Xá lợi tử - Thần vật từ vũ trụ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một vật mà trong con mắt những người tu luyện Phật môn coi là báu vật vô giá, nhưng trong con mắt người bình thường thì chỉ coi là vật bình thường, còn trong con mắt nhà khoa học thì lại là vật bí ẩn chưa có lời giải: Đó là Xá lợi tử.

Xá lợi và Xá lợi tử

Xá lợi và Xá lợi tử là hai danh từ mà nhiều người đã từng nghe, nhưng rất nhiều người đều cho rằng, hai danh từ này chỉ cùng một vật. Thực ra chúng là danh từ chỉ hai vật khác nhau.

Xá lợi là phiên âm chữ Hán của từ Saria trong tiếng Phạn, ý nghĩa là xương cốt, cũng có nghĩa là linh cốt hoặc vật rắn chắc, thường chỉ vật còn lại của các bậc cao tăng đại đức sau khi viên tịch như tóc, xương, răng… Mọi người đã nghe đến Xá lợi xương đầu của Phật, Xá lợi răng Phật, Xá lợi ngón tay Phật… Đó đều là xương Phật Thích Ca Mâu Ni để lại sau khi viên tịch.

Xá lợi tử là chỉ những tinh thể ngưng kết thành khi hỏa thiêu cao tăng đắc Đạo sau khi viên tịch. Những tinh thể này vô cùng cứng rắn, hình dáng đủ loại khác nhau, có cái to như quả trứng gà, có cái nhỏ như hạt gạo. Xá lợi tử cũng có nhiều màu sắc, có cái long lanh như ngọc.

Xá lợi tử (Ảnh cắt từ video RadioSongđep)
Xá lợi tử (Ảnh cắt từ video RadioSongđep)

Theo Kinh Phật ghi chép, sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn và hỏa táng, các đệ tử tìm được xương đầu, răng, xương ngón tay giữa của Phật và 84.000 viên Xá lợi tử. 8 quốc gia cổ đại Ấn Độ đã chia Xá lợi và Xá lợi tử của Phật thành 8 phần, xây dựng tháp để thờ cúng. Đến thế kỷ thứ 3, vị quân vương thứ 3 của vương triều Khổng Tước, Ấn Độ là A Dục Vương lấy Xá lợi và Xá lợi tử của Phật ra, phân chia lại và đặt vào trong 84.000 chiếc hộp báu, và xây dựng lại mới 84.000 tòa tháp Phật để thờ cúng. Cùng với việc xây dựng tháp Phật khắp nơi, Xá lợi và Xá lợi tử của Phật cũng lưu truyền đến nhiều khu vực tín ngưỡng Phật giáo.

Cao tăng Việt và Tôn Quyền

Hiện nay, mọi người đi du lịch đến vùng Giang Nam Trung Quốc, có thể chiêm ngưỡng những ngôi chùa cổ và tháp Phật cổ ở khắp mọi nơi. Đỗ Phủ, thi nhân đời Đường, cũng đã từng viết rằng:

Thiên lý oanh đề lục ánh hồng,
Thuỷ thôn sơn quách tửu kỳ phong.
Nam triều tứ bách bát thập tự,
Đa thiểu lâu đài yên vũ trung?

Dịch thơ - bản dịch của Lê Nguyễn Lưu:

Nghìn dặm oanh ca biếc lẫn hồng
Gió lay cờ rượu xóm bên sông
Bốn trăm tám chục chùa Nam quốc
Mưa khói che lầu biết mấy không?

Ngôi chùa thờ Phật đầu tiên ở Giang Nam là chùa Kiến Sơ, xây dựng từ thời Tam Quốc, do Tôn Quyền của Đông Ngô xây dựng. Từ đó Phật Pháp mới bắt đầu hồng truyền ở Giang Nam. Tất cả những điều này hoàn toàn nhờ vào một viên Xá lợi tử.

Sách “Cao tăng truyện” có ghi chép rằng, những năm cuối nhà Hán, có một vị cao tăng là Khương Tăng Hội từ Giao Chỉ đến Đông Ngô. Tổ tiên của ngài nhiều đời ở Thiên Trúc (tức Ấn Độ cổ), thân phụ ngài làm nghề buôn bán, nên theo tàu đến định cư ở Giao Chỉ (Việt Nam ngày nay). Thân phụ ngài lấy vợ người Giao Chỉ và sinh ra ngài. Năm Khương Tăng Hội 16 tuổi thì cha mẹ mất, ngài lo liệu tang sự xong thì quyết tâm xuất gia ở Luy Lâu (Bắc Ninh Việt Nam ngày nay), thủ phủ của Giao Chỉ thời đó. Ngài thông minh hiếu học, 20 tuổi đã thông hiểu Tam Tạng của Phật gia, học rộng Lục kinh của Nho gia, thiên văn địa lý, không gì là không tinh thông. Sau đó ngài bắt đầu cuộc sống vân du, thực hiện nguyện ước hoằng dương Phật Pháp.

Khi Khương Tăng Hội mới đến Đông Ngô, ngài thấy Phật Pháp chưa được lưu hành ở vùng đất này, thế là ngài lập chí ở lại Giang Nam hoằng dương Phật giáo.

Phật Tử, Tu Sĩ, Đạo Phật, Thiền, Giác Ngộ, Tôn Giáo
Khi Khương Tăng Hội mới đến Đông Ngô, ngài thấy Phật Pháp chưa được lưu hành ở vùng đất này, thế là ngài lập chí ở lại Giang Nam hoằng dương Phật giáo. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Mọi người phát hiện rằng, trên đường phố bỗng nhiên có một người y phục kỳ lạ, nói những lời khó hiểu. Họ nghi ngờ đây là người làm điều dị đoan, bèn báo cáo sự việc này với Tôn Quyền. Tôn Quyền nói: “Xưa kia Hán Minh Đế mộng thấy người vàng kim, hiệu xưng là Phật Đà, nên đã sai đặc sứ đến Tây Vực để nghênh đón Sa môn và kinh điển. Từ đó ở miền Bắc nước ta mới xây dựng chùa Phật, truyền Pháp dịch kinh. Giờ đây, ở Giang Nam lại có một vị tăng nhân ngoại quốc đến, ta phải đích thân tiếp kiến xem sao”.

Khương Tăng Hội được triệu vào trong cung. Tôn Quyền thấy ngài nghi biểu bất phàm, thái độ khiêm tốn đúng mực, nên có ấn tượng tốt, và đã hỏi rất nhiều vấn đề. Khương Tăng Hội đối đáp trôi chảy, cử chỉ trang trọng, siêu phàm thoát tục.

Tôn Quyền càng thêm bội phục, và hỏi tiếp: “Ngài nói Phật Đà vĩ đại, nhưng Phật Đà đã lưu lại Thần tích gì không?”

Khương Tăng Hội nói: “Phật Đà khi hỏa thiêu, đã lưu lại Xá lợi, di cốt, sau này A Dục Vương đã xây 84000 tháp Phật ở khắp nơi thờ cúng Xá lợi Phật, để hậu thế chiêm ngưỡng”.

Tôn Quyền cho rằng Tăng Hội nói phóng đại, bèn nói: “Nếu ngài có thể dùng Pháp lực lấy được một viên Xá lợi tử cho ta xem, thì ta sẽ xây dựng tháp thờ cúng, nếu không sẽ luận tội xử lý theo quốc pháp”.

Khương Tăng Hội nhận lời, lấy thời hạn là 7 ngày, làm lễ cầu Xá lợi tử.

Tăng Hội tuy đã học qua thuật thần dị, nhưng chưa từng cầu nguyện Xá lợi Phật bao giờ. Giờ đây đến Đông Thổ truyền Pháp, để Phật Pháp bén rễ ở Giang Nam, giáo hóa vạn dân, ngài đành phải can đảm nhận lời. Vì đại sự hồng Pháp, ngài tin rằng, Phật, Bồ Tát nhất định sẽ bảo hộ trợ giúp ngài.

Ở một nơi yên tĩnh trong cung, ngài chuẩn bị một tịnh thất, treo tranh chân dung Phật, trên bàn cúng hoa tươi quả tươi, ở giữa để một chiếc bình bằng đồng rất tinh khiết. Tăng Hội từ sáng đến tối thắp hương lễ bái, tụng kinh niệm chú, cầu nguyện Phật, Bồ Tát ban cho Xá lợi Phật.

7 ngày trôi qua, không có ứng nghiệm gì. Tăng Hội lại xin kéo dài thêm 7 ngày nữa. Lại 7 ngày nữa qua đi mà không có ứng nghiệm gì. Tôn Quyền muốn xử tội Tăng Hội với tội danh lừa dối. Tăng Hội lại khẩn cầu kéo dài thêm 7 ngày nữa, nếu vẫn không có được Xá lợi thì xin tùy ý xử lý.

Đến ngày cuối cùng, trong chiếc bình đồng vẫn không thấy có động tĩnh gì, trời cũng đã sắp sáng rồi. Tăng Hội biết là không có hy vọng rồi, trong tâm ngài nghĩ: “Lẽ nào Phật Pháp không thể hồng truyền được ở Đông Thổ sao? Vậy Hán Minh Đế tại sao là mộng thấy người vàng kim?”.

Ngài không sợ bị xử tử, nhưng vì không cầu khấn được Xá lợi Phật, không cách nào hồng truyền Phật Pháp được, nên ngài cảm thấy đau thương.

Tu Sĩ, Suy Nghĩ, นั, Thiền, Đạo Phật, Tôn Giáo, Phật Tử
Ngài không sợ bị xử tử, nhưng vì không cầu khấn được Xá lợi Phật, không cách nào hồng truyền Phật Pháp được, nên ngài cảm thấy đau thương. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Đến canh 5, bỗng nhiên trong bình có tiếng leng keng, Tăng Hội kinh ngạc, vội vàng nhìn vào trong bình, bỗng thấy một viên Xá lợi tử to bằng hạt đậu tương, ánh kim quan lấp lánh. Tăng Hội vội vàng dẫn các đệ tử quỳ bái, thành kính cảm tạ Phật Tổ tương trợ.

Sáng sớm hôm sau, Tôn Quyền truyền Tăng Hội lên triều, nghiêm mặt hỏi: “Bây giờ ngài không thể cầu xin kéo dài thời hạn nữa chứ?”

Tăng Hội ung dung thi lễ đáp: “Hôm nay không cần nữa, bần tăng đã cầu được Xá lợi tử rồi”.

Tôn Quyền và bá quan trong triều đều kinh ngạc vô cùng.

Tôn Quyền đón nhận chiếc bình đồng, mở nắp bình xem, quả nhiên bên trong có một viên ngọc sáng lấp lánh. Tôn Quyền đích thân đổ Xá lợi tử trong bình vào chiếc chậu đồng, ai ngờ, viên Xá lợi tử nhỏ bé đó lại khiến chiếc chậu đồng bị thủng. Tôn Quyền kinh ngạc nói: “Đây là vật may mắn hiếm có trên đời”.

Tăng Hội đến trước mặt Tôn Quyền và nói: “Thần uy của Xá lợi tử đâu chỉ là biểu hiện bề ngoài thế này. Lửa thiêu không hỏng, đá kim cương cũng không đập vỡ nó được”.

Thế là Tôn Quyền lệnh cho người đem thử nghiệm, lấy Xá lợi tử đặt lên một chiếc đe thép, sai đại lực sĩ cầm búa dùng hết sức đập. Kết quả là búa và đe thép đều bị lõm xuống, mà Xá lợi tử không hề bị tổn hại gì.

Tôn Quyền rất tâm phục, lập tức xây dựng chùa. Từ đó vùng Giang Nam bắt đầu có chùa Phật. Vì đây là ngôi chùa Phật đầu tiên được xây dựng, nên đặt tên là chùa Kiến Sơ, và làng đó đổi tên là làng Phật Đà, và còn xây một tháp Phật đối diện với chùa, đặt Xá lợi tử Phật vào trong tháp để thờ cúng, để người Đông Ngô thắp hương lễ bái. Từ đó, Phật Pháp bắt đầu hưng thịnh ở Đông Ngô.

Khoa học nghiên cứu Xá lợi tử

Xá lợi tử thần kỳ như thế này, mọi người tự nhiên tò mò rằng, Xá lợi tử rốt cuộc thành phần cấu tạo là gì?

Thế là một đệ tử Phật môn ở huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã mời Tiến sĩ Cao Bân, Chi nhánh Hong Kong của Học hội nghiên cứu đá quý Hoa Kỳ (AGS) tiến hành trắc nghiệm khoa học đối với Xá lợi tử Phật được thờ cúng trong tháp gỗ ở huyện Ứng. Kết quả thí nghiệm khiến tất cả mọi người đều chấn động.

Nhân viên tham gia thí nghiệm đã viết bài viết giới thiệu rằng, Tiến sĩ Cao lấy Xá lợi tử trên Xá lợi răng Phật ra, dùng nước làm ướt, sau đó dùng bút chì vạch lên, trên Xá lợi tử không lưu lại vết chì. Tiến sĩ Cao lại dùng ruột bút chì chấm mực nước vẽ lên Xá lợi tử. Khi quan sát nét vẽ dưới kính phóng đại, nét vẽ là những điểm nhỏ hình tròn. Sau đó Tiến sĩ Cao lại dùng dụng cụ đo độ dẫn nhiệt của Xá lợi tử, kết quả hiển thị độ dẫn nhiệt là 1000 - 2600 W/mK, vượt xa vàng, bạc, ngang với kim cương.

Tiến sĩ Cao còn dùng dụng cụ đo áp lực của Xá lợi tử, kết quả dưới áp lực lớn, Xá lợi tử vẫn hoàn hảo như cũ, thể hiện ra độ cứng như kim cương. Tiến sĩ Cao bày tỏ: “Thành phần hóa học của kim cương là lượng các-bon vô cơ chiếm 99.98%, và vật chất đơn nguyên tố duy nhất tổ thành trong các loại khoáng thạch tự nhiên”.

Kim Cương, Đá Quý, Trang Sức, Gem Đá, Đắt Tiền
“Thành phần hóa học của kim cương là lượng các-bon vô cơ chiếm 99.98%, và vật chất đơn nguyên tố duy nhất tổ thành trong các loại khoáng thạch tự nhiên”. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Những tinh thể trong tự nhiên và tinh thể nhân tạo có hàng ngàn hàng vạn loại, nhưng nhưng quy nạp về tính đối xứng hồng quan, có thể phân loại thành 7 loại: Loại 3 tinh thể nghiêng; Loại đơn tinh thể nghiêng; Loại tinh thể thẳng giao nhau; Loại 4 tinh thể vuông; Loại tinh thể đẳng trục; Loại 6 tinh thể vuông; Và loại tinh thể lập phương.

Loại 3 tinh thể nghiêng chính là pha lê, loại tinh thể đẳng trục chính là kim cương, loại 6 tinh thể vuông chính là kim cương của thiên thạch.

Sau khi thí nghiệm sơ bộ, Tiến sĩ Cao cho rằng, Xá lợi tử trên Xá lợi răng Phật này có thể cùng loại với kim cương thiên thạch. Vậy kim cương thiên thạch là gì?

Mọi người đều biết thiên thạch, chính là những mảnh tàn dư của tinh thể ngoài vũ trụ, xuyên qua tầng khí quyển rơi xuống trái đất. Kim cương thiên thạch chính là một loại vật chất tinh thể kim cương loại mới được phát hiện ra trong thiên thạch. So với kim cương thông thường mà chúng ta biết, kim cương thiên thạch cứng rắn hơn, mà các phân tử các-bon của nó xếp thành hình 6 tinh thể vuông đẳng trục. Năm 1997, trong Thiên thạch Hẻm núi Diablo tại hố thiên thạch Barringer ở bang Arizona, người ta đã phát hiện ra viên kim cương thiên thạch đầu tiên.

Để nghiệm chứng dự đoán của mình, Tiến sĩ Cao đã tiến hành thí nghiệm thêm với Xá lợi tử.

Ông đặt Xá lợi tử vào kính hiển vi điện tử tiến hành quan sát vi quan, từ những đường vân tự nhiên, không thấy bất kỳ dấu vết nhân tạo nào. Càng thần kỳ hơn là, khi phóng đại Xá lợi tử lên 1000 lần, mọi người nhìn thấy hình tượng Phật, trong đó, trên một viên Xá lợi tử có 5 hình tượng Phật.

Tiếp theo, Tiến sĩ Cao dùng tia hồng ngoại kiểm tra xem có dấu vết nhân tạo không. Kết quả kiểm tra hồng ngoại không phát hiện ra các-bon hữu cơ, tức là không có chất hữu cơ. Điều này nói rõ rằng, không phải người xưa dùng keo liên kết các hạt nhỏ của một vật chất nào đó dính lại với nhau.

Cuối cùng, Tiến sĩ Cao cảm thấy cần phải dùng thiết bị phân tích vi điện tử kiểm tra xem thành phần của Xá lợi tử là do nguyên tố nào tổ hợp thành, và tổ chức kết cấu nội bộ của nó. Kết quả phân tích vi điện tử cho thấy, viên Xá lợi tử nhỏ bằng hạt gạo này có chứa lưu huynh, kẽm, silic, stronti, trong đó 99.9% là các-bon, thành phần trùng khớp với kim cương.

Viên Xá lợi tử nhỏ bằng hạt gạo này có chứa lưu huynh, kẽm, silic, stronti, trong đó 99.9% là các-bon, thành phần trùng khớp với kim cương
Viên Xá lợi tử nhỏ bằng hạt gạo này có chứa lưu huynh, kẽm, silic, stronti, trong đó 99.9% là các-bon, thành phần trùng khớp với kim cương. (Ảnh cắt từ video RadioSongđep)

Tiến sĩ Cao nói, kim cương va vào chùm điện tử, bản thân giống như đèn chớp lóe sáng, do đó, điều này cũng giải thích tại sao Xá lợi tử có thể phát sáng.

Để tìm hiểu thêm tính chất vật lý và hóa học của những viên Xá lợi tử này, xem có phù hợp với đặc tính của kim cương thiên thạch không, Tiến sĩ Cao quyết định dùng máy đo nhiễu xạ X quang để phân tích. Nếu những viên Xá lợi tử này cùng loại với kim cương thiên thạch, thì các-bon trong Xá lợi tử sẽ là các-bon vô cơ, và sẽ xuất hiện 6 đường nhiễu xạ.

Tiến sĩ Cao Bân lấy một phần Xá lợi tử đặt vào máy phân tích nhiễu xạ X quang, cho quay 80 độ rồi tiến hành phân tích. Toàn bộ là sắp xếp tinh thể các-bon vô cơ, 6 đường nhiễu xạ rõ nét. Tiến sĩ Cao liên tiếp tấm tắc nói: “Quá thần kỳ, thật không thể nào tưởng tượng nổi”.

Huyện Ứng, Sơn Tây có lẽ là địa phương giàu có nhất, vì những hạt Xá lợi tử nhỏ như hạt gạo này, đều là những báu vật mà không thể dùng giá trị tiền bạc định giá được. Thân thể con người ở nhân gian, sao có thể sản sinh ra được loại vật chất giống với kim cương thiên thạch từ vũ trụ được? Quả là kiến người ta không thể nào lý giải nổi.

Nhưng trong con mắt những đệ tử Phật môn, thì đó lại là điều hết sức bình thường. Trong Phật giáo cho rằng, Xá lợi tử là kết tinh công đức tu hành mà thành, tu hành chính là sẽ bước ra khỏi thế gian, Xá lợi tử do vậy mà có được, vốn không phải vật chất của thế gian, mà trong Kinh Phật cũng đã đề cập đến, nói rằng Xá lợi Phật là “kim cương thể”, hơn nữa “rắn chắc không thể phá hủy”.

Xem ra, tính chất của Xá lợi tử mà thiết bị khoa học đo được đã chứng thực những ghi chép trong Kinh Phật, tức là Xá lợi tử rắn chắc lạ thường, sáng bóng, thậm chí phát sáng.

Nếu là như vậy, thì thuyết cho rằng, Xá lợi tử là do tăng nhân ăn chay trường, tạo thành trong thân thể quá nhiều chất xơ, can-xi hóa thành đá, rồi lại qua lửa thiêu mà thành, là không có căn cứ. Không ai tin là đá sau khi thiêu thành kim cương được. Hơn nữa, đây lại là kim cương thiên thạch, vốn không tồn tại trên trái đất.

Mọi người đều biết, rất nhiều cao tăng đại đức, sau khi hỏa thiêu có Xá lợi tử. Theo sử sách ghi chép, Hoằng Nhất pháp sư nổi tiếng, sau khi hỏa thiêu, trong lò thiêu xuất hiện Phật quan rực rỡ, vô cùng tráng lệ. Sau khi thiêu có 1800 viên Xá lợi tử, được thờ cúng ở chùa Di Đà Nham ở núi Thanh Nguyên và chùa Hổ Bào ở Hàng Châu, Trung Quốc. Một trong Tứ đại cao tăng cận đại là hòa thượng Hư Vân, viên tịch ở chùa Chân Như, núi Vân Cư, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, hưởng thọ 119 tuổi. Sau khi hỏa thiêu được hơn trăm viên Xá lợi tử ngũ sắc, và vô số viên nhỏ, đa phần màu trắng, long lanh tinh khiết.

Nếu trong thân thể những cao tăng này có nhiều sỏi đá như thế này, thế thì đã đau đớn không chịu nổi từ lâu rồi. Hơn nữa, những người không tu hành, có nhiều người trong thân thể có sỏi, tại sao sau khi qua đời, hỏa thiêu, lại không có Xá lợi tử?

Thế nên, đối với những sự vật vượt ngoài tri thức của nhân loại như thế này thì mọi người nên dùng tâm thái cởi mở, khiêm tốn để nghiên cứu, thì mới có thể tìm được đáp án.

Theo The Epoch Times

Trung Hoà biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Xá lợi tử - Thần vật từ vũ trụ