lạm dụng thái quá. (Ảnh: Getty Images)

Trung Quốc đang thiếu hụt lượng nước cần thiết để duy trì nền kinh tế của mình. Khả năng cung cấp nước bình quân đầu người của Trung Quốc là một phần tư mức trung bình toàn cầu và gần 700 triệu công dân của nước này sống ở các khu vực được coi là có áp lực về nước cao. Trong khi đó, tình trạng cạn kiệt nước ngầm ở các khu vực xung quanh Bắc Kinh đã diễn ra nghiêm trọng đến mức các khu vực của thành phố đang bị sụt vào lòng đất hơn 14 cm mỗi năm.

Tình trạng thiếu nước của Trung Quốc thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất điện, nơi các nhà sản xuất thủy điện và điện than của quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng tiếp cận nguồn nước không thường xuyên. Các nhà chức trách đã đối phó với tình trạng mất điện trên diện rộng bằng cách kìm hãm mức tiêu thụ năng lượng công nghiệp, dẫn đến sự gián đoạn lớn đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc.

Hàng ngàn con sông đã biến mất, đồng thời công nghiệp hóa và ô nhiễm đã làm hỏng phần lớn nguồn nước còn lại. Theo một số ước tính, 80% đến 90% nước ngầm của Trung Quốc và một nửa nước sông là quá ô nhiễm để làm nguồn nước uống. Hơn một nửa nước ngầm và một phần tư nước sông thậm chí không thể được sử dụng cho ngành công nghiệp hoặc canh tác.

Cạn kiệt tài nguyên nước gây ra các bất ổn

Đây là một vấn đề gây nên các chi phí rất lớn. Trung Quốc buộc phải chuyển nước từ các khu vực tương đối ẩm ướt lên vũng phía Bắc bị hạn hán. Các chuyên gia đánh giá rằng đất nước mất hơn 100 tỷ đô la hàng năm do sự khan hiếm nước. Thiếu hụt lương thực và nông nghiệp không bền vững đang gây ra sa mạc hóa những vùng đất lớn. Sự thiếu hụt năng lượng liên quan đến nước đã trở nên phổ biến trên cả nước.

Chính phủ đã thúc đẩy việc phân phối và cải thiện hiệu quả sử dụng nước, nhưng không đủ để giải quyết vấn đề. Trong tháng này, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng Quảng Châu và Thâm Quyến - hai thành phố lớn ở đồng bằng sông Châu Giang tương đối giàu nước - sẽ phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng vào năm tới.

Các vấn đề tài nguyên của Trung Quốc đã thúc đẩy một loạt các thách thức khác - suy giảm nhân khẩu học, môi trường chính trị ngày càng ì ạch, sự đình trệ trong cải cách kinh tế - đã có tác động rõ rệt ngay cả trước khi Covid xảy ra. Ảnh hưởng xã hội sẽ được thử nghiệm tại Trung Quốc khi tài nguyên cạn kiệt dần sẽ dễ dẫn đến các cuộc chiến về phân phối.

Năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng sự khan hiếm nước đe dọa sự sống còn của quốc gia Trung Quốc. Một bộ trưởng tài nguyên nước tuyên bố rằng Trung Quốc phải đấu tranh cho mỗi giọt nước hoặc là chết.

Trung Quốc cạn kiệt tài nguyên nước đang gây ra bất ổn cho một số quốc gia ở châu Á

Lịch sử đã chứng minh, sự khan hiếm tài nguyên và sự bất ổn chính trị thường đi đôi với nhau.

Căng thẳng nước ngoài tăng cao có thể theo sau việc khan hiếm tài nguyên. Những người theo dõi Trung Quốc lo lắng rằng, nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cảm thấy không an toàn trong nước, họ có thể tấn công các đối thủ quốc tế.

Phần lớn nước ngọt của Trung Quốc tập trung ở các khu vực, chẳng hạn như Tây Tạng, quốc gia mà Chính quyền ĐCSTQ đã đánh chiếm sau khi nắm quyền vào năm 1949. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng giải quyết các thách thức tài nguyên của mình bằng cách ép buộc và ngăn chặn các nước láng giềng.

Bằng cách xây dựng một loạt các con đập khổng lồ trên sông Mê Kông, Bắc Kinh đã kích hoạt hạn hán tái diễn và lũ lụt tàn khốc ở các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Việt Nam - các quốc gia phụ thuộc vào con sông này. Sự phân chia của các dòng sông ở Tân Cương đã có những tác động đến các vùng hạ nguồn ở Trung Á.

Một sự căng thẳng chính trị đang ngày càng tăng ở khu vực của dãy Himalayas. Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng các con đập lớn để giữ nước trong quốc gia của họ, hạn chế việc nguồn nước chảy đến các vùng nước quan trọng tại Ấn Độ. Làm cho đất nước đó (và Bangladesh) trở thành những quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc.

Như nhà phân tích chiến lược của Ấn Độ Brahma Chellaney nói “lãnh thổ của Trung Quốc ở giữa Biển Đông và dãy Himalayas… họ đã lén lút để khống chế nguồn tài nguyên nước trong các lưu vực sông xuyên quốc gia”.

Nói cách khác, Trung Quốc đang ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, và họ càng gây ra những khó khăn và ảnh hưởng lớn hơn về mặt địa chính trị.

Theo Bloomberg/The Hill



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc cạn kiệt nguồn tài nguyên nước - tác động bất ổn đến một số nước ở châu Á