Virus cúm gia cầm: Phát hiện đột biến trên động vật có vú - có thể gây lây nhiễm trên diện rộng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nơi trên thế giới đã phát hiện động vật có vú bị lây nhiễm virus cúm gia cầm. Giải trình tự gen cho thấy có một đột biến của virus này khiến nó có thể lây trực tiếp giữa các động vật có vú trên quy mô lớn.

Các quan chức y tế từ châu Âu và Mỹ đang kêu gọi hành động trên phạm vi quốc tế để giải quyết sự lây lan của virus cúm gia cầm, khi dịch này bùng phát trên phạm vi lớn nhất từ trước đến nay.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng rằng virus cúm gia cầm có thể biến đổi và lây lan sang người.

Virus cúm gia cầm lan rộng sang động vật có vú

Virus H5N1 đã giết chết khoảng 208 triệu con chim trên khắp thế giới. Trong thời gian gần đây, cúm gia cầm đã không còn giới hạn trong các loài chim. Những số liệu mới nhất cho thấy, đã có ít nhất 200 trường hợp động vật có vú mắc cúm gia cầm được ghi nhận.

Tại Vương quốc Anh, Cơ quan Thú y và Thực vật (APHA) thông báo đã tìm thấy 9 con rái cá và cáo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1 gây bệnh cao.

Tại Mỹ, danh sách các loài động vật có vú hoang dã chết hoặc bị tiêu hủy do dịch cúm gia cầm đang gia tăng, từ gấu xám ở Nebraska, cáo đỏ ở Montana, hay chồn hôi và gấu trúc ở Oregon, đến gấu Kodiak ở Alaska.

Tại Pháp, virus này đã lây lan sang một con mèo và cũng gây ra một đợt bùng phát tại một trang trại nuôi chồn ở Tây Ban Nha. Cúm gia cầm cũng đã được phát hiện và gây ra cái chết ở hải cẩu và cá heo.

Một điều đáng lo ngại hơn là giải trình mã di truyền cho thấy một đột biến của virus khiến nó có thể lây trực tiếp giữa các động vật có vú trên quy mô lớn.

Năm 2021, nhánh 2.3.4.4b của H5N1 là chủng chiếm đa số trong các ca nhiễm làm dịch cúm gia cầm lây lan nhanh khiến châu Âu, châu Á trong tình trạng báo động; lây lan nhanh chóng sang Canada và Mỹ. Đến năm 2022, các ca nhiễm chủng này được phát hiện ở Trung và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, họ chưa ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào cho thấy virus có khả năng lây nhiễm giữa các loài động vật có vú.

Các trường hợp virus H5N1 ở người

Mặc dù vậy, tỷ lệ lây nhiễm H5N1 ở người tương đối thấp. Từ năm 2003 đến 2009, 468 trường hợp mắc bệnh ở người, chủ yếu là ở những người chăn nuôi gia cầm, trong đó, 282 trường hợp đã tử vong. Trong gần 20 năm qua, chưa đến 500 ca tử vong vì cúm gia cầm ở người.

Nếu virus cúm gia cầm có thể tiến hóa để lây từ động vật sang người, hậu quả sẽ hết sức nặng nề.
Nếu virus cúm gia cầm có thể tiến hóa để lây từ động vật sang người, hậu quả sẽ hết sức nặng nề. (Ảnh minh hoạ: Commons Wikimedia)

Tháng 1/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo trường hợp một bé gái ở Ecuador nhiễm cúm gia cầm, ca nhiễm đầu tiên tại Mỹ Latin. Theo WHO, chỉ có 5 trường hợp người nhiễm cúm gia cầm được ghi nhận trong năm 2022. Dù vậy, tỷ lệ tử vong ở người lại lên đến 53%.

Hôm qua, ngày 22/2/2023, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia thông báo, nước này vừa ghi nhận trường hợp bé gái 11 tuổi tử vong do cúm gia cầm H5N1. Nước này hiện đang kêu gọi tất cả người dân không tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết, dù là gia cầm nuôi hay hoang dã. Nếu người dân nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh cần lập tức đi khám, theo baotintuc đưa tin.

Khả năng cúm gia cầm lây sang người

Hiện tại, nhiều nhà khoa học đều đồng tình rằng nguy cơ lây truyền cúm gia cầm từ động vật sang người và từ người sang người là thấp.

Kaitlin Sawatzki, nhà virus học tại Đại học Tufts của Mỹ, cho biết ở gia cầm, H5N1 chủ yếu là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa lây lan qua phân. Trong bối cảnh các đợt bùng phát trong gia cầm ngày càng tăng, các trường hợp động vật có vú nhiễm bệnh không đáng ngạc nhiên.

William Schaffner, Giáo sư y khoa tại Đại học Vanderbilt của Mỹ, cho biết để lây nhiễm sang người, virus phải gắn vào các thụ thể trong phổi, nhưng điều này không dễ xảy ra. Do vậy, chỉ những người chăn nuôi gia cầm thường hít phải bụi phân bị nhiễm virus mới bị nhiễm bệnh.

Trang trại nuôi vịt tại Campuchia năm 2005, nơi dễ lây truyền virus cúm gia cầm.
Trang trại nuôi vịt tại Campuchia năm 2005, nơi dễ lây truyền virus cúm gia cầm. (Ảnh: Commons Wikimedia)

Đột biến virus ở động vật có vú

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau vụ bùng phát ở Tây Ban Nha. Theo Isabella Monne, chuyên gia tại Viện Thú y Venezie của Italy, virus cúm gia cầm mà những cá thể chồn mắc phải ở Galicia, Tây Ban Nha có một biến thể gọi là PB2; được biết đến là có thể tăng hoạt tính của một loại enzyme liên quan đến sự nhân lên của virus trong tế bào của động vật có vú.

Một đột biến tương tự từng được phát hiện trong chủng cúm lợn H1N1, gây ra đại dịch năm 2009, giết chết hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới. Wenqing Zhang, người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO nhận định: "Đột biến là tín hiệu cho thấy loại virus này đang cố gắng vượt qua rào cản giữa các loài và thích nghi với quần thể động vật có vú".

Tuy nhiên, chuyên gia Sawaki lại cho rằng đột biến PB2 phát hiện trong vụ ở Galicia không minh chứng cho việc virus có thể lây từ động vật sang người do không có công nhân nào bị nhiễm bệnh.

Dịch cúm gia cầm có nguy hiểm không?

Theo đại diện WHO, mối đe dọa về đại dịch H5N1 ở người hiện không cao, tuy nhiên, dù sớm hay muộn, sẽ có một đại dịch khác và "nếu thủ phạm là cúm gia cầm thì hậu quả sẽ rất nặng nề". Giới khoa học dự đoán trong tương lai có thể sẽ xảy ra một tình trạng khẩn cấp quy mô lớn do bệnh cúm, bởi hiện nay có quá nhiều chủng cúm dễ biến đổi và sức đề kháng của con người hạn chế.

Theo chuyên gia Zhang, việc virus H5N1 khó lây sang người cũng có mặt trái bởi như vậy cơ thể người sẽ hoàn toàn không có miễn dịch. Vì vậy, nếu virus có thể tiến hóa để lây từ động vật sang người, hoặc tệ hơn là từ người sang người, hậu quả sẽ hết sức nặng nề, thậm chí, tỷ lệ tử vong có thể vượt xa so với COVID-19.

Ánh Dương tổng hợp

Cúm gia cầm là gì?

Cúm gia cầm (AI) là một loại virus lây nhiễm gia cầm nuôi tại nhà, ví dụ như gà, gà tây, chim cút và ngỗng, và gia cầm hoang dã như chim đất và chim nước.

Virus AI được phân thành hai nhóm: độc tính cao (HPAI) và độc tính thấp (LPAI) - dựa trên khả năng gây bệnh và mức độ gây bệnh nghiêm trọng của virus.

Virrus HPAI được coi là virus ngoại lai đối với nước Mỹ do chúng không xảy ra tự nhiên tại đất nước này. HPAI đã được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) phát hiện và diệt trừ ba lần: vào các năm 1924, 1983 và 2004.

Cúm gia cầm lây lan như thế nào?

Cho đến nay HPAI lây lan nhanh chóng qua con đường tiếp xúc gia cầm với gia cầm trực tiếp. Dịch bệnh này cũng lây lan gián tiếp, ví dụ, khi gia cầm tiếp xúc với vật liệu hoặc bề mặt nhiễm virus.

Chim nước di trú (tức là vịt hoang dã và ngỗng), sản phẩm gia cầm và gia cầm nhập lâu, và việc di chuyển của gia cầm, thiết bị chăm nuôi gia cầm và con người đều là những nguồn có khả năng phơi nhiễm bệnh cho gia cầm nuôi tại nhà.

Virus cúm gia cầm có thể tồn tại trong phân chuồng, khay đựng trứng, sọt, thiết bị/vật tư làm vườn khác, và con người cũng có thể có virus trên quần áo, giầy dép hoặc tay họ.

 

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Virus cúm gia cầm: Phát hiện đột biến trên động vật có vú - có thể gây lây nhiễm trên diện rộng