Trung Quốc đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất trong lịch sử khí hậu thế giới, theo nhà nghiên cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lượng mưa thấp và nắng nóng kỷ lục trên khắp Trung Quốc đang có những tác động lan rộng đến người dân, các ngành công nghiệp và nông nghiệp của nước này. Mực nước sông và hồ chứa đã giảm, các nhà máy phải đóng cửa vì thiếu điện và nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại...

Theo Newscientist, người dân ở nhiều vùng của Trung Quốc đã phải trải qua hai tháng nắng nóng gay gắt. Hàng trăm nơi đã báo cáo nhiệt độ hơn 40°C (104°F), và nhiều kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ. Các ga tàu điện ngầm đã thiết lập các khu vực nghỉ ngơi để mọi người có thể tránh nóng.

Vào ngày 18/8, nhiệt độ ở Trùng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên đạt 45°C (113°F), mức cao nhất từng được ghi nhận ở Trung Quốc bên ngoài khu vực Tân Cương, nơi có nhiều sa mạc. Vào ngày 20/8, nhiệt độ trong thành phố này không xuống dưới 34,9°C (94,8°F). Đây là mức nhiệt độ tối thiểu cao nhất từng được ghi nhận tại Trung Quốc vào tháng Tám.

Đợt nắng nóng hiện nay ở Trung Quốc là đợt nắng nóng dài nhất và nóng nhất kể từ khi các kỷ lục thời tiết nước này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1961.

Theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera, người theo dõi nhiệt độ cực đoan trên khắp thế giới, đây là đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận.

Ông nói: “Đợt nắng nóng này đã kết hợp cường độ mạnh nhất với thời gian dài nhất và với một diện tích cực kỳ rộng lớn cùng một lúc. Không có đợt nắng nóng nào trong lịch sử khí hậu thế giới có thể so sánh được với những gì đang xảy ra ở Trung Quốc”.

Cùng với nắng nóng khắc nghiệt, lượng mưa thấp ở các khu vực của Trung Quốc đã khiến các con sông giảm xuống mức thấp. Trong số đó, 66 con cạn kiệt hoàn toàn. Tại các khu vực của sông Dương Tử, mực nước thấp nhất kể từ năm 1865.

Ở một số nơi, nguồn cung cấp nước địa phương đã cạn kiệt và người ta phải chở nước uống đến. Vào ngày 19/8, Trung Quốc đã công bố tình trạng báo động hạn hán quốc gia cho lần đầu tiên sau chín năm.

Sản lượng thủy điện đã giảm do mực nước thấp. Tứ Xuyên đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi vì khu vực này sử dụng 80% điện năng từ thủy điện. Hàng nghìn nhà máy trên địa bàn tỉnh đã phải ngừng hoạt động vì thiếu điện trong bối cảnh nhu cầu điều hòa không khí tăng cao. Các văn phòng và trung tâm mua sắm cũng được yêu cầu giảm ánh sáng và điều hòa không khí để tiết kiệm điện.

Riêng tại Tứ Xuyên, 47.000 ha hoa màu được báo cáo đã bị mất trắng và 433.000 ha khác bị thiệt hại. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết họ sẽ cố gắng tăng lượng mưa bằng cách “gieo mây”, kỹ thuật sử dụng máy bay rải hóa chất vào đám mây. Về mặt khoa học, vẫn chưa rõ liệu phương pháp này có tạo ra sự khác biệt đáng kể về lượng mưa hay không.

Trung Quốc không phải là nơi duy nhất bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Châu Âu cũng đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Ngoài ra còn có hạn hán ở vùng Sừng châu Phi, và phần lớn Hoa Kỳ và Mexico.

Năng suất cây trồng thấp hơn ở những khu vực này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Giá lương thực toàn cầu đạt mức kỷ lục ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine, và mặc dù đã giảm từ tháng 3 nhưng vẫn cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, vì Trung Quốc đã tích trữ trữ lượng ngũ cốc lớn trong những năm gần đây, cho nên nước này có thể bù đắp một phần thiếu hụt.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất trong lịch sử khí hậu thế giới, theo nhà nghiên cứu