Vì sao một thiên hà xuất hiện đến ba lần trong một bức ảnh gần đây của kính viễn vọng James Webb?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bức ảnh mới của Kính viễn vọng Không gian James Webb cho thấy một cụm thiên hà chứa siêu tân tinh, loại vụ nổ không gian sáng nhất và dữ dội nhất trong vũ trụ mà chúng ta biết đến, xuất hiện tới ba lần.

Đây không phải sản phẩm của một kính viễn vọng bị lỗi mà nó bắt nguồn từ một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ, được gọi là "thấu kính hấp dẫn”. Tuy nhiên, điều này không phải là mới. Hơn một thế kỷ trước, Albert Einstein đã tiên đoán có hiện tượng này trong Thuyết tương đối rộng của ông.

Thấu kính hấp dẫn hoạt động như thế nào?

Hiện tượng thấu kính hấp dẫn xảy ra khi một thiên thể có lực hấp dẫn lớn đến mức làm cong thời gian và không gian xung quanh nó. NASA thường mô tả hiện tượng này tương tự như một quả bóng bowling được đặt trên một tấm nệm xốp hoặc tấm bạt lò xo để minh họa cấu trúc của không thời gian uốn cong như thế nào. Ánh sáng truyền thẳng sẽ phải đi theo đường cong khi đi qua không thời gian bị biến dạng.

Thấu kính hấp dẫn thậm chí còn có thể tạo ra bản sao của các thiên thể, giống như cách một chiếc gương trong nhà vui tạo ra những hình ảnh kỳ dị.

Trong hình ảnh mới của James Webb, cụm thiên hà RX J2129, nằm cách Trái đất 3,2 tỷ năm ánh sáng trong chòm sao Bảo Bình, đang hoạt động như một chiếc kính lúp khổng lồ trên bầu trời. Hiện tượng tự nhiên này cho phép các nhà khoa học nhìn thấy các vật thể ở xa hơn trong vũ trụ, bởi vì nó làm cho chúng có vẻ sáng hơn.

Các nhà thiên văn học hiện nay đã khá thành thạo trong việc phát hiện ra các hiệu ứng đặc trưng của thấu kính hấp dẫn, nhưng cách đây bốn thập kỷ, việc các cung ánh sáng đồng tâm và các thiên thể bị kéo dài là hết sức khó hiểu đối với họ. Năm 1987, một vòng cung màu xanh khổng lồ được cho là dài hàng trăm nghìn tỷ dặm lần đầu tiên được coi là một trong những vật thể lớn nhất từng được phát hiện trong không gian. Vòng cung này được tìm thấy gần cụm thiên hà Abell 370, với một vật thể tương tự khác gần cụm thiên hà 2242-02.

Cuối năm đó, các nhà khoa học tại Đại học Stanford và Đài quan sát thiên văn quang học quốc gia ở Arizona đã phát hiện ra rằng trên thực tế, chúng là ảo ảnh quang học, bị bóp méo bởi Abell 370.

Siêu tân tinh 'Loại Ia' là gì?

Siêu tân tinh trong bức ảnh mới được phát hiện lần đầu tiên bằng Kính viễn vọng Không gian Hubble. Trong các quan sát của Hubble, các nhà nghiên cứu nghi ngờ nó là một siêu tân tinh loại Ia.

Đây chính là lý do khiến các nhà khoa học đang sử dụng kính viễn vọng Webb, một sự hợp tác của NASA, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Canada, xem xét lại nó. Những siêu tân tinh loại Ia này có độ sáng khá ổn định, vì vậy chúng là công cụ đo lường tiện dụng cho các nhà thiên văn học: Khoảng cách từ siêu tân tinh loại Ia đến Trái đất tỷ lệ thuận với mức độ sáng hoặc mờ của nó.

Ánh sáng của siêu tân tinh có thể giúp các nhà thiên văn tìm ra mức độ RX J2129 đang tăng cường cho các đối tượng nền. Thêm vào đó, thông tin về cường độ phóng đại của nó có thể cho các nhà nghiên cứu biết cụm thiên hà lớn đến mức nào.

Theo Mashable

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao một thiên hà xuất hiện đến ba lần trong một bức ảnh gần đây của kính viễn vọng James Webb?