WHO vẫn đang bỏ ngỏ vấn đề vi nhựa trong nước uống đối với sức khoẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ô nhiễm nguồn nước là một vấn đề nhức nhối đối với nhân loại. Mới đây, trắc định băng tuyết ở Bắc cực phát hiện trong đó chứa một lượng lớn vi nhựa, mà số vi nhựa này có đường kính nhỏ nhất là 25 micrometer. 

Với kích thước trên, vi nhựa hoàn toàn có thể tồn tại cùng với vòng đời của nước: trong hơi nước - tụ trong mây - theo nước mưa rơi xuống. Như vậy, sự lan nhiễm vi nhựa sẽ không chỉ dừng lại ở nguồn nước, mà còn ở trên khắp bề mặt Trái Đất.

Tuy nhiên, tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết họ vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ tác hại của việc nguồn nước nhiễm vi nhựa đối với sức khoẻ con người.

Trước đó WHO cũng đã đưa ra báo cáo về việc phát hiện vi nhựa đã xuất hiện trong rất nhiều nơi như nước uống, đồ ăn, không khí, nước đóng chai, nước máy, nước phế thải,...

Nói một cách đơn giản, chúng ta mỗi ngày đều dùng đến các chế phẩm có chứa vi nhựa và sống ở nơi mà xung quanh cũng chứa toàn vi nhựa.

Vi nhựa có trong nước biển (Hình chụp từ Youtube)

Tuy rằng chưa có nghiên cứu nào thực sự chỉ rõ các tác hại của vi nhựa tới sức khoẻ con người, nhưng có một số ý kiến cho rằng chúng có thể gây khởi phát “hội chứng XXX” (hội chứng siêu nữ) trên thân thể người.

Tuy nhiên, WHO cho biết:

“Cho đến nay vẫn chưa có chứng cứ xác thực về những nguy hại của vi nhựa tới sức khoẻ nhân loại, chúng tôi vẫn cần nghiên cứu thêm nữa, đồng thời cũng cần giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa toàn cầu”.

Theo WHO, phần lớn vi nhựa có thể đi qua đường ruột mà không gây hại, vi nhựa thường tập trung nhiều trên màng sinh vật của vi sinh vật như vi khuẩn và virus.

Dù chưa biết là vi nhựa có hại gì tới con người hay không, song sự nguy hại nghiêm trọng của việc nước sinh hoạt nhiễm sản phẩm bài tiết từ con người và gia súc đối với sức khoẻ là không thể phủ nhận. Theo thống kê, tính đến nay nước sinh hoạt của khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu bị ô nhiễm phân, dẫn tới cái chết của 1 triệu người mỗi năm. Vấn đề này tỏ ra bức thiết và đáng quan ngại hơn nhiều so với vấn đề liên quan đến vi nhựa.

“Chúng ta ăn phải nước có chứa vi nhựa không có nghĩa chúng sẽ tổn hại tới sức khoẻ chúng ta, chúng tôi cũng biết điều này khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy lo lắng… Tôi cho rằng, bạn thực chất không cần lo lắng, dù bạn đang sử dụng nước đóng chai hay nước máy”. - Ông Bruce Gordon - nhân viên điều phối vệ sinh nước, môi trường và vệ sinh cá nhân của WHO đã phát biểu khi tiếp nhận phỏng vấn của báo Midland.

Đồng thời WHO cũng kêu gọi mọi người tiếp tục nghiên cứu thêm về vi nhựa, tìm ra phương pháp tách vi nhựa và chất thải bài tiết ra khỏi nước sinh hoạt, cũng như thiết lập tiêu chuẩn và tìm ra phương pháp thông dụng để xác định số lượng vi nhựa có trong nước sinh hoạt.

Việc lưu hành các chế phẩm từ nhựa thuận theo sự phát triển của kỹ thuật thạch hoá, của chủ nghĩa tiêu thụ thương nghiệp và công nghiệp mà trở nên ngày càng phổ biến. Cho đến nay toàn cầu đã sử dụng 9 tỉ tấn nhựa và mới chỉ thu hồi về chưa tới 10% trong số đó.

Ảnh minh họa các phế phẩm từ nhựa (Ảnh: Pixabay)

Nghiên cứu của Đại Học Sydney phát hiện nước thải từ máy giặt quần áo là một nguồn gây ô nhiễm vi nhựa nghiêm trọng, trung bình mỗi bộ quần áo có thể sinh ra 1900 sợi vi nhựa, tương đương với 5km tổng chiều dài nếu chúng được kéo thẳng ra. Sau khi được thải ra ngoài sông và chảy ra biển, chúng sẽ trở thành bụi PM2.5. Những vi nhựa này nếu chui vào trong thân thể của các động vật biển, và sau đó con người lại đánh bắt chúng để làm thức ăn, thì vi nhựa sẽ theo đó chui vào thân thể người.

Sợi nhựa nhỏ trong môi trường biển (Ảnh: Wikipedia)

Còn các chế phẩm từ nhựa như bánh xe, giày dép, sau khi phân rã sẽ trở thành các hạt vi nhựa lẫn vào bụi, gây ô nhiễm nguồn nước một cách từ từ .

Tuy rằng WHO trực tiếp lên tiếng trấn an người tiêu dùng, nhưng trước mắt các nghiên cứu về vi nhựa vẫn đang còn rất nhiều hạn chế. Ô nhiễm vi nhựa theo đó vẫn là vấn đề ô nhiễm mang tính cấp bách đối với toàn cầu.

Tất nhiên, nếu có thể, mỗi người trong chúng ta đều nên thực hiện nghĩa vụ của mình đối với tự nhiên, có hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Riêng về vấn đề hạn chế ô nhiễm vi nhựa, nếu mỗi người đều có ý thức giảm thiểu sử dụng các chế phẩm từ nhựa và các sản phẩm thải ra vi nhựa, tuyên truyền tác hại của chúng, chúng ta đã góp phần giải quyết vấn đề đáng lo ngại này.

Hoàng Hoa (biên dịch)

Theo Technews



BÀI CHỌN LỌC

WHO vẫn đang bỏ ngỏ vấn đề vi nhựa trong nước uống đối với sức khoẻ