Xuất hiện vết đen Mặt Trời lớn gấp 3 lần Trái Đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên Mặt Trời xuất hiện một vết đen có kích thước gần gấp 3 lần Trái Đất có thể gây ra các lóa Mặt Trời cấp M hướng về phía hành tinh xanh trong tương lai gần, ảnh hưởng tới vệ tinh, hệ thống liên lạc và lưới điện.

Lóa Mặt Trời là những vụ nổ năng lượng đột ngột, thường xuất hiện từ vết đen. Sức mạnh của lóa Mặt Trời chia thành các cấp: A, B, C, M và mạnh nhất là cấp X. Vết đen càng lớn và phức tạp thì càng có khả năng cao tạo ra lóa Mặt Trời.

Vết đen có kích thước gần gấp 3 lần Trái Đất

Theo Rob Steenburgh, chuyên gia tại Văn phòng Dự báo Thời tiết Không gian thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), vết đen mang tên AR3038 và đang phát triển lớn dần trong những ngày qua.

USA Today hôm 21/6 đưa tin, vết đen có kích thước gần gấp 3 lần Trái Đất xuất hiện trên Mặt Trời và có thể gây ra các lóa Mặt Trời cấp M hướng về phía hành tinh xanh trong tương lai gần.

Steenburgh cho biết, kích thước và tốc độ phát triển của vết đen vẫn tương đối bình thường. "Thông thường, chúng sẽ phát triển theo thời gian. Chúng sẽ trải qua nhiều giai đoạn, sau đó phân rã", ông nói.

Vết đen trông tối màu vì chúng nguội hơn các vùng khác trên bề mặt Mặt Trời, theo NASA. Các vết đen nguội hơn do chúng hình thành ở nơi từ trường mạnh cản trở nhiệt từ bên trong Mặt Trời lan tới bề mặt.

AR3038 tăng gấp đôi kích thước mỗi ngày trong 3 ngày qua, C. Alex Young, phó giám đốc khoa học tại Bộ phận Khoa học Vật lý Mặt Trời thuộc Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA, cho biết hôm 21/6.

AR3038 đã gây ra các lóa cấp C hướng về phía Trái Đất

Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA dự báo có 25% - 30% khả năng xuất hiện lóa cấp M trong 3 ngày tới, 5% - 10% khả năng xuất hiện lóa cấp X.

Chưa có lóa cấp M hay X nào từ vết đen nhưng vẫn có khả năng những lóa mạnh hơn sẽ xuất hiện trong tuần tới.

AR3038 đã gây ra các lóa cấp C hướng về phía Trái Đất. Steenburgh cho biết: "Khả năng xuất hiện các lóa từ khu vực này vẫn cao khi vết đen Mặt Trời trở nên lớn và phức tạp hơn".

Lóa Mặt Trời cấp C quá yếu nên không ảnh hưởng đáng kể đến Trái Đất, theo Andrés Muñoz-Jaramillo, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Tây Nam, San Antonio. Lóa cấp M có thể làm gián đoạn liên lạc vô tuyến ở các cực Trái Đất.

Đầu năm nay, một đợt bùng phát hoạt động của lóa cấp M đã gây ra cơn bão địa từ mạnh đến mức phá hỏng hàng chục vệ tinh Starlink của SpaceX.

Các lóa Mặt Trời yếu xuất hiện thường xuyên còn lóa cấp X hiếm hơn. Lóa cấp X có khả năng tác động tới vệ tinh, các hệ thống liên lạc, lưới điện và nghiêm trọng nhất là gây thiếu điện hoặc mất điện.

Ngọc Mai

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Xuất hiện vết đen Mặt Trời lớn gấp 3 lần Trái Đất