Vệ tinh chết của Nga và tên lửa bỏ đi của Trung Quốc có ‘nguy cơ va chạm cao’ trên quỹ đạo Trái đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một vệ tinh của Nga đã dừng hoạt động và một thân tên lửa bị bỏ đi của Trung Quốc có “nguy cơ va chạm cao” khi chúng bay trên quỹ đạo quanh Trái đất.

Theo Unilad, 2 mảnh rác không gian này chỉ như những hạt cát trong số gần 130 triệu mảnh vụn hiện đang bay quanh Trái đất. Các vật thể này, bao gồm các vệ tinh bị bỏ rơi và các mảnh của tàu vũ trụ, di chuyển với tốc độ gần gấp 10 lần tốc độ của một viên đạn, có nghĩa là ngay cả những mảnh nhỏ nhất cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho bất cứ thứ gì trên đường đi của chúng.

Vào thứ Ba, ngày 13 tháng 10, LeoLabs, một công ty sử dụng radar để theo dõi vệ tinh và các mảnh vỡ trong không gian, tiết lộ rằng họ đang theo dõi một “vụ va chạm có nguy cơ rất cao” của 2 vật thể lớn.

Thông qua một loạt các quan sát, công ty xác định vệ tinh ngừng hoạt động của Nga và vỏ tên lửa Trung Quốc có thể đi sượt qua nhau chỉ 12 mét.

LeoLabs đã tính toán rằng có 10% khả năng các vật thể sẽ va chạm vào ngày 15 tháng 10 lúc 8 giờ 26 phút tối theo giờ ET. Có đến 90% khả năng các vật thể sẽ không va chạm nhau. Điều đáng chú ý là NASA cũng thường xuyên phải dịch chuyển Trạm Vũ trụ Quốc tế khi nó có trên 0,001% (1 trong 100.000) cơ hội va chạm với một vật thể khác.

Vì cả vệ tinh và thân tên lửa đều không còn dùng được, nên không có cơ hội thay đổi quỹ đạo của chúng. Tỷ lệ va chạm dự kiến sẽ thay đổi khi chúng tiến gần nhau hơn, mặc dù LeoLabs dự kiến rủi ro sẽ tiếp tục tăng cao.

Nếu xảy ra, vụ va chạm sẽ diễn ra trên quỹ đạo Trái đất, các mảnh vụn sẽ ở độ cao 991 km so với mặt đất và trên Biển Weddell Nam Cực, có nghĩa là không có bất kỳ nguy hiểm cho con người.

Tuy nhiên, một vụ va chạm sẽ gây ra các vấn đề trong không gian vì vệ tinh của Liên Xô và thân tên lửa của Trung Quốc có khối lượng gần 3 tấn (2.800 kg). Như vậy nếu xảy ra, vụ va chạm có thể tạo ra một lượng đáng kể các mảnh vỡ bay vào không gian theo mọi hướng.

Dan Ceperley, CEO của LeoLabs, nói với Business Insider : “Nếu sự kiện này biến thành một vụ va chạm thật, có thể hàng nghìn đến hàng chục nghìn mảnh vỡ mới sẽ gây mối lo ngại cho bất kỳ vệ tinh nào đang đi vào quỹ đạo phía trên của Trái đất, hoặc thậm chí xa hơn. Nó có thể là một vấn đề lớn hơn nhiều”.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Tập đoàn Hàng không Vũ trụ của Mỹ cũng đã theo dõi hai vật thể và sau khi chạy các mô phỏng của riêng mình, họ đã tính toán khả năng va chạm thấp hơn nhiều, chỉ 1 trên 250.000 triệu.

Ted Muelhaupt, người giám sát phân tích các mảnh vỡ không gian của tập đoàn này cho biết, các chuyên gia không muốn gây sự bối rối nào cho kết luận của LeoLabs, nhưng nói rằng dữ liệu họ thu thập được khiến họ “khá tự tin” rằng các vệ tinh sẽ không va chạm.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Vệ tinh chết của Nga và tên lửa bỏ đi của Trung Quốc có ‘nguy cơ va chạm cao’ trên quỹ đạo Trái đất