Xuất hiện đảo 7 năm tuổi ở Thái Bình Dương với hệ sinh vật chưa từng thấy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một hòn đảo mới đã hình thành ở Nam Thái Bình Dương vào năm 2015. Nó đã tạo ra cơ hội chưa từng có không chỉ cho các nhà địa chất và nghiên cứu núi lửa, mà còn cho cả các nhà sinh vật học và sinh thái học.

Một nghiên cứu được công bố trên mBio cho biết về hệ sinh thái đặc biệt trên đảo Hunga Tonga-Hunga Ha'apai (Hunga Tonga). Một hòn đảo không tồn tại được lâu – sau khi được hình thành bởi một vụ phun trào núi lửa vào năm 2015, nó đã bị phá hủy bởi một vụ phun trào khác vào đầu năm 2022.

Các nhà khoa học công bố bằng chứng về một cộng đồng vi khuẩn bất ngờ trên đảo, chúng chuyển hóa lưu huỳnh và khí trong khí quyển, tương tự như các sinh vật ở sống trong các lỗ thông hơi thủy nhiệt dưới biển sâu.

Nhà sinh thái học vi khuẩn Nick Dragone từ Đại học Colorado cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ thấy các sinh vật giống như khi một dòng sông băng tan rã, hoặc vi khuẩn lam, những loài sinh vật xâm chiếm điển hình hơn - nhưng thay vào đó chúng tôi đã tìm thấy một nhóm vi khuẩn đặc biệt chuyển hóa lưu huỳnh và khí trong khí quyển."

Dragone và các đồng nghiệp đã thu thập 32 mẫu đất từ hòn đảo, tại các vị trí khác nhau, từ bờ biển cho đến đỉnh miệng núi lửa, nơi cao khoảng 120 mét. Sau đó, họ trích xuất và giải trình tự DNA từ các mẫu.

Sẽ là hợp lý nếu những vi khuẩn đầu tiên trên một hòn đảo mới hình thành đến từ nước biển hoặc phân chim; tuy nhiên trong trường hợp này, những vi khuẩn và sinh vật đơn bào nguyên thuỷ trên đảo này lại không đến từ những nguồn như vậy. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng những vi khuẩn này có thể đến từ sâu dưới lòng đất.

"Một trong những lý do chúng tôi tìm thấy những vi khuẩn độc đáo này, chúng tôi cho rằng là do các đặc tính liên quan đến các vụ phun trào núi lửa: rất nhiều lưu huỳnh và khí hydro sunfua, có khả năng cung cấp năng lượng cho các loài vi khuẩn độc đáo mà chúng tôi tìm thấy", Dragone nói.

"Các vi khuẩn gần giống nhất với những vi khuẩn được tìm thấy trong các miệng phun thủy nhiệt, suối nước nóng như ở Yellowstone và các hệ thống núi lửa khác. Dự đoán tốt nhất của chúng tôi là vi khuẩn đến từ những loại nguồn đó".

Có cơ hội để nghiên cứu một hệ sinh thái tạm gọi là nguyên thuỷ như thế này là rất hiếm. Những vụ phun trào núi lửa lớn trên mặt đất là một chuyện; việc nghiên cứu một hệ sinh thái phát triển trên một hòn đảo mới hình thành do núi lửa phun trào tạo nên là một việc khác.

Và sẽ không ai có cơ hội nghiên cứu lại hệ sinh vật trên đảo này lần nữa, ít nhất là không trực tiếp. Bảy năm sau khi nổi lên từ Thái Bình Dương, đảo Hunga Tonga đã biến mất một cách ngoạn mục.

Khi núi lửa phun trào trở lại vào tháng 1 năm 2022, đảo Hunga Tonga đã bị xóa sổ - nhưng các nhà khoa học cũng đã kịp thời tìm hiểu được những chi tiết hấp dẫn về cuộc đời ngắn ngủi của nó.

Theo ScienceAlert

Ánh Dương lược dịch



BÀI CHỌN LỌC

Xuất hiện đảo 7 năm tuổi ở Thái Bình Dương với hệ sinh vật chưa từng thấy