Xe tăng Leopard 2 của Đức và cục diện cuộc chiến Nga - Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 25/1 phía Đức cho biết sẽ chuyển 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine; đồng thời họ cũng chấp thuận để các đối tác tái xuất khẩu loại xe tăng này cho Kiev. Điều này có thể sẽ làm thay đổi cục diện cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

Trong những tháng vừa qua, máy bay không người lái và tên lửa dẫn đường đã chiếm ưu thế trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của xe tăng với tần suất lớn cho thấy tình thế có thể sẽ được đảo ngược một cách đáng kể.

Theo Tass, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu tại lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô (cũ) trước quân Đức tại Stalingrad vào ngày 02/2: “Thật khó tin nhưng là sự thật, chúng ta lại bị xe tăng Leopard của Đức đe dọa".

Ukraine lập tức lên tiếng bác bỏ so sánh này, cho rằng đó là một điều ngụy tạo của kẻ xâm lăng.

Leopard 2 là xe tăng chiến đấu thế hệ ba được phát triển từ những năm 1970 cho quân đội Đức, đưa vào biên chế năm 1979. Đức chế tạo hơn 3.600 xe tăng Leopard 2 và đã cung cấp cho 14 nước ở châu Âu cũng như nhiều quốc gia khác ở ngoài khu vực.

Xe tăng Leopard 2 là gì?

Công ty Krauss-Maffei Wegmann (KMW) của Đức, nhà sản xuất Leopard 2, cho biết rằng đây là loại “xe tăng chiến đấu hàng đầu thế giới”. Xe tăng Leopard 2 nặng 55 tấn, cần tổ lái 4 người và tầm hoạt động khoảng 500 km, và tốc độ tối đa khoảng 68 km/h.

Hiện có bốn phiên bản chính, phiên bản đầu tiên được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1979. Vũ khí chính của nó là súng nòng trơn 120mm và có hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số hoàn toàn.

Xe tăng Leopard tạo ra khác biệt gì đối với chiến tranh?

Ông Yohann Michel, một nhà phân tích nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng và quân sự tại IISS, nói những chiếc xe tăng như vậy có thể giúp Ukraine tái chiếm lại các khu vực do lực lượng Nga chiếm đóng.

Việc phương Tây chuyển giao Leopard 2 có thể giúp trang bị cho Ukraine các loại vũ khí cao cấp cần thiết, mở ra một con đường mới để phương Tây cung cấp hỏa lực cho Ukraine.

Các đồng minh và các nhà phân tích quân sự cho biết Leopard 2 chạy bằng động cơ diesel và dễ vận hành hơn các xe tăng lớn của Mỹ, do đó có thời gian huấn luyện ngắn hơn.

Tướng Michel Yakovleff của Pháp khẳng định “Leopard hiệu quả hơn các xe tăng Nga”. Đây là loại xe tăng chất lượng hơn hẳn về mặt bảo vệ, cơ động, hỏa lực và thông tin, theo rfi.

Leopard có khả năng bắn chính xác ở khoảng cách 4 km khi đứng yên và 2 km khi đang di chuyển. Chiến xa này có thể chạy nhanh khỏi nơi nguy hiểm, động cơ diesel 1.500 mã lực tiêu thụ ít nhiên liệu hơn Abrams của Mỹ.

Nếu Ukraina có thể phản công với 200 xe tăng phương Tây, Nga sẽ phải đối phó rất vất vả; và biết đâu cuộc chiến sẽ có những thay đổi rõ rệt.

Cuộc xâm lăng Ukraine đã trở thành đại chiến thế giới?

Theo trang Le Monde, ông Wiktor Stoczkowski, giám đốc nghiên cứu của EHESS (Viện Khoa học Xã hội Pháp) nhận định, cuộc chiến này thực chất đã là đại chiến thế giới, lần thứ ba kể từ 1914, cho dù chỉ có người Ukraina phải đổ máu.

Có một điểm khác biệt là, cách đây 80 năm, các nước dân chủ phải hợp tác với Liên Xô (cũ) để chống lại phát xít Đức; ngày nay họ hợp tác yểm trợ Ukraine để chống lại sự xâm lăng của Nga.

Theo trang rfi, đây vẫn là một cuộc chiến giữa hai chế độ chính trị. Kết cuộc sẽ cho thấy chế độ chính trị nào có thể chiến thắng trong cuộc đụng độ vừa về quân sự lẫn hậu cần và kinh tế hiện nay.

Thất bại của Ukraina sẽ là thất bại của toàn bộ các nền dân chủ, chứng tỏ độc tài hùng mạnh, vô đạo đức có thể thắng được thế giới tự do. Tiếp theo, châu Âu bị chia rẽ về chính trị, yếu đi về quân sự, kinh tế lệ thuộc vào dầu khí Nga.

Nếu Ukraine thắng, sẽ là hồi chuông báo tử cho các chế độ độc tài cuối cùng ở châu Âu. Một châu Âu mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn sau chiến tranh Ukraina, có thể hy vọng đến một ngày nào đó bên sườn phía đông không phải là nước Nga bại trận, mà là một nước Nga dân chủ, tự do và thịnh vượng.

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Xe tăng Leopard 2 của Đức và cục diện cuộc chiến Nga - Ukraine