Vương quốc Anh sử dụng lại nhà máy điện than do điện gió không đáp ứng nhu cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vương quốc Anh đã buộc phải sử dụng một nhà máy điện than để đảm bảo nguồn cung cấp điện, vì lượng gió thấp khiến các trang trại điện gió của nước này không thể tạo ra nhiều điện như mong đợi.

Bộ phận Điều hành Hệ thống điện lưới quốc gia của Vương quốc Anh (NGESO) cho biết họ đã yêu cầu công ty năng lượng EDF sử dụng lại West Burton A, một nhà máy điện than mà họ vận hành ở Lincolnshire đã tạm ngừng hoạt động.

Công ty năng lượng EDF xác nhận nhà máy đã được đưa vào hoạt động trở lại vào thứ Hai ngày 6/9/2021. Người phát ngôn của EDF cho biết (qua email gửi tới The Epoch Times): “Hai tổ máy tại trạm phát đã giúp cân bằng hệ thống điện của Vương quốc Anh nhằm đảm bảo sự ổn định của nguồn cung cấp”.

Các tuabin gió tại Trang trại gió ngoài khơi Burbo Bank ở cửa sông Mersey ở Liverpool, Anh, vào ngày 12 tháng 5 năm 2008. (Ảnh: Christopher Furlong / Getty Images)
Các tuabin gió tại Trang trại gió ngoài khơi Burbo Bank ở cửa sông Mersey ở Liverpool, Anh, vào ngày 12 tháng 5 năm 2008. (Ảnh: Christopher Furlong / Getty Images)

West Burton A là nhà máy nhiệt điện than duy nhất còn lại của EDF. Vào tháng 3, công ty thông báo họ đã quyết định sẽ ngừng hoạt động nhà máy vào tháng 9 năm 2022.

Vào thời điểm đó, EDF cho biết đây là “thời điểm thích hợp” để đưa ra quyết định “trong năm quan trọng này đối với sự lãnh đạo của Vương quốc Anh về biến đổi khí hậu”.

Chính phủ Anh cho biết vào tháng 6 rằng Vương quốc Anh sẽ ngừng sử dụng than để sản xuất điện từ ngày 1 tháng 10 năm 2024.

Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Anne-Marie Trevelyan, người đưa ra thông báo, cho biết: “Bây giờ là lúc để hành động triệt để nhằm loại bỏ hoàn toàn loại nhiên liệu gây hại cho môi trường này khỏi hệ thống năng lượng của chúng ta ... tương lai không xa của Vương quốc Anh sẽ được cung cấp bằng loại năng lượng tái tạo”.

Vào tháng 9 năm 2020, Thủ tướng Boris Johnson nói với Liên Hợp Quốc rằng Vương quốc Anh đã có “những cơn gió lớn, rất lớn” và ông muốn biến đất nước này thành “Ả Rập Xê Út” về năng lượng gió.

Nhưng không giống như dầu mỏ của Ả Rập Xê Út, năng lượng gió biến động theo thời tiết, ngay cả ở Anh.

NGESO, được giao nhiệm vụ đảm bảo năng lượng của Vương quốc Anh, cho biết rằng họ đưa ra các quyết định “theo trình tự kinh tế và không dựa trên nguồn nhiên liệu cho phát điện”.

Một phát ngôn viên nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email rằng:

“Tùy thuộc vào điều kiện hệ thống, một số nguồn điện có thể đáp ứng yêu cầu cân bằng tốt hơn những nguồn khác — vì vậy, giải pháp hiệu quả nhất về chi phí để đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, ổn định sẽ được lựa chọn”.

Việc sử dụng than trong hệ thống phát điện của Anh đã giảm 97% kể từ năm 2012.

National Grid ESO nhấn mạnh rằng, chỉ riêng trong ngày thứ Hai, điện gió và điện mặt trời trung bình chiếm tỷ trọng trung bình cao hơn so với điện than. Theo tính toán của họ thì sản xuất điện không carbon chiếm gần 27% tổng lượng điện năng trong cả ngày hôm đó.

Vương quốc Anh hiện giữ chức chủ tịch hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (còn được gọi là COP26) sẽ diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 tới.

Theo The Epoch Times

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Vương quốc Anh sử dụng lại nhà máy điện than do điện gió không đáp ứng nhu cầu