Twitter hướng tới hạn chế người dùng chia sẻ bài viết chưa đọc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Twitter đang cố gắng ngăn chặn người dùng chia sẻ những bài viết họ chưa đọc trong một thử nghiệm. Công ty hy vọng sẽ “thúc đẩy cuộc thảo luận đã nắm được thông tin” trên mạng xã hội.

Bài thử nghiệm được gửi tới một số người dùng Twitter trên thiết bị Android. Trong đó, công ty đưa ra một câu hỏi để hỏi mọi người xem họ có thực sự muốn chuyển tiếp một liên kết mà họ chưa mở ra xem hay không.

Twitter cho biết trong một thông báo: “Chia sẻ về một bài viết có thể châm ngòi cho cuộc trò chuyện, vì vậy bạn có lẽ muốn đọc nó trước khi tweet lại. Để giúp thúc đẩy cuộc thảo luận đã nắm được thông tin, chúng tôi đã thử nghiệm một lời nhắc mới trên Android - khi bạn chuyển tiếp một bài viết mà bạn chưa mở ra xem trên Twitter, chúng tôi sẽ hỏi bạn có muốn mở nó ra xem trước không”.

Vấn đề người dùng chia sẻ liên kết mà họ chưa đọc không phải là mới. Một nghiên cứu năm 2016 từ các nhà khoa học máy tính tại Đại học Columbia và Microsoft cho thấy 59% các liên kết được đăng trên Twitter không bao giờ được nhấp vào.

Ít tính khoa học hơn, nhưng chia sẻ nhiều hơn, là một bài báo hoàn toàn viết bằng những đoạn văn bản giả mạo và được đăng trên Science Post cùng năm đó với tiêu đề “Nghiên cứu: 70% người dùng Facebook chỉ đọc tiêu đề của các câu chuyện khoa học trước khi bình luận”. Bài viết này đạt tới hơn 127.000 lượt chia sẻ.

Giải pháp của Twitter không phải là cấm việc tweet lại, mà là đưa thêm “ma sát” vào quá trình này, để cố gắng thúc đẩy một số người dùng suy nghĩ lại về hành động của họ trên mạng xã hội. Đây là một cách tiếp cận mà công ty đã thực hiện thường xuyên hơn trong thời gian gần đây, trong nỗ lực cải thiện “sức khỏe của nền tảng” mà không phải đối mặt với các cáo buộc kiểm duyệt.

Vào tháng 5, công ty đã bắt đầu thử nghiệm với việc yêu cầu người dùng “sửa đổi” lời đáp lại của họ nếu họ chuẩn bị gửi tweet với “ngôn ngữ có hại” cho người khác.

Công ty này giải thích: “Khi trở nên nóng nảy hơn, bạn có thể nói những điều bạn không muốn nói. Để cho bạn suy nghĩ lại về một lời đáp lại, chúng tôi đang chạy thử nghiệm giới hạn trên iOS với lời nhắc cung cấp cho bạn tùy chọn sửa lại lời đáp của bạn trước khi xuất bản nếu nó sử dụng ngôn ngữ có thể gây hại”.

Twitter từng thực hiện một việc kém hiệu quả hơn là sử dụng bộ lọc. Công ty nhận thấy họ lọc ra số cuộc trò chuyện vô hại giữa những người bạn bằng với số lời nói thực sự đáng ghét nhắm vào người khác.

Lãnh đạo toàn cầu của Twitter về chính sách của trang web đối với niềm tin và an toàn cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng khuyến khích mọi người suy nghĩ lại về hành vi và ngôn ngữ của mình trước khi đăng bởi vì họ thường ở trong thời điểm nóng nảy và có thể nói điều gì đó khiến sau này họ hối tiếc”.

Trong một diễn biến khác vào tháng trước, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tìm cách giảm bớt sự bảo vệ pháp lý đối với các nền tảng truyền thông xã hội sau khi Twitter thêm một thông báo vào một trong những tweet của ông là đã vi phạm các quy định của công ty về “tôn vinh bạo lực”. Trước đó, công ty này cũng dán nhãn kiểm tra thực tế trên một tweet khác của ông Trump về việc phản đối việc bỏ phiếu qua thư.

Hôm thứ Ba (9/6), 4 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng hòa cũng kêu gọi Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) xem xét liệu có nên sửa đổi các biện pháp bảo vệ trách nhiệm đối với các công ty Internet hay không.

Các thượng nghị sĩ đã yêu cầu FCC xem xét lại Mục 230 của Đạo luật về Truyền thông Đúng đắn (Communications Decency Act) và “định nghĩa rõ ràng các tiêu chí mà các công ty có thể nhận được sự bảo vệ theo đạo luật”.

Các thượng nghị sĩ viết: “Các công ty truyền thông xã hội tham gia vào một loạt các hoạt động biên tập và quảng bá; giống như các nhà xuất bản, họ kiếm tiền, biên tập và chỉnh sửa nội dung người dùng. Đã đến lúc phải có một cái nhìn mới mẻ đối với Mục 230 để giải thích tiêu chuẩn mơ hồ về ‘thành thực’ (good faith) với các hướng dẫn và định hướng cụ thể”.

Văn Thiện

Theo theguardian

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Twitter hướng tới hạn chế người dùng chia sẻ bài viết chưa đọc