Virus Ebola có thể 'ẩn náu' trong não bệnh nhân hồi phục và gây nhiễm trùng tái phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng virus Ebola có thể ẩn náu trong não của những con khỉ đã hồi phục sau khi điều trị y tế và gây ra nhiễm trùng tái phát...

Ebola là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất đối với loài người, với tỷ lệ tử vong rất cao, trung bình khoảng 50%. Đây là loại virus sống dai, có nghĩa là Ebola vẫn ẩn nấp trong cơ thể bệnh nhân ngay cả khi họ đã khỏi bệnh. Nhưng nơi ẩn náu của virus nhìn chung vẫn chưa được biết đến.

Vào năm 2021, châu Phi có ba đợt bùng phát Ebola, tất cả đều liên quan đến những người sống sót sau đợt nhiễm bệnh trước đó. Cùng năm đó, Ebola cũng bùng phát trở lại ở Guinea, liên quan đến một người sống sót sau đợt bùng phát Ebola 2013-2016.

virus ebola
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu Ebola trong phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Cấp độ 4, cấp có mức an toàn cao nhất. (Ảnh: John W. Braun, USAMRIID, CC BY-NC-ND)

Nghiên cứu do Tiến sĩ Kevin Zeng đến từ Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của quân đội Hoa Kỳ dẫn dầu. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn tìm hiểu rõ hơn về nơi virus Ebola “ẩn náu” trong cơ thể những người sống sót và điều gì khiến họ bị nhiễm trùng tái phát.

Các nhà khoa học đã khảo sát 36 con khỉ rhesus đã được điều trị Ebola bằng liệu pháp kháng thể đơn dòng, một loại điều trị giúp hệ thống miễn dịch tấn công chống lại virus. Đây là những con khỉ được cho là đã hồi phục hoàn toàn mà không còn triệu chứng nhiễm trùng hoặc virus còn tồn tại trong máu.

Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn các mô của các cơ quan khác nhau dưới kính hiển vi, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 20% số khỉ hồi phục vẫn có virus Ebola trong hệ thống não thất. vùng não sản xuất, lưu thông và lưu trữ dịch não tủy, có chức năng bảo vệ, cung cấp chất dinh dưỡng và loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi não.

Đặc biệt, mặc dù không biểu hiện triệu chứng khi nghiên cứu bắt đầu, hai trong số những con khỉ mà nhóm nghiên cứu theo dõi đã phát triển các triệu chứng Ebola trước khi chết lần lượt vào 30 và 39 ngày sau lần nhiễm bệnh ban đầu. Phát hiện này cho thấy virus Ebola có thể ẩn náu trong não của những người sống sót, và nó có thể tái kích hoạt và gây tử vong cho bệnh nhân trong tương lai.

virus ebola
Hình ảnh này cho thấy hệ thống não thất của một con khỉ rhesus sống sót sau khi nhiễm virus Ebola, trong đó vùng màu nâu biểu thị sự tồn tại của virus. (Ảnh: Kevin Zeng, CC BY-NC-ND)

Ý nghĩa của phát hiện mới

Hiện nay, điều trị bằng kháng thể đơn dòng là tiêu chuẩn chăm sóc bệnh nhân mắc Ebola. Tuy nhiên, nhiễm trùng tái phát có thể xảy ra ngay cả sau khi điều trị thành công, và bệnh nhân có thể vô tình lan truyền virus và gây ra các đợt bùng phát mới.

Nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi y tế lâu dài những người sống sót sau khi mắc Ebola để kịp thời xử lý trong trường hợp bệnh tái phát. Tuy nhiên, việc theo dõi cần được tiến hành sao cho những người này không có cảm giác bị kỳ thị.

Chúng ta vẫn chưa biết tại sao virus Ebola vẫn tồn tại trong não và gây ra nhiễm trùng tái phát. Cũng không rõ liệu hiện tượng này có liên quan đến các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng hay không và liệu các loại liệu pháp khác, chẳng hạn như thuốc kháng virus, có thể tạo ra tác dụng khác hay không. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét những yếu tố nào gây bệnh tái phát và liệu virus còn tồn tại ở các bộ phận khác của cơ thể không.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Virus Ebola là gì?

Virus Ebola (EVD) còn có tên gọi khác là sốt xuất huyết Ebola (EHF). EVD có thể gây ra một căn bệnh cấp tính, nguy hiểm tới sức khỏe con người và có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời. Khi bị nhiễm virus Ebola, hệ miễn dịch và các cơ quan quan trọng trong cơ thể sẽ bị tấn công và tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, nó còn làm giảm các yếu tố đông máu, gây ra chảy máu không kiểm soát được.

Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976, sau 2 đợt bùng phát đồng thời - một ở Nzara, Nam Sudan và một ở Yambuku, DRC. Sau đó xảy ra tại một ngôi làng gần sông Ebola, vì vậy căn bệnh này đã được đặt tên theo dòng sông.

Đại dịch 2014-2016 ở Tây Phi là ổ dịch Ebola lớn nhất kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976. Dịch bùng phát bắt đầu ở Guinea và sau đó lan rộng qua biên giới đất liền đến Sierra Leone và Liberia. Tiếp đó là sự bùng phát dịch Ebola 2018-2019 ở phía đông DRC (Cộng hòa Dân chủ Congo) với những diễn biến rất phức tạp, đã mang lại tâm lý bất an cùng với những hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng.

Họ virus Filoviridae bao gồm ba chi: Cuevavirus, Marburgvirus và Ebolavirus. Trong chi Ebolavirus, sáu loài đã được xác định: Zaire, Bundibugyo, Sudan, Taï Forest, Reston và Bombali. Trong đó, loại virus gây ra đợt bùng phát dịch ở Tây phi năm 2014 thuộc về loài Zaire ebolavirus.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Virus Ebola có thể 'ẩn náu' trong não bệnh nhân hồi phục và gây nhiễm trùng tái phát