Vi khuẩn có thể biến rác thải nhựa thành hóa chất có giá trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày hai học sinh trung học, những nhà khoa học trẻ đầy khát vọng, tới thăm một trạm trung chuyển chất thải ở Vancouver, Canada. Ở đây, hai bạn trẻ 17 tuổi đã nhìn thấy hàng tấn nhựa không được tái chế cũng như không thể tái chế. Ngay lúc đó, đôi bạn quyết định sẽ sử dụng niềm đam mê khoa học để tạo ra một điều gì đó thật khác biệt. 

Trong bảy năm sau đó, cùng với vô số giải thưởng đạt được, họ cũng sở hữu một công ty khởi nghiệp thành công: BioCellection. Sứ mệnh của họ không gì khác là giải cứu thế giới khỏi hiểm họa từ rác thải nhựa.

Khi hai người bạn thân Miranda Wang và Jeanny Yao đến thăm trung tâm xử lý chất thải địa phương, họ kỳ vọng sẽ thấy một trung tâm tái chế công nghệ cao có thể xử lý mọi loại chất thải của thành phố. Trên hết, Vancouver khao khát trở thành một trong những thành phố xanh nhất trên thế giới.

Nhưng thực tế thì không như vậy. “Chúng tôi đã bị ngạc nhiên về số lượng bao bì nhựa được chuyển vào bãi rác”, Wang Wang nói với CNN. Vấn đề là, trái với các quá trình trong tự nhiên, hàng triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm sẽ không bị phân hủy như các vật liệu hữu cơ. Theo một báo cáo của Quỹ MacArthur, số lượng nhựa tăng mỗi năm và dự kiến vào năm 2050, số lượng nhựa sẽ nhiều hơn số cá trên biển.

Theo một nghiên cứu năm 2017 từ tạp chí Science Advances, các công nghệ hiện tại để tái chế nhựa đang chỉ xử lý được một phần nhỏ. Căn cứ vào khảo sát toàn cầu của họ, “khoảng 9% [nhựa sản xuất hàng loạt] đã được tái chế, 12% được đốt và 79% được tích lũy trong các bãi chôn lấp hoặc môi trường tự nhiên”.

Các kỹ thuật tái chế thông thường có những nhược điểm lớn, ví như chúng yêu cầu nhựa phải sạch (nên cần sử dụng nhiều nước để rửa chúng) hoặc cần nhiều năng lượng để phân hủy, điều này làm cho quá trình xử lý trở nên tốn kém. Những kỹ thuật này tốn rất nhiều năng lượng, và lợi ích thu được không đáng kể.

Thay vì bó buộc vào những phương pháp hiện tại, Wang và Yao đã chuyển sang tìm hiểu về môi trường địa phương để tìm giải pháp khác. Phát hiện lớn đầu tiên của họ là một loại vi khuẩn từ cửa sông địa phương có khả năng phân hủy nhựa. Từ đó, họ đã tìm cách mở rộng quy mô quá trình phân hủy nhựa xảy ra trong thế giới tự nhiên.

Wang giải thích với CNN, họ đã tạo ra một chất xúc tác trong phòng thí nghiệm có thể hoạt động tương tự như quá trình trong tự nhiên. Công ty Biocellection của họ hiện đã “chuyển đổi 70% vật liệu phế thải nhựa” thành hóa chất để tạo ra “các thành phần cơ bản cho các sản phẩm nhựa phức tạp hơn như: nylon cho quần áo, đế giày, thậm chí cả phụ tùng ô tô”.

Biocellection tập trung vào xử lý những thứ như túi nhựa và phim ảnh sử dụng một lần - những sản phẩm thường không được tái chế. Wang và Yao đang nỗ lực tiếp thị quy trình xử lý này, họ tuyên bố phương pháp trên sẽ rẻ hơn so với sản xuất nhựa mới từ dầu mỏ. “Tiết kiệm chi phí có thể lên tới 30% 40%”, Wang nói với CNN.

Wang, Yao và các đồng nghiệp của họ tại Biocellection đã giành được vô số giải thưởng cho sáng chế trên, gần đây nhất là Giải thưởng Rolex Laureate năm 2019. Họ đang hướng tới mục tiêu cao hơn trong tương lai.

“Giấc mơ của tôi là biến một thứ dạng như là một mảnh nhựa, đang được ném ra biển hoặc bãi rác, thành một vật liệu để tạo ra một thương hiệu áo khoác Patagonia mới, hoặc một thương hiệu giày thể thao mới, hoặc có thể được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp khác”.

Một số người có thể nản lòng sau khi tìm hiểu về sự khó khăn của dự án, nhưng Wang vẫn lạc quan về những gì có thể đạt được nếu mọi người cùng đặt tâm. “Có rất nhiều sự sáng tạo ngoài kia, rất nhiều kiến thức trong thế giới của chúng ta”, cô ấy đã chia sẻ với CNN. “Đối với tất cả các vấn đề lớn trên toàn cầu bắt nguồn từ nhựa, tôi tin rằng chúng ta có thể giải quyết nếu chúng ta cố gắng”.

Thiện Căn (biên dịch)

Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Vi khuẩn có thể biến rác thải nhựa thành hóa chất có giá trị