Vệ tinh thu được sự kiện hy hữu: Lỗ đen khổng lồ xé toạc một ngôi sao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sử dụng kính viễn vọng săn tìm hành tinh của NASA, các nhà khoa học lần đầu tiên đã thu được hình ảnh quá trình một lỗ đen khổng lồ đang xé toạc một ngôi sao thành các mảnh vụn (hiện tượng ASASSN-19bt). Thiết bị này đã ghi lại được một sự kiện phi thường và hỗn loạn của vũ trụ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, Vệ tinh Khảo sát Exoplanet của cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ, hay còn gọi là TESS, đã ghi lại toàn bộ chi tiết quá trình một ngôi sao cách vệ tinh 375 triệu năm ánh sáng đang bị kéo và hút bởi lực hấp dẫn không ngừng của một lỗ đen siêu lớn.

Suvi Gezari, nhà thiên văn học của Đại học Maryland tại College Park cho biết, sự kiện một ngôi sao tiến tới gần lỗ đen rồi bị hút vào và xé toạc ra chỉ xảy ra khoảng 100.000 năm một lần trong bất kỳ thiên hà nào. Đây là điều thực sự thú vị.

Ngôi sao có kích thước tương đương với mặt trời của chúng ta, cuối cùng đã hoàn toàn rơi vào sự quên lãng trong một sự kiện vũ trụ hiếm gặp mà các nhà thiên văn học gọi là sự kiện gián đoạn thủy triều.

Các nhà thiên văn học đã sử dụng một mạng lưới kính viễn vọng quốc tế để phát hiện hiện tượng này trước khi chuyển sang TESS, vệ tinh quan sát thiên văn được thiết kế chuyên để săn các hành tinh xa xôi bắt gặp trong các sự kiện tương tự như trên. Đây là phương pháp quan sát vũ trụ độc đáo mà các nhà thiên văn học toàn thế giới cùng cộng tác phát triển.

Nhà thiên văn học Thomas Holoien thuộc Viện Khoa học Carnegie, người đứng đầu nghiên cứu được công bố trên Astrophysical Journal (Tạp chí Vật lý học thiên thể), cho biết: “Đây thực sự là sự kết hợp của cả hai điều tốt và may mắn, và đôi khi đó là những gì bạn cần để thúc đẩy khoa học phát triển”.

Năng lượng phát ra từ ASASSN-19bt này gấp khoảng 30 tỷ lần năng lượng mặt trời của chúng ta. Một thiên hà điển hình chứa khoảng một tỷ hoặc mười tỷ ngôi sao, “vì vậy điều này đã làm khuất phục mọi ngôi sao khác trong thiên hà của nó”, theo ông Holien. Nếu một sự kiện như vậy xảy ra ở dải ngân hà, nó sẽ sáng đến mức có thể nhìn thấy vào ban ngày.

Khi ngôi sao bị hút vào lỗ đen, nó bị kéo ra bởi lực hấp dẫn dữ dội của lỗ đen cho đến khi ngôi sao bị kéo dài thành một dải khí. Một số mảnh vụn của ngôi sao đã được đưa trở lại trong không gian. Phần còn lại vòng quanh lỗ đen, đâm vào chính nó và tạo thành một vòng xoắn ốc phát sáng, khí nóng gọi là “đĩa bồi”.

“Đặc biệt, chúng tôi có thể đo được tốc độ tại đó nó trở nên sáng hơn sau khi nó bắt đầu sáng và chúng tôi cũng quan sát thấy nó giảm nhiệt độ và độ sáng”, ông Holoien cho biết.

Quan sát sự dao động của ánh sáng khi lỗ đen nuốt ngấu nghiến ngôi sao, sau đó “phun” ra vật chất sao dưới dạng một vòng xoắn ốc hướng ngoài có thể giúp các nhà thiên văn học hiểu được hành vi của lỗ đen - một bí ẩn khoa học mà hơn một thế kỷ trước nhà vật lý học Albert Einstein đã nỗ lực tìm ra ảnh hưởng của trọng lực đối với ánh sáng đang chuyển động.

Johny Nguyễn (tổng hợp)

Tham khảo Reuters, Dân trí, Báo mới



BÀI CHỌN LỌC

Vệ tinh thu được sự kiện hy hữu: Lỗ đen khổng lồ xé toạc một ngôi sao