Xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID là gì, có nên thay đổi chiến lược xét nghiệm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong kế hoạch "Con đường thoát khỏi đại dịch", việc tăng cường xét nghiệm được cho là một phần quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Vậy xét nghiệm chẩn đoán (PCR) hay xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ là chiến lược phù hợp hơn trong việc ngăn chặn lây lan của COVID-19?

Gần đây Hoa Kỳ có kế hoạch chi gần 2 tỷ đô la Mỹ để mua 280 triệu liều xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19. Các nhà bán lẻ lớn cũng sẽ được yêu cầu bán các bộ xét nghiệm này với giá gốc, thấp hơn khoảng 35% so với giá hiện tại.

Những con số này chắc chắn nghe có vẻ lớn - 280 triệu liều xét nghiệm là rất nhiều. Nhưng cách tốt nhất để sử dụng các xét nghiệm nhanh này là gì? Độ chính xác của chúng như thế nào? Và có phải chính phủ Mỹ đang chưa đánh giá hết là cần bao nhiêu xét nghiệm để tạo ra sự khác biệt để có thể hạn chế sự lây lan trong đại dịch?

Xét nghiệm kháng nguyên nhanh là gì?

Xét nghiệm tiêu chuẩn vàng hiện nay đối với SARS-CoV-2 được gọi là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (PCR). Xét nghiệm này, bao gồm trải nghiệm thú vị khét tiếng khi đưa một miếng gạc vào sâu trong khoang mũi của một người, để tìm RNA của virus.

Các xét nghiệm PCR có độ chính xác cao. Chúng có thể nhận biết những dấu vết nhỏ của RNA virus do việc lây nhiễm không triệu chứng, hoặc thậm chí đưa ra chẩn đoán tích cực vài tuần sau khi một người đã khỏi bệnh.

Nhưng xét nghiệm PCR cũng tốn nhiều thời gian và năng lượng, đòi hỏi các mẫu phải được gửi đến các phòng thí nghiệm chẩn đoán. Nhanh nhất, kết quả của xét nghiệm PCR có thể mất vài giờ. Và tệ nhất, khi các phòng thí nghiệm quá tải, có thể mất vài ngày để có được kết quả.

Mặt khác, xét nghiệm COVID-19 kháng nguyên nhanh cũng sẽ phải hy sinh mức độ chính xác cho tốc độ và sự đơn giản. Các xét nghiệm kháng nguyên nhanh này là tìm kiếm các protein trên bề mặt của virus được gọi là kháng nguyên, hoặc cơ chế kháng thể.

Xét nghiệm nhanh chứa một nhóm các kháng thể được thiết kế để đáp ứng với các kháng nguyên SARS-CoV-2, và chúng có thể cho ra kết quả dương tính hoặc âm tính trong vòng khoảng 15 phút.

Độ chính xác của chúng như thế nào?

Các xét nghiệm kháng nguyên nhanh chắc chắn không chính xác bằng xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, các xét nghiệm kháng nguyên nhanh cực kỳ chính xác trong việc xác định thời điểm lây nhiễm nhất của các ca bệnh.

Các xét nghiệm nhanh yêu cầu một lượng đáng kể virus phải có trong bất kỳ miếng gạc nhất định nào. Điều này có nghĩa là các xét nghiệm này không thể xác nhận ai đó hiện không bị nhiễm SAR-CoV-2 nhưng thay vào đó có thể xác nhận xem một người có thể bị lây nhiễm tại thời điểm thực hiện xét nghiệm hay không.

Chuyên gia sức khỏe cộng đồng Zoe McLaren từ Đại học Maryland giải thích: “Các xét nghiệm nhanh được thiết kế để xác định các trường hợp có tải lượng virus đủ cao trong đường mũi để có thể lây truyền - chứ không phải để chẩn đoán tất cả các trường hợp COVID-19”.

“Xét nghiệm kháng nguyên nhanh Abbott BinaxNOW chỉ có thể phát hiện 85% các trường hợp dương tính trong số các trường hợp dương tính bằng xét nghiệm PCR. Nhưng điều quan trọng là các nghiên cứu đã được công bố cho thấy họ phát hiện hơn 93% các trường hợp có nguy cơ lây truyền, đây là điều quan trọng nhất để kiểm soát đại dịch. Ellume xác định chính xác 95% tất cả các trường hợp dương tính và Quidel QuickVue xác định chính xác 85%. Cả ba hãng cung cấp xét nghiệm đều xác định chính xác tới 97% các trường hợp âm tính, bất kể có triệu chứng hay không", ông nói thêm.

Vậy, điều gì quan trọng hơn trong xét nghiệm chẩn đoán COVID-19, là tốc độ hay độ chính xác của xét nghiệm?

Một bài báo được xuất bản vào đầu năm 2021 cho rằng việc sử dụng rộng rãi và thường xuyên các xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể giúp ngăn chặn đại dịch hiệu quả hơn so với việc chỉ dựa vào xét nghiệm PCR chậm hơn.

Nghiên cứu đã mô hình hóa sự lây lan của virus trong một cộng đồng có cân nhắc đến một số biến số, bao gồm độ chính xác của xét nghiệm, tần suất và thời gian báo cáo từ khi lấy mẫu xét nghiệm đến khi có kết quả. Nghiên cứu cho thấy độ chính xác của xét nghiệm ít quan trọng hơn tần suất xét nghiệm và thời gian để xét nghiệm mang lại kết quả.

Các nhà nghiên cứu viết: “Những kết quả này chứng minh rằng việc sàng lọc hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào tần suất xét nghiệm và tốc độ báo cáo kết quả, và chỉ được cải thiện một chút nhờ độ chính xác của xét nghiệm cao. Do đó, chúng tôi kết luận rằng việc sàng lọc bệnh nhân nên ưu tiên khả năng tiếp cận, tần suất và thời gian kết quả của mẫu xét nghiệm; giới hạn phân tích của việc phát hiện chỉ nên là thứ yếu”.

Vì vậy, về cơ bản, một xét nghiệm với độ chính xác thấp hơn, nhưng dễ sử dụng và được thực hiện thường xuyên sẽ hữu ích hơn trong việc quản lý đại dịch hơn là một xét nghiệm chậm và khó tiếp cận nhưng có độ chính xác cao.

Cách sử dụng tốt nhất các xét nghiệm kháng nguyên nhanh

Cả FDA và CDC của Hoa Kỳ đều khuyến nghị xét nghiệm hàng loạt khi sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Vì những xét nghiệm này yêu cầu tải lượng virus tương đối cao để cho ra kết quả dương tính, nên có thể kết quả xét nghiệm là âm tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm. Để khắc phục những kết quả âm tính giả này, mọi người nên tự kiểm tra ít nhất hai lần trong vài ngày để chắc chắn về tình trạng âm tính.

Đầu năm nay, một chương trình được tài trợ công khai khổng lồ ở Anh cung cấp cho mọi công dân bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh miễn phí. Mục tiêu của chương trình do chính phủ tài trợ là mọi người dân có thể tự làm xét nghiệm tại nhà hai lần một tuần.

Ước tính gần 100 triệu bộ xét nghiệm đã được phân phối kể từ khi chương trình, và khoảng 620.000 trường hợp dương tính với COVID-19 có liên quan đến chương trình chẩn đoán. Chính phủ Anh gần đây đã thông báo họ sẽ ngừng chương trình xét nghiệm nhanh miễn phí từ đầu năm sau.

Tại Hoa Kỳ, kế hoạch được công bố gần đây của Tổng thống Biden nhằm tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm nhanh đã bị một số người chỉ trích là quá ít và quá muộn. Một bài xã luận của Eric Topol và Daniel Oran từ Viện Nghiên cứu Scripps kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tăng cường mạnh mẽ việc sản xuất xét nghiệm nhanh, lập luận rằng một đơn đặt hàng 280 triệu xét nghiệm với giá 7 đô la một xét nghiệm là quá ít xét nghiệm cho một số tiền quá lớn.

“Thay vào đó, Hoa Kỳ nên lên kế hoạch cho một đợt xét nghiệm nhanh trong vài tháng, nhằm mục đích xét nghiệm được một tỷ lệ đáng kể dân số ít nhất hai lần một tuần”, Oran và Topol viết trong bài xã luận trên trang StatNews. “Điều đó sẽ yêu cầu khoảng một tỷ xét nghiệm mỗi tháng. Và mục tiêu nên là để giá mỗi xét nghiệm ở vào khoảng một đô la".

Cuộc thăm dò vào đầu năm nay cho thấy gần 80% người Mỹ sẽ thường xuyên tự kiểm tra COVID-19 tại nhà nếu các xét nghiệm kháng nguyên nhanh có giá khoảng một đô la. Tuy nhiên, chỉ có 33% trong số những người được hỏi có khả năng tham gia xét nghiệm thường xuyên tại nhà nếu các xét nghiệm này có giá lên đến 25 đô la.

Hiện tại, ngay cả với sắc lệnh “bán theo giá gốc” của Nhà Trắng đối với các nhà bán lẻ lớn, giá rẻ nhất cho một gói xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại nhà là khoảng 15 đô la. Tại Đức, bạn có thể mua các xét nghiệm nhanh từ các cửa hàng tạp hóa địa phương với giá dưới một đô la. Tại Singapore, các máy bán hàng tự động đang được thiết lập trên toàn thành phố cho phép những người được biết là người liên hệ gần gũi với các trường hợp dương tính (F1) nhận xét nghiệm nhanh miễn phí.

Nhà dịch tễ học Harvard Michael Mina từ lâu đã ủng hộ việc xét nghiệm kháng nguyên nhanh và cần được phổ biến rộng rãi. Ông nói rằng chi phí của những xét nghiệm này cao ở Mỹ do những gánh nặng về quy định khó khăn khiến việc sản xuất bị hạn chế.

Mina cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang NPR: “Lý do nó đắt như vậy là vì chúng ta không có sự cạnh tranh trên thị trường. Giá thành thực tế của các thiết bị rất rẻ. Điều chúng ta cần là tạo ra sự cạnh tranh của thị trường. Chúng ta cần nhiều nhà sản xuất hơn để thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Và để làm được điều đó, chúng ta phải giải phóng một số rào cản pháp lý mà chúng ta đã và đang mắc phải cho đến nay".

Các loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại Việt Nam và đơn giá

Trong tháng 7, Bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép cho 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, trong đó có 1 xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sản xuất trong nước, 15 loại nhập khẩu.

Test nhanh sản xuất trong nước được cấp phép là Trueline COVID-19 Ag Rapid Test, xét nghiệm định tính phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, của Công ty TNHH Medicon, giá bán công bố gần 100.000 đồng/test (giảm hơn 35.000 đồng so với thông báo trước đó) .

4 loại được công bố ngày 28/7 gồm:

  1. Flowflex SARSCoV-2 Antigen Rapid Test của Trung Quốc, xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch mũi hoặc mẫu ngoáy dịch tỵ hầu của người, do hai đơn vị nhập khẩu, một nơi giá 109.200 đồng/test và một nơi giá 4.625.000 đồng một hộp 25 test (185.000 đồng/test).
  2. Biosynex Covid-19 Ag BSS của Pháp, xét nghiệm trong mẫu ngoáy dịch mũi hoặc mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, giá 135.000 đồng/test.
  3. V Trust Covid-19 Antigen Rapid Test của Đài Loan, xét nghiệm trong mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, giá 160.000 đồng/test.
  4. COVID-19 Ag của Hàn Quốc, xét nghiệm kháng nguyên trong mẫu dịch tỵ hầu, giá 175.000 đồng/test.

Các loại kháng nguyên khác, có thể tham khảo tại đây.

7 bước tự thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà

Từ ngày 23 đến 25/8/2021, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-COV-2, do người dân tự thực hiện theo từng hộ gia đình. Quá trình người dân tự xét nghiệm tại nhà sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Sau đây là 7 bước thực hiện test nhanh:

Bước 1. Chuẩn bị tuýp dung dịch đệm (buffer) theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bước 2. Tiến hành tự lấy mẫu trước gương hoặc thực hiện thao tác lấy mẫu cho các thành viên khác trong hộ gia đình.

Bước 3. Dùng tay xoay đều tăm bông trong tuýp nhựa chứa dung dịch đệm, nhúng que tăm bông lên xuống trong dung dịch đệm (10 lần).

Bước 4. Chuyển tay lên phần thân trên tuýp, bóp chặt và rút từ từ que tăm bông. Đảm bảo vắt sạch toàn bộ dung dịch còn đọng trên đầu tăm bông xuống đáy tuýp.

Bước 5. Đóng chặt nắp màng lọc, lắc đều dung dịch trong tuýp bằng tay (5 lần)

Bước 6. Ghi tên mỗi thành viên lên từng khay test tương ứng. Nhỏ 03-05 giọt dung dịch trên vào giếng test (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

Bước 7. Đọc kết quả sau 15-30 phút theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sau khi tự lấy mẫu, người dân sẽ tự đọc kết quả theo hướng dẫn phân tích kết quả của nhà sản xuất. Trường hợp âm tính (chỉ xuất hiện 1 vạch C): kết luận mẫu bệnh phẩm của người được lấy mẫu có kết quả âm tính tại thời điểm xét nghiệm. Trường hợp dương tính (xuất hiện cả 2 vạch C và T): kết luận mẫu bệnh phẩm của người được lấy mẫu có kết quả dương tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên tại thời điểm xét nghiệm. Cuối cùng, người dân sẽ báo cáo kết quả và nộp lại khay test cho cán bộ y tế để tổng hợp.



BÀI CHỌN LỌC

Xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID là gì, có nên thay đổi chiến lược xét nghiệm?