Tương lai của Trạm vũ trụ quốc tế ISS khi không có Nga?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người đứng đầu Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết sẽ chấm dứt hợp tác với các quốc gia khác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nếu điều này sẽ được thực hiện, các vấn đề gì sẽ nảy sinh và giải quyết chúng như thế nào? 

Theo kế hoạch của ISS, trạm này sẽ được duy trì hoạt động cho đến năm 2024, tuy nhiên gần đây NASA đã công bố ý định gia hạn dự án đến năm 2030. Việc tiếp tục hoạt động của ISS chắc chắn sẽ cần sự hỗ trợ của tất cả các bên, và việc Nga sẽ 'rút tay' khỏi ISS có thể khiến mọi việc đi lệch hướng.

Nga tuyên bố dừng hợp tác trên trạm vũ trụ

Ông Dmitry Rogozin, giám đốc của Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, đã đưa ra thông báo trong một loạt tuyên bố trên Twitter, trong đó ông nói rằng “việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và các dự án khác chỉ có thể thực hiện được nếu dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện các lệnh trừng phạt bất hợp pháp”.

Trước đó vào ngày 14/3/2022, ông Dmitry Rogozin đã gửi thư tới NASA, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) - các đối tác chính của Nga trên ISS. Ông đề xuất các đối tác phương Tây trên ISS xem xét vấn đề dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà ông gọi là “bất hợp pháp” được áp dụng đối với các doanh nghiệp trong ngành hàng không vũ trụ của Liên bang Nga sau những căng thẳng liên quan đến Ukraine.

Kết quả, sau hơn 2 tuần chờ đợi, vào ngày 2/4/2022, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos đã viết trên Twitter bày tỏ quan điểm cứng rắn của mình rằng: Nga sẽ không hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế cho đến khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ.

Ông cũng nói thêm rằng Roscosmos sẽ sớm xác định thời điểm Nga ngừng tham gia ISS, sau đó sẽ báo cáo cho các quan chức chính phủ Nga biết.

Phương Tây cũng tìm cách cắt đứt quan hệ

Mặc dù vậy, hôm thứ Tư 30/3), một phi hành gia Hoa Kỳ và hai phi hành gia Nga đã cùng hạ cánh xuống Kazakhstan sau khi rời ISS trên một con tàu Soyuz của Nga.

Tuy nhiên, không chỉ Roscosmos đang tìm cách cắt đứt quan hệ với phương Tây. Tháng trước, ESA cho biết họ đang tạm ngừng hợp tác với cơ quan Nga về sứ mệnh thám hiểm ExoMars. Liên doanh vệ tinh OneWeb của Anh nói thêm rằng họ đã liên hệ với SpaceX của Elon Musk để đưa vệ tinh của mình vào quỹ đạo sau khi hủy bỏ sứ mệnh tại Nga.

Có vẻ như tất cả các bên đang xem xét các giải pháp thay thế để tránh sự hợp tác giữa phương Tây-Nga.

Vấn đề gì sẽ xảy ra với Trạm vũ trụ quốc tế?

Nga đóng vai trò rất quan trọng trên ISS, đó là việc kiểm soát các phòng thí nghiệm quan trọng, nắm giữ các modul cần thiết cho việc duy trì hoạt động bình thường của trạm vũ trụ, tham gia các thay đổi của phi hành đoàn, gửi nguồn cung cấp từ Trái Đất lên. Mặt khác, hàng năm Nga đều thực hiện các điều chỉnh độ cao bằng động cơ của các tàu tự động Tiến bộ. Nếu không có những thao tác này, ISS có thể tan rã trong không gian hoặc rơi trở lại Trái Đất thành từng mảnh.

Ban đầu, cơ quan vũ trụ Mỹ NASA hy vọng sẽ duy trì sự hợp tác với Roscosmos và vẫn lạc quan rằng các hoạt động trên trạm vũ trụ ISS có thể tiếp tục như bình thường. Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng của hai bên đã khiến toàn bộ dự án nghiên cứu vũ trụ trên ISS và tương lai của nó nằm trong vòng nghi vấn.

Trước đó, ông Dmitry Rogozin đã nói với các quốc gia đối tác trong ISS rằng nếu không có sự tham gia của Liên bang Nga vào hoạt động của ISS, trạm vũ trụ 500 tấn sẽ không thể hoạt động bình thường và thậm chí có thể rơi khỏi quỹ đạo. Hơn nữa, ông Dmitry Rogozin còn nói, nếu điều này xảy ra thì các nước phương Tây cần phải lo sợ hơn, vì ISS có thể rơi xuống lãnh thổ của họ hoặc nơi đông dân nào đó mà không phải là rơi xuống Nga.

Những khu vực mà ISS đang bay qua, trong đó, phần bay qua lãnh thổ Nga (màu đỏ) rất ít.
Những khu vực mà ISS đang bay qua, trong đó, phần bay qua lãnh thổ Nga (màu đỏ) rất ít. Ảnh: Roscosmos

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng biên tập tạp chí Aerospatium (Pháp), Stefan Barensky, dù xung đột tác động mạnh đến lĩnh vực không gian vũ trụ, song Nga sẽ không thể rút khỏi ISS ngay lập tức bởi có sự phụ thuộc lớn giữa các phần của Nga và phần của Mỹ-Nhật Bản-châu Âu trong trạm vũ trụ. Các bộ phận đều có sự gắn kết chặt chẽ và không thể hoạt động tách rời.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vũ trụ nói riêng và các ngành công nghiệp khác của Nga cũng vậy, họ cần có nguồn thu ngoại tệ từ những dự án hợp tác này.



BÀI CHỌN LỌC

Tương lai của Trạm vũ trụ quốc tế ISS khi không có Nga?